Ngày 20/6, tại Hà Nội, Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) tổ chức Hội thảo về “Chiến lược cải cách tư pháp trong Toà án nhân dân định hướng đến năm 2030”.
GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và PGS.TS Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC chủ trì Hội thảo.
Phát biểu khai mạc, đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC nhấn mạnh: Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã rất quan tâm đến công cuộc cải cách tư pháp.
Theo yêu cầu Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược Cải cách tư pháp đến năm 2020, trong bộ máy Nhà nước ta, TAND có vị trí, vai trò hết sức quan trọng. Toà án là cơ quan xét xử, thực hiện quyền tư pháp, có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Nghị quyết số 49-NQ/TW đã xác định Tòa án có vị trí trung tâm và xét xử là hoạt động trọng tâm.
Hội thảo về “Chiến lược cải cách tư pháp trong Toà án nhân dân định hướng đến năm 2030”. Ảnh: TH.
Thực hiện các Nghị quyết của Đảng, Nhà nước về cải cách tư pháp, hệ thống Toà án đã chủ động, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành; đề ra nhiều chủ trương với những giải pháp đột phá để nâng cao chất lượng xét xử và hiệu quả cải cách tư pháp. Kết quả thực hiện chiến lược cải cách tư pháp trong hệ thống Tòa án đã có những bước phát triển mới, đạt được những thành tích quan trọng như: Quốc hội đã ban hành Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, cùng một số luật liên quan… với nội dung về cơ bản đã thể chế hóa được các định hướng mà Nghị quyết số 49 đề ra. Tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ của TAND đã được đổi mới, hoàn thiện, trong đó đã khẳng định TAND là cơ quan thực hiện quyền tư pháp; xây dựng hệ thống Tòa án 4 cấp; đổi mới cách thức tổ chức phiên tòa theo hướng tiếp thu hạt nhân hợp lý của mô hình tranh tụng; đổi mới hình thức phòng xử án. Mặt khác, đội ngũ chức danh tư pháp trong TAND được đổi mới, củng cố, tăng cường cả về số lượng và chất lượng; Uy tín và địa vị của Tòa án Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng cao….
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, nền tư pháp nước ta vẫn còn một số tồn tại như: Chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu và mong muốn của người dân; Còn lạc hậu so với mặt bằng chung của thế giới; Niềm tin của người dân vào nền tư pháp chưa cao; Chưa có cơ chế hữu hiệu để tăng cường khả năng tự quyết định, khả năng đoán định tư pháp của người dân;…
Để chuẩn bị cho việc tổng kết thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW và góp ý văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng, đồng chí Nguyễn Hòa Bình nêu rõ, trong thời gian tới bên cạnh việc phải tổng kết, đánh giá lại những kết quả cải cách tư pháp đã đạt được, các Tòa án phải nghiên cứu, đề xuất những định hướng lớn cho Đảng về chiến lược cải cách tư pháp mới của hệ thống Toà án nói riêng và nền tư pháp nói chung.
Đề cập đến định hướng của Đảng về đổi mới tổ chức và hoạt động của TAND đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN đến năm 2030, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng - Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện hành chính Quốc gia nhấn mạnh: Trong giai đoạn từ nay đến năm 2030 việc đổi mới tổ chức hoạt động của ngành tòa án là nhiệm vụ trọng tâm của tiến trình cải cách tư pháp Việt Nam và là yếu tố hết sức quan trọng để tạo sự đồng bộ, gắn kết 3 thiết chế phát triển: nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, nhà nước pháp quyền XHCN và nền dân chủ công bằng...
Trên cơ sở đó, cần tiếp tục đẩy mạnh, thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng về cải cách tư pháp và đổi mới hệ thống tòa án trong các luật về bộ máy, hình sự, dân sự, tố tụng, thi hành án…
Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng để bảo đảm quyền lực Nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp giữa các cơ quan Nhà nước trong thực hiện quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp.
GS.TS Nguyễn Xuân Thắng lưu ý: Do tòa án là cơ quan thực hiện quyền tư pháp, vì vậy phương thức lãnh đạo của Đảng với tòa án cũng có những điểm đặc thù. Theo đó, không được để cấp ủy, tổ chức đảng, đảng viên cơ quan nhà nước hay tổ chức, người có quyền hạn nào nhân danh Đảng để can thiệp trực tiếp vào công tác xét xử của tòa án. Đảng viên làm công tác xét xử phải chấp hành điều lệ Đảng bảo đảm các phán quyết của tòa án công minh, chính trực, bảo vệ công lý, bảo vệ kinh tế XHCN, bảo vệ chế độ của nhân dân…; nắm vững tính Đảng gắn liền với yêu cầu phát huy dân chủ trên nguyên tắc hiến định tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân.
“Dân chủ cũng là một trong những mục tiêu của cải cách tư pháp trong giai đoạn hiện nay. Với yêu cầu đó, việc đổi mới tổ chức, hoạt động của TAND phải đặt dưới sự kiểm tra, giám sát, kiểm soát của nhân dân”, GS.TS Thắng nhấn mạnh.
Tại Hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học tập trung tham luận, thảo luận làm rõ kết quả đạt được trong công tác cải cách tư pháp của ngành TAND thời gian qua, phân tích hạn chế, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Trên cơ sở đó, kiến nghị nhiều giải pháp để xây dựng Chiến lược cải cách tư pháp mới trong TAND giai đoạn 2021-2030. Trong đó, xác định rõ hệ mục tiêu, quan điểm, định hướng, các hình thức, giải pháp, các nguồn lực và lộ trình thực hiện cải cách tư pháp; Tập trung xây dựng chế độ tư pháp công khai, minh bạch và tăng cường khả năng tiếp cận công lý của người dân; Đổi mới tổ chức TAND các cấp đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp; xây dựng cơ chế giám sát liêm chính tư pháp…/.
Thu Hằng