Kể từ khi thiết lập quan hệ tới nay, hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa Việt Nam-Campuchia ngày càng phát triển mạnh mẽ. Về hợp tác kinh tế, thương mại, Việt Nam duy trì vị trí đứng đầu ASEAN và trong nhóm 5 nước có vốn đầu tư trực tiếp tại Campuchia.
Đặc biệt, các cơ chế hợp tác song phương quan trọng đều được hai bên duy trì tổ chức và tiếp tục phát huy hiệu quả. Chính vì vậy, nhận lời mời của Thủ tướng Vương quốc Campuchia, Chủ tịch ASEAN 2022, Samdech Techo Hun Sen, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ thăm chính thức Vương quốc Campuchia từ ngày 8-9/11 và tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 40-41 và các Hội nghị Cấp cao liên quan tại Phnom Pênh, Campuchia từ ngày 10-13/11.
Đây là dịp quan trọng để hai bên trao đổi các định hướng, biện pháp lớn nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương giữa hai nước tiếp tục phát triển trong giai đoạn mới.
Tăng trưởng khả quan
Đánh giá về quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Campuchia trong thời gian qua, Bộ Công Thương cho biết, giai đoạn 2016-2020, kim ngạch thương mại Việt Nam-Campuchia tăng trưởng trung bình 17%/năm, tăng từ 2,92 tỷ USD năm 2016 lên đến 5,31 tỷ USD năm 2020.
Năm 2021, kim ngạch thương mại Việt Nam-Campuchia tiếp tục bứt phá, đạt 9,54 tỷ USD, tăng 79,1% so với năm 2020; trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Campuchia đạt 4,83 tỷ USD, tăng 16,4% và nhập khẩu của Việt Nam từ Campuchia đạt 4,71 tỷ USD tăng 299,8% so với năm 2020.
Riêng trong 9 tháng năm 2022, kim ngạch thương mại của Việt Nam với Campuchia đạt gần 8,45 tỷ USD, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm 2021. Dự kiến năm 2022, kim ngạch thương mại song phương sẽ vượt mức 11 tỷ USD.
Theo Bộ Công Thương, cơ cấu xuất nhập khẩu của Việt Nam và Campuchia có sự bổ sung lẫn nhau. Campuchia có nhu cầu nhập khẩu từ Việt Nam các mặt hàng sắt thép, vật liệu xây dựng, nhiên liệu, đồ nhựa, đồ gia dụng, hàng tiêu dùng, phân bón...
Ngược lại, Việt Nam cũng có nhu cầu nhập khẩu những mặt hàng là thế mạnh của Campuchia như hàng nông sản (cao su, hạt điều, sắn, ngô…) để phục vụ sản xuất, tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Đặc biệt, xuất khẩu của Việt Nam sang Campuchia gặp nhiều thuận lợi từ hệ thống khuôn khổ pháp lý ưu đãi về thương mại song phương như Hiệp định Thương mại biên giới, Bản Thoả thuận thúc đẩy thương mại song phương...
Hơn nữa, khoảng cách vận chuyển hàng hóa gần; nhu cầu, thị hiếu tiêu dùng của người dân Campuchia tương đối tương đồng với Việt Nam. Đây là những yếu tố hết sức thuận lợi để hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam được đón nhận tại thị trường Campuchia.
Hiện cả hai nước đều là thành viên của ASEAN và đều được hưởng lợi từ những cam kết trong khu vực. Theo cam kết và lộ trình giảm thuế Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN, hầu hết các mặt hàng xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Campuchia (trừ một số mặt hàng bảo lưu) đều được hưởng thuế từ 0-5%.
Cùng với các thỏa thuận song phương, những hiệp định, thỏa thuận trong khu vực ASEAN sẽ tiếp tục gắn kết hơn nền kinh tế của Việt Nam và Campuchia.
[Kim ngạch thương mại song phương Việt Nam-Campuchia]
Không chỉ mang lại cơ hội tiếp cận thị trường của nhau lớn hơn, những thỏa thuận, những hiệp định nêu trên sẽ tiếp tục tạo ra nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư của Việt Nam, Campuchia và nước thứ ba tận dụng các lợi thế của mỗi nước để mở rộng các hoạt động đầu tư kinh doanh phát triển sản phẩm. Đồng thời, phát triển các chuỗi giá trị khu vực để xuất khẩu sang các nước ASEAN, các thị trường khác trên thế giới.
Doanh nghiệp Việt Nam đã có sự hiện diện khá lâu và đông đảo tại Campuchia. Đây cũng là những điều kiện thuận lợi để ta có thể tranh thủ gắn bó, hợp tác đưa sản phẩm hàng hóa Việt Nam thâm nhập sâu, rộng tại thị trường Campuchia.
Việt Nam và Campuchia cũng còn nhiều tiềm năng để tiếp tục thúc đẩy hợp tác trong những lĩnh vực cụ thể như sản xuất hàng tiêu dùng, năng lượng, điện lực, khai thác khoáng sản, chế biến và nuôi trồng nông, lâm thủy sản...
Thống kê cho thấy tính đến nay Việt Nam có 198 dự án đầu tư còn hiệu lực ở Campuchia với tổng số vốn đăng ký là 2,92 tỷ USD.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia thương mại, xuất khẩu sang Campuchia cũng còn gặp nhiều khó khăn do cơ sở hạ tầng thương mại nói chung và cơ sở hạ tầng thương mại ở cửa khẩu biên giới nói chung, hệ thống giao thông, hệ thông tin liên lạc, dịch vụ thanh toán giao nhận, vận chuyển còn nhiều hạn chế.
Mặt khác, việc thực thi các Hiệp định, Thỏa thuận ưu đãi thuế quan và tạo thuận lợi thương mại giữa Việt Nam và Campuchia còn chưa được thực hiện thống nhất tại một số cửa khẩu biên giới của cả hai nước.
Phần lớn các doanh nghiệp chưa quan tâm nhiều tới việc thiết lập kênh phân phối tại thị trường bản địa mà chủ yếu là bán hàng cho các thương nhân của nước sở tại để họ tự phân phối tại thị trường. Điều này khiến cho việc phân phối hàng hóa không có sự chủ động và khó điều chỉnh trong những thời điểm gặp khó khăn.
Bổ trợ lẫn nhau
Tại buổi hội đàm bên lề Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 54, Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng Bộ Thương mại Campuchia Pan Sorasak thống nhất đẩy mạnh hợp tác về thương mại biên giới thông qua việc nâng cấp các cặp cửa khẩu, mở mới các chợ biên giới giữa hai nước.
Từ đó, hỗ trợ các địa phương ở khu vực biên giới hai nước phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo khu vực biên giới hòa bình, ổn định, phát triển, góp phần thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác thương mại song phương.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đánh giá cao mối quan hệ tốt đẹp, không ngừng phát triển theo phương châm "láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài" giữa Việt Nam và Campuchia.
Đặc biệt, kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước đã liên tục có tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian qua. Cơ cấu hàng hóa xuất nhập khẩu giữa hai nước tiếp tục thể hiện rõ nét tính bổ trợ lẫn nhau.
Campuchia là nguồn cung cấp một số mặt hàng vào quan trọng cho hoạt động sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam như nguyên phụ liệu ngành gỗ; một số loại nông sản thô như hạt điều, sắn; cao su nguyên liệu…
Trong khi đó, Việt Nam lại là nguồn cung cấp nhiều mặt hàng công nghiệp chế tạo, nhiên liệu, hàng tiêu dùng cho Campuchia như xăng dầu, sắt thép, phân bón, bánh kẹo và các sản phẩm từ ngũ cốc, hóa chất và một số mặt hàng tiêu dùng khác.
Để tiếp tục thúc đẩy thương mại song phương Việt Nam-Campuchia trong thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị Bộ trưởng Bộ Thương mại Campuchia phối hợp chỉ đạo hoàn thiện một số khuôn khổ pháp lý về thương mại song phương.
Cụ thể như sửa đổi hoặc gia hạn Bản thỏa thuận thúc đẩy thương mại song phương và ký kết Hiệp định Thương mại biên giới giữa hai nước trong năm 2022.
Việt Nam và Campuchia cũng còn nhiều tiềm năng để tiếp tục thúc đẩy hợp tác trong những lĩnh vực cụ thể như sản xuất hàng tiêu dùng, chế biến và nuôi trồng nông, lâm thủy sản... (Ảnh: Mạnh Tú/TTXVN)
Ngoài ra, Bộ Công Thương Việt Nam sẽ chủ trì Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam-Campuchia tại Phnom Penh và tổ chức đoàn doanh nghiệp tham dự hội chợ mỗi tỉnh một sản phẩm (OPOP) tại Phnom Penh vào tháng 12 tới.
Hơn nữa, việc Việt Nam áp dụng biện pháp chống lẩn tránh đối với đường nhập khẩu từ Campuchia, hai bên nhất trí sẽ chỉ đạo các đơn vị liên quan của hai bên phối hợp trao đổi cụ thể hơn để giải quyết vấn đề trên theo nguyên tắc tuân thủ quy định pháp luật trong nước và quốc tế về chống lẩn tránh, qua đó bảo đảm lợi ích hợp pháp của các hộ dân, doanh nghiệp sản xuất đường của Campuchia cũng như ngành đường Việt Nam.
Mặt khác, đẩy mạnh hợp tác về thương mại biên giới thông qua việc nâng cấp các cặp cửa khẩu, mở mới các chợ biên giới giữa hai nước, từ đó hỗ trợ các địa phương ở khu vực biên giới hai nước phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm khu vực biên giới hòa bình, ổn định, phát triển, góp phần thúc đẩy quan hệ hữu Việt Nam-Campuchia thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại.
Để đẩy mạnh xuất khẩu sang Campuchia trong thời gian tới, đại diện Vụ Thị trường châu Á-châu Phi (Bộ Công Thương) khuyến cáo doanh nghiệp cần chủ động nghiên cứu, tìm hiểu và tận dụng tối đa các ưu đãi cắt giảm thuế quan trong các Hiệp định/Thỏa thuận mà Việt Nam và Campuchia đã ký kết trong khuôn khổ đa phương và song phương.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần đa dạng hóa các mặt hàng xuất khẩu, nhập khẩu từ mỗi nước; nâng cao hàm lượng chế biến trong các sản phẩm xuất khẩu, nhập khẩu giữa hai nước; đầu tư thích đáng vào xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, hàng hóa tại thị trường mỗi nước; thiết lập kênh phân phối hàng hóa tại thị trường để đảm bảo sự chủ động và khả năng điều chỉnh trong những lúc thị trường gặp khó khăn./.
Uyên Hương (TTXVN/Vietnam+)