Thường trực HĐND tỉnh Quảng Trị họp xem xét các báo cáo chuẩn bị kỳ họp NĐND tỉnh lần thứ 4 

(QT) - Ngày 18/5/2017, Thường trực HĐND tỉnh tổ chức phiên họp lần thứ 12 để tham gia ý kiến vào các văn bản thẩm tra của các Ban- HĐND tỉnh chuẩn bị cho kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh khóa VII. Tham dự có các đồng chí: Nguyễn Văn Hùng, UVTƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Đức Dũng, UVTVTU, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Nguyễn Trần Huy, TUV, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; lãnh đạo các Ban- HĐND tỉnh…

Cuộc họp đã nghe lãnh đạo các Ban của HĐND tỉnh báo cáo thẩm tra các đề án, dự thảo nghị quyết trình kỳ họp thứ 4 - HĐND tỉnh khóa VII. Ban Kinh tế- Ngân sách được giao thẩm định Đề án phát triển một số cây trồng, con nuôi có lợi thế cạnh tranh trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2025; Đề án kiện toàn mạng lưới khuyến nông viên và thú y viên cơ sở tỉnh Quảng Trị đến năm 2020; Đề án về một số chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển kinh tế tập thể tỉnh Quảng trị giai đoạn 2017-2021; Quy định một số chế độ, định mức chi tiêu đảm bảo hoạt động của HĐND các cấp trên địa bàn tỉnh.

 

Một số ý kiến cho rằng việc sửa tên gọi dự thảo Nghị quyết là: Hỗ trợ, phát triển một số sản phẩm nông nghiệp chủ lực có lợi thế cạnh tranh trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2025 so với tên gọi ban đầu là không có căn cứ, không phù hợp với toàn bộ nội dung đề án mà UBND tỉnh đã chuẩn bị. Việc xác định tên gọi đề án cần căn cứ vào các nghị quyết của Đảng, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Chính phủ. Nên bỏ nội dung hỗ trợ chế biến sâu sản phẩm cao su vì chưa có điều kiện và kinh phí để thực hiện. Đối với Đề án kiện toàn mạng lưới khuyến nông viên và thú y viên cơ sở tỉnh Quảng Trị không nên quy định trình độ, lứa tuổi mà coi trọng hiệu quả công việc.

 

Đối với Ban Văn hóa- Xã hội được Thường trực HĐND tỉnh giao thẩm tra dự thảo Nghị quyết về Quy hoạch phát triển Bưu chính, Viễn thông và Công nghệ thông tin (CNTT) tỉnh Quảng Trị đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Một số ý kiến thống nhất với nội dung thẩm tra nhưng đề nghị làm rõ tỉ lệ chi tiêu cho CNTT so với GDP của tỉnh, đề nghị thu hồi các điểm bưu điện văn hóa xã hoạt động không có hiệu quả, giao cho địa phương quản lý để tránh lãng phí về đất đai.

Đối với Đề án “Về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 12/2013 của HĐND tỉnh” do Ban Pháp chế thẩm tra, các đại biểu nhất trí với các nội dung của văn bản thẩm tra, đồng thời góp ý: Đối với những người tốt nghiệp thạc sĩ, tiến sĩ ở nước ngoài cũng cần xem xét chất lượng đào tạo khi thực hiện chính sách thu hút. Vì một số trường đại học nước ngoài chất lượng đào tạo vẫn không cao hơn so với trong nước. Nên dừng việc gửi học sinh đi đào tạo bác sĩ ở các trường tư thục, trừ trường hợp có quyết định của Bộ Y tế.

 

Tại cuộc họp, Ban Dân tộc cũng đã báo cáo thẩm tra Đề án về ban hành Nghị quyết quy định khoảng cách và địa bàn làm căn cứ xác định học sinh không thể đến trường và trở về nhà trong ngày; tỉ lệ khoán kinh phí phục vụ việc nấu ăn cho học sinh trường Phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông có tổ chức nấu ăn tập trung cho học sinh là đối tượng hưởng chính sách theo quy định tại Nghị định 116-NĐ/CP trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Các đại biểu nhất trí với nội dung thẩm tra.

Phát biểu ý kiến tại cuộc họp, đồng chí Nguyễn Văn Hùng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cho rằng cần xem xét, cân nhắc tên gọi “Đề án phát triển một số cây trồng, con nuôi có lợi thế cạnh tranh trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2025”, so với tên gọi mà Ban Kinh tế- Ngân sách đề nghị sửa đổi. Việc đề xuất các chính sách hỗ trợ mà Ban Kinh tế - Ngân sách đặt ra cần phải căn cứ trên cơ sở nguồn lực địa phương. Việc xây dựng đề án này cũng cần tiếp cận với những nội dung của Nghị quyết Trung ương 5 mới ban hành về các thành phần kinh tế.

 

Đối với Đề án Quy hoạch phát triển Bưu chính, Viễn thông và Công nghệ thông tin tỉnh Quảng Trị đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, phải cập nhật những thành tựu khoa học công nghệ mới. Sau quy hoạch phải phát huy được vai trò của CNTT để thực hiện công tác quản lý nhà nước, cải cách hành chính, phục vụ doanh nghiệp và người dân; các đơn vị sự nghiệp CNTT phải sắp xếp lại để trở thành đơn vị tự chủ; toàn tỉnh có được Trung tâm CNTT đạt chuẩn, đủ mạnh, có năng lực thực hiện các đơn đặt hàng theo yêu cầu…

 

Đồng chí Chủ tịch HĐND tỉnh cũng thống nhất thời gian, nội dung kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh khóa VII, đề nghị các Ban của HĐND tỉnh hoàn chỉnh nội dung báo cáo thẩm tra để trình kỳ họp.

 

PA

 
 
1424 Go top

Sự kiện nổi bật

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 493
    • Thành viên Thành viên 1
    • Tổng Tổng 494
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 77985431