Theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, trong cuộc gặp với Thủ tướng Đức Olaf Scholz ở Berlin ngày 18/4, Tổng thống kiêm Bộ trưởng Nội vụ Thụy Sĩ Alain Berset tái khẳng định nguyên tắc trung lập lâu nay của nước này, theo đó sẽ không hỗ trợ quân sự cho bất cứ bên nào trong cuộc xung đột.
Ông Berset lưu ý quan điểm trung lập không có nghĩa là “thờ ơ” trước lợi ích của người dân, đồng thời cho biết Thụy Sĩ cam kết viện trợ nhân đạo cho Ukraine.
Bộ Nội vụ cho biết Thụy Sĩ tập trung vào viện trợ nhân đạo và đã tiếp nhận nhiều người tị nạn. Nước này cũng đang hỗ trợ Ukraine 1,8 tỷ CHF (2 tỷ USD) cho đến năm 2028.
[Thụy Sĩ duy trì lập trường phản đối xuất khẩu vũ khí sang Ukraine]
Thụy Sĩ đang chịu áp lực quốc tế mạnh mẽ để cho phép các quốc gia sở hữu vũ khí do Thụy Sĩ sản xuất tái xuất khẩu sang Ukraine.
Tây Ban Nha, Đức và Đan Mạch và một số nước khác yêu cầu gửi các thiết bị chiến tranh do Thụy Sĩ sản xuất đến Ukraine.
Chính phủ Thụy Sĩ cho đến nay luôn phản đối điều này, viện dẫn luật trung lập và luật về trang thiết bị chiến tranh.
Hai biện pháp can thiệp kêu gọi nới lỏng các điều khoản tái xuất khẩu vũ khí đã không được thông qua trong phiên họp mùa Xuân của Quốc hội Thụy Sĩ trong khi một số đề xuất của Quốc hội về vấn đề này vẫn đang được xem xét.
Trước đó, theo kết quả cuộc khảo sát “An ninh 2023” vừa được công bố, kể từ khi nổ ra cuộc xung đột tại Ukraine, người dân Thụy Sĩ vẫn đồng thuận về việc nước này tiếp tục duy trì nguyên tắc trung lập, dù có xu hướng ủng hộ tăng cường hợp tác giữa Thụy Sĩ với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), cũng như nâng cao năng lực quốc phòng.
Quan điểm này phù hợp với chính sách của Thụy Sĩ trong thời gian qua: áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga và hỗ trợ nhân đạo cho Ukraine, nhưng từ chối cho phép xuất khẩu vũ khí do Thụy Sĩ sản xuất sang Ukraine./.
Tố Uyên (TTXVN/Vietnam+)