Khi Mỹ thúc đẩy việc tăng lãi suất mạnh nhất trong suốt nhiều năm, các nhà đầu tư quan tâm hơn một cách bất thường tới các thị trường mới nổi của châu Á, với dự đoán rằng các nhà chức trách Mỹ có thể kiềm chế lạm phát mà không gây ra sự hỗn loạn về vốn của các chu kỳ trước đó.
Mặc dù không chứng kiến đà tăng ấn tượng nào, nhưng thị trường tiền tệ, trái phiếu và cổ phiếu tại các nền kinh tế mới nổi châu Á ổn định cho thấy các nhà đầu tư có thể đã ngừng việc vội vã tìm cách bán tháo.
Các đồng tiền bị giảm giá như đồng won của Hàn Quốc và đồng ringgit của Malaysia đã phục hồi trong phiên 28/7.
Trong khi đó, các thị trường trái phiếu và cổ phiếu ở Seoul của Hàn Quốc, Kuala Lumpur của Malaysia, Jakarta của Indonesia và Manila của Philippines cũng phản ứng tích cực với đợt tăng lãi suất mới nhất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Fed, đáp ứng kỳ vọng của thị trường, với quyết định tăng lãi suất cơ bản thêm 0,75 điểm phần trăm lên phạm vi từ 2,25% đến 2,5% tại cuộc họp ngày 27/7.
Như vậy, ngân hàng này đã tăng lãi suất thêm 1,5 điểm phần trăm trong hai tháng qua, tốc độ tăng nhanh nhất kể từ đầu những năm 1980 và có khả năng khiến đà tăng trưởng kinh tế Mỹ giảm tốc.
Tuy nhiên, Chủ tịch Fed Jerome Powell lưu ý rằng hoạt động chi tiêu và sản xuất của Mỹ đang chậm lại.
[Fed tiếp tục nâng lãi suất thêm 0,75 điểm %]
Các nhà giao dịch đã coi nhận định này như một sự xác nhận rằng có thể mức “đỉnh” lãi suất đang tiến rất gần và cùng với đó là mức cao mới đối với đồng USD và mức “đáy” của sự tuyệt vọng.
Masafumi Yamamoto, chiến lược gia tiền tệ tại Mizuho Securities ở Tokyo, cho biết: “Thời gian qua, các loại tiền tệ của thị trường mới nổi, đặc biệt là tiền tệ châu Á, đã bị bán tháo quá mức.
Đà tăng của thị trường chứng khoán Mỹ đang diễn ra và những nhận xét bớt “diều hâu” hơn của ông Powell đang hỗ trợ các đồng tiền châu Á và các loại tiền tệ của thị trường mới nổi.”
Các thị trường mang tính định hướng của khu vực như Hàn Quốc và Indonesia đang có dấu hiệu cho thấy giai đoạn tồi tệ nhất có thể đã qua. Thay vì sụp đổ, trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Indonesia đã tăng tương đối tốt.
Trong khi đó, đồng won của Hàn Quốc, vốn bị “vùi dập” bởi dòng vốn chủ sở hữu do dự đoán rằng ngành công nghiệp nặng và các lĩnh vực sản xuất công nghệ cao của nước này sẽ bị ảnh hưởng khi các điều kiện thị trường thắt chặt, cũng tạm dừng xu hướng “trượt dốc.”
Đồng won, đã giảm gần 9% kể từ đầu năm nay, có phiên giao dịch tốt nhất trong gần một tháng vào ngày 28/7 và đã tăng khoảng 2% so với mức thấp nhất trong 13 năm ghi nhận vào giữa tháng Bảy.
Các động thái này khác xa so với giai đoạn đầu chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ gần đây nhất của Fed vào năm 2013, khi Ấn Độ và Indonesia được coi là một trong những “nền kinh tế mới nổi mong manh," khi các thị trường dễ bị tổn thương trước việc Mỹ tăng lãi suất.
Chứng khoán Indonesia đang hướng tới tháng giao dịch tốt nhất kể từ tháng 4/2022 và đồng rupiah chỉ giảm 5% trong năm nay, ngay cả khi đà đi lên của “đồng bạc xanh” đã giúp chỉ số đồng USD tăng khoảng 11%.
Ngược lại, trong năm 2013, đồng tiền của Indonesia giảm 21%, lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm tăng 3,3 điểm phần trăm và thị trường chứng khoán đi ngang khi thị trường chứng khoán thế giới tăng điểm.
Thu Ha Chow, người đứng đầu bộ phận thu nhập cố định khu vực châu Á tại công ty quản lý tài sản Dutch Asset cho biết: “Điều mà chúng tôi rất ngạc nhiên cho đến thời điểm này là thị trường châu Á thực sự đã duy trì sự ổn định tương đối tốt trước áp lực mà họ đang phải chịu.”
Tất nhiên, có rất nhiều rủi ro - đặc biệt là khi một số ngân hàng trung ương, đặc biệt là ở Thái Lan và Indonesia, đang chậm trong việc tăng lãi suất theo Fed.
Không một quốc gia nào đã nâng lãi suất khỏi mức thấp của đại dịch, gây áp lực giảm giá lên đồng tiền của nước họ, từ đó có thể làm trầm trọng thêm lạm phát và dòng tiền chảy ra.
Tuy nhiên, các nhà đầu tư hy vọng tình hình này sẽ sớm thay đổi./.
Minh Trang (TTXVN/Vietnam+)