Trong tuyên bố đưa ra ngày 26/7, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, Thượng nghị sỹ bang Tennessee - ông Bob Corker đã tỏ ra lưỡng lự trước bản dự luật trừng phạt Nga, Iran và Triều Tiên do Hạ viện Mỹ thông qua. Tháng trước, với tỷ lệ ủng hộ gần như tuyệt đối, Thượng viện cũng đã thông qua một dự luật riêng song chỉ đề cập tới các biện pháp trừng phạt Nga và Iran chứ không bao gồm Triều Tiên. Thậm chí những ý kiến trái chiều xung quanh việc đưa Triều Tiên vào bản dự luật trừng phạt của Mỹ đã làm bùng phát một cuộc tranh cãi giữa ông Corker và lãnh đạo phe đa số ở Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy. Trong khi ông Corker đã đưa ra những phân tích cụ thể và cho rằng, việc đối phó với Triều Tiên nên được “lùi sang một thời điểm khác”, thì ông McCarthy lại lên tiếng khẳng định sự cần thiết của việc bổ sung Triều Tiên vào danh sách trừng phạt trước các thông tin rằng Bình Nhưỡng sẽ có đủ sức mạnh để tấn công hạt nhân lục địa Mỹ vào cuối năm 2018. Cuộc tranh cãi này đã có lúc bị đẩy lên đỉnh điểm và làm dấy lên những nghi ngờ về khả năng bản dự luật sẽ được hợp thức hóa và đệ trình lên Tổng thống Donald Trump trước kỳ nghỉ thường niên của Quốc hội vào tháng 8 tới.

Tuy nhiên, chỉ vài giờ sau tuyên bố trên, ông Corker bất ngờ thông báo Thượng viện sẽ phê chuẩn bản dự luật vừa được Hạ viện thông qua với số phiếu áp đảo 419-3, song yêu cầu các nhà lãnh đạo Hạ viện cần “nhanh chóng cân nhắc và chuyển thể bản dự luật sang ngôn ngữ Triều Tiên” vì cho rằng đây là điều mà nhiều thành viên của Thượng viện Mỹ mong muốn sẽ được thực hiện trong “một tương lai rất gần”.

Trong tuyên bố đưa ra cùng ngày, ông Corker nói: “Tôi vui mừng thông báo chúng tôi đã nhất trí gửi dự luật trên tới Tổng thống ký phê chuẩn”. Theo ông, Thượng viện sẽ thông qua các lệnh trừng phạt Nga và Iran – vốn được Thượng viện phê chuẩn từ trung tuần tháng 6/2017, cùng các biện pháp trừng phạt Triều Tiên theo như đề xuất trong dự luật vừa được Hạ viện thông qua.

Theo nhận định của giới phân tích, bản dự luật trừng phạt Nga, Iran và Triều Tiên, sau khi được Hạ viện thông qua và Thượng viện “bật đèn xanh” sẽ sớm được đệ trình lên Tổng thống Mỹ Donald Trump. Vào thời điểm đó, nhà lãnh đạo Mỹ sẽ phải đứng trước một sự lựa chọn không mấy dễ dàng: Hoặc là ký vào bản dự luật mà ê-kíp cố vấn của Tổng thống đã từng phản đối, hoặc là bỏ qua những động thái gây sức ép từ Quốc hội để có thể tôn trọng những mong muốn của Nga nhằm cải thiện mối quan hệ song phương.

Trong khi đó, giới chức tại Nga tiếp tục cảnh báo quan hệ giữa Washington với Moscow và các nước đồng minh sẽ xấu đi nếu ông D.Trump ký ban hành dự luật này.

Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Rossiya’24, ngày 26/7, Đại diện thường trực Nga tại Liên minh châu Âu (EU) – ông Vladimir Chizhov tuyên bố tương lai hợp tác giữa Nga và EU phụ thuộc vào cách thức phản ứng từ EU trước các lệnh trừng phạt mới của Mỹ. Ông Chizhov cho biết, hiện EU đang cân nhắc tới việc trả đũa dự luật trừng phạt mới của Mỹ thông qua nhiều cách thức, trong đó có việc vô hiệu hóa các biện pháp này trên toàn khối và cấm các ngân hàng châu Âu hỗ trợ tài chính cho các công ty Mỹ.

Cùng ngày, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố Nga sẽ kiên nhẫn chờ đợi cho tới thời điểm bản dự luật trừng phạt được ký ban hành thành luật. “Cho tới giờ chúng tôi mới chỉ nói về bản dự luật và chúng tôi sẽ không đưa ra các đánh giá thay thế…Phản ứng (của Nga) về vấn đề này sẽ được đưa ra dựa trên kết quả phân tích kỹ lưỡng và quyết định của người đứng đầu Nhà nước, Tổng thống Vladimir Putin” – ông Peskov nói.

Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hội đồng Liên bang (tức Thượng viện) Nga – ông Konstatin Kosachev đã kêu gọi các biện pháp trả đũa trước các lệnh trừng phạt mới của Mỹ, đồng thời lưu ý thêm rằng “các quyết định liên quan tới chính sách đối ngoại sẽ do Tổng thống Nga đưa ra”. “Chúng tôi sẽ thông báo cho các bạn vào thời điểm và nếu như các quyết định trên được đưa ra. Mọi tuyên bố khác từ các nghị sỹ Nga đều rõ ràng và dễ hiểu. Chúng tôi đang nói tới các lối hành xử vô cùng thiếu thân thiện, và đó cũng là lý do tại sao phản ứng lại trở nên rõ ràng đến vậy” – ông Kosachev nhấn mạnh./.

Thu Lan (Theo báo chí nước ngoài)