Hãng thông tấn Tân Hoa của Trung Quốc đưa tin, trong Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến kéo dài 2 giờ đồng hồ với Tổng thống Mỹ J.Biden, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết, Mỹ và Trung Quốc nhất trí tăng cường trao đổi và hợp tác, đồng thời đảm bảo cạnh tranh lành mạnh, cùng chung sống trong hòa bình và tuân thủ mọi nghĩa vụ quốc tế.
Ông Tập Cận Bình cho rằng, với vị trí là hai nền kinh tế lớn nhất thế giới và là các nước thành viên thường trực trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Trung Quốc và Mỹ cần tăng cường liên hệ và hợp tác, giải quyết tốt các vấn đề nội bộ, đồng thời cùng gánh vác và chia sẻ các trách nhiệm quốc tế, cùng nhau nỗ lực vì mục tiêu cao cả là hòa bình và phát triển của thế giới.
Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh, việc duy trì một mối quan hệ Trung – Mỹ lành mạnh và ổn định là yếu tố cần thiết để thúc đẩy sự phát triển tương ứng của hai nước cũng như bảo vệ môi trường quốc tế hòa bình, ổn định, gồm cả việc tìm ra cách thức ứng phó hiệu quả trước các thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu và đại dịch COVID-19.
Về phía Tổng thống J.Biden khẳng định trách nhiệm của các nhà lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc là bảo đảm sự cạnh tranh giữa hai nước không leo thang thành xung đột, dù là trong dự định hay ngoài ý muốn. Hai bên cần thiết lập một số nhận thức trung, trong đó đề cập rõ ràng và trung thực về những điểm bất đồng, hợp tác trong các vấn đề cùng có lợi, đặc biệt là các vấn đề quan trọng như biến đổi khí hậu. Tổng thống Mỹ J.Biden bày tỏ mong muốn có cuộc gặp trực tiếp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong thời gian tới. Người đứng đầu Nhà Trắng cho biết, ông trông đợi một cuộc trao đổi thẳng thắn và một chương trình nghị sự thực chất, bao quát phạm vi rộng với phía Trung Quốc.
Sự kiện diễn ra vào sáng 16/11 đánh dấu cuộc gặp gỡ chính thức đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc kể từ sau khi ông J.Biden nhậm chức vào tháng 1/2021. Trước đó, ông Tập Cận Bình và ông J.Biden đã từng trao đổi thông tin và tiến hành các cuộc điện đàm, với cuộc điện đàm gần đây nhất diễn ra vào ngày 10/9/2021.
Từ nhiều tháng trở lại đây, quan hệ giữa hai nền kinh tế nhất, nhì thế giới đang ngày càng diễn biến theo chiều hướng xấu do một số bất đồng về thương mại, quân sự và nhân quyền. Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến diễn ra vào sáng 16/11 được coi là cơ hội để hai nhà lãnh đạo Mỹ, Trung cùng nhìn nhận thực tế, để từ đó tìm kiếm phương thức hàn gắn mối quan hệ. Cuộc gặp gỡ thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng được coi là một chương trình nghị sự quan trọng hàng đầu trong nhiệm kỳ Tổng thống của ông J.Biden, trước mục tiêu điều phối hài hòa mối quan hệ với Trung Quốc.
Tuy nhiên, những mâu thuẫn kéo dài và tồn tại dai dẳng trong nhiều lĩnh vực khiến dư luận không đặt kỳ vọng vào kết quả cụ thể của cuộc gặp gỡ thượng đỉnh trực tuyến giữa hai nhà lãnh đạo Trung, Mỹ. Thay vào đó, giới chức Mỹ chỉ khiêm tốn đánh giá sự kiện này sẽ giúp mở rộng các hình thức liên lạc, giúp bảo đảm trạng thái cạnh tranh trong quan hệ hai nước không vô tình bị đẩy thành xung đột.
Mùa hè năm nay, các trợ lý của Tổng thống J.Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình đã nỗ lực thu xếp một cuộc gặp gỡ trực tiếp giữa hai nhà lãnh đạo bên lề Hội nghị thượng đỉnh nhóm G20 diễn ra ở Rome (Italy). Tuy nhiên, kế hoạch đã bị thay đổi vào phút chót khi Chủ tịch Tập Cận Bình quyết định không tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 do những khuyến cáo về đại dịch COVID-19. Vì thế, cuộc gặp gỡ thượng đỉnh diễn ra theo hình thức trực tuyến được mô tả như một nỗ lực của người đứng đầu Nhà Trắng nhằm tiếp tục thúc đẩy các nội dung điện đàm trước đó với nhà lãnh đạo Trung Quốc.
Ông J.Biden vẫn được biết đến là người ưu tiên các cuộc gặp gỡ trực tiếp hơn là qua hình thức trực tuyến. Ngay từ khi mới nhậm chức Tổng thống Mỹ, ông đã có lần phàn nàn rằng các cuộc gặp thượng đỉnh diễn ra theo hình thức trực tuyến không thể giúp tạo ra “phản ứng hóa học” như ngồi đối diện. Trong khi đó, Chủ tịch Trung Quốc cũng được đánh giá là người coi trọng các cuộc gặp gỡ trực tiếp bởi điều này không chỉ giúp ông thể hiện được sự gần gũi mà còn cả sự quyền lực. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh thì các cuộc tiếp xúc giữa lãnh đạo hai nước, dù diễn ra dưới hình thức gián tiếp hay trực tiếp đều là điều được dư luận trông đợi và đặt kỳ vọng. Hình thức của các cuộc tiếp xúc không phải là yếu tố quyết định, mà quan trọng hơn cả là thiện chí đã được thể hiện như thế nào để đôi bên cùng xích lại gần nhau hơn./.
Thu Lan (Theo CNN, cbsnews, TASS)