Thụy Sỹ tài trợ hơn 3,3 triệu USD thực hiện kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam 

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch-Đầu tư Đỗ Thành Trung, khoản tài trợ hơn 3,3 triệu USD sẽ tạo điều kiện nhân rộng mô hình khu công nghiệp sinh thái toàn quốc trên cơ sở thành công của giai đoạn 2014-2024.
Thụy Sỹ tài trợ hơn 3,3 triệu USD thực hiện kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung vừa thông báo việc Bộ tiếp nhận ngân sách 3.346.009 USD do Tổng cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO) tài trợ để thúc đẩy thực hiện kinh tế tuần hoàn và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu trong các khu công nghiệp tại Việt Nam.

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung, khoản tài trợ này sẽ tạo điều kiện nhân rộng mô hình khu công nghiệp sinh thái trên toàn quốc trên cơ sở những thành công trong giai đoạn 2014-2024, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực công nghiệp và tại các khu công nghiệp, giảm thiểu tác động của hoạt động sản xuất tới môi trường và hỗ trợ các khu công nghiệp ứng phó với biến đổi khí hậu.

Thông báo được đưa ra tại Lễ ký kết Văn kiện Dự án “Nhân rộng phương pháp tiếp cận khu công nghiệp sinh thái để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) vừa phối hợp thực hiện.

“Lễ ký kết đánh dấu bước tiến quan trọng của Việt Nam từ giai đoạn trình diễn các lợi ích của khu công nghiệp sinh thái sang thúc đẩy và nhân rộng các phương pháp tiếp cận khu công nghiệp sinh thái, góp phần nâng cao vị thế và phát triển bền vững mô hình này trên cả nước,” Thứ trưởng Đỗ Thành Trung nhấn mạnh.

Dự án này nhằm thúc đẩy thực hiện kinh tế tuần hoàn trong các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, giảm tác động môi trường của sản xuất công nghiệp và giúp các khu công nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu.

 

Đồng thời, dự án sẽ tiếp tục nhân rộng việc thực hiện khu công nghiệp sinh thái, tập trung vào nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, giảm thiểu chất thải, thúc đẩy tái chế, nâng cao hiệu quả kinh tế, môi trường và xã hội của các doanh nghiệp, từ đó góp phần phát triển công nghiệp bền vững và toàn diện.

Thứ trưởng Đỗ Thành Trung cho biết Thụy Sỹ là một trong số các quốc gia phương Tây đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam kể từ ngày 11/10/1971. Quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước hơn 50 năm qua không ngừng phát triển và ngày càng được củng cố vững chắc.

Thứ trưởng Đỗ Thành Trung cho biết Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong quá trình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2025.

Hiện, Việt Nam đang tiếp tục ưu tiên thực hiện 3 đột phá chiến lược trong Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2021-2030: hoàn thiện đồng bộ thể chế; phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ.

 

"Với thế mạnh về công nghệ, ngân hàng-tài chính, phát triển đô thị bền vững, giáo dục, y tế, môi trường... Bộ Kế hoạch và Đầu tư mong muốn Chính phủ Thụy Sỹ sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam đẩy mạnh kinh tế số, kinh tế xanh; nghiên cứu và phát triển ngành công nghiệp mới, công nghệ cao, công nghệ nguồn, vật liệu mới; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; đào tạo nhân lực chất lượng cao," Thứ trưởng Trung đề xuất.

Thứ trưởng Đỗ Thành Trung đánh giá cao những đóng góp của Thụy Sỹ đối với Việt nam trong hợp tác phát triển (ODA) và đầu tư nước ngoài.

Về ODA, từ năm 1992 đến nay, thông qua SECO, Thụy Sỹ đã hỗ trợ cho Việt Nam gần 630 triệu CHF, tương đương 687 triệu USD; trong đó, trong Chương trình hợp tác giữa Thụy Sỹ và Việt Nam giai đoạn 2021-2024, Thụy Sỹ cam kết viện trợ khoảng 70 triệu CHF, tương đương 76 triệu USD với 2 định hướng lớn: thúc đẩy hình thành điều kiện khung kinh tế lành mạnh và định hướng thị trường; tăng cường khả năng cạnh tranh và tiếp cận thị trường của khu vực tư nhân.

Về đầu tư, tính đến 31/10/2024, Thụy Sỹ có 218 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 2107,43 tỷ USD, đứng thứ 20/148 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Quy mô dự án bình quân là 9,6 triệu USD/dự án, thấp hơn quy mô dự án bình quân chung là khoảng 11,9 triệu USD/dự án, tập trung trong lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo (chiếm 90% tổng vốn), bán buôn bán lẻ (chiếm 3,2% tổng vốn đầu tư), tập trung tại các địa bàn có nhiều khu công nghiệp như Đồng Nai và Kiên Giang. Việt Nam cũng có 1 dự án đầu tư sang Thụy Sỹ với số vốn là 0,02 triệu USD.

Trước đó, đối với phát triển bền vững hoạt động công nghiệp và khu công nghiệp, với sự hỗ trợ của SECO, Việt Nam đã thực hiện chuyển đổi 4 khu công nghiệp sang khu công nghiệp sinh thái (giai đoạn 2015-2029) và 3 khu công nghiệp đang thực hiện chuyển đổi từ 2020 đến 2024./.

 

Nước sông Hồng lên cao, nhấn chìm các khu vực nằm ven sông ở thành phố Yên Bái, chiều 9/9. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Thụy Sĩ hỗ trợ Việt Nam 1 triệu franc để khắc phục hậu quả bão số 3

Cơ quan Phát triển và Hợp tác Thụy Sĩ (SDC) sẽ gửi hàng cứu trợ, bao gồm 300 lều gia đình và 2 hệ thống phân phối nước có khả năng phục vụ 10.000 người, giúp Việt Nam khắc phục hậu quả bão số 3.

(TTXVN/Vietnam+)
32 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1143
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1143
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87106882