Theo đó, thương mại toàn cầu tháng 1/2022 đã tăng 2,4% so với tháng trước đó, vượt tổng giá trị so với thời điểm trước khi đại dịch COVID-19 xuất hiện.
Lượng hàng hóa trao đổi toàn cầu trong tháng 1/2022 đã cao hơn 7% so với thời kỳ đỉnh điểm hồi tháng 8/2018 - trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát.
“Bất chấp làn sóng Omicron, thương mại toàn cầu đang vận hành mạnh mẽ hơn lúc nào hết”, ông Vincent Stamer, nhà kinh tế học của Viện IfW cho biết.
Theo ông Vincent Stamer, tình trạng ùn tắc giao thông trên các tuyến vận tải đường biển tiếp tục cản trở việc cung cấp hàng hóa và nguyên liệu thô trên toàn thế giới. Một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tình trạng “thắt cổ chai” trong cung ứng hàng hóa là do nhiều cảng biển liên tục bị đóng cửa vì đại dịch bùng phát.
Theo IfW, hiện có khoảng 11% tổng lượng hàng hóa được vận chuyển bằng đường biển trên toàn thế giới đang bị mắc kẹt tại các cảng biển. Tại Biển Đỏ, tuyến đường thương mại quan trọng nhất nối châu Âu và châu Á, lượng hàng hoá di chuyển qua đây giảm khoảng 11% so với bình thường.
Trong bối cảnh đó, ông Vincent Stamer giải thích những tắc nghẽn nguồn cung đang diễn ra là “một biểu hiện của sự gia tăng cực kỳ nhanh chóng của nhu cầu mà nguồn cung không thể theo kịp”.
Chuyên gia kinh tế Vincent Stamer cho rằng, làn sóng Omicron đang là mối đe dọa lớn đối với lĩnh vực thương mại của Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Điều này cũng gây ra lo ngại rằng sự chậm trễ trong việc xếp dỡ các container ở Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến thương mại của châu Âu và thế giới.
Với 90% hàng hóa trên thế giới được vận chuyển bằng đường biển và chuỗi cung ứng vẫn còn căng thẳng, các chuyên gia dự đoán rằng chi phí vận chuyển hàng hóa sẽ tiếp tục tăng cao hơn, gây ra tác động xấu đến giá cả tiêu dùng trên toàn thế giới.
Cũng theo dữ liệu của IfW, ngành công nghiệp Đức tiếp tục phải vật lộn với tình trạng thiếu nguyên liệu sản xuất. Theo Văn phòng Thống kê Liên bang, tháng 1/2021, ngành công nghiệp Đức đã sản xuất nhiều hơn 3% so với cùng kỳ năm 2020 – năm đầu tiên đại dịch COVID-19 bắt đầu gây ảnh hưởng tới ngành thương mại và công nghiệp toàn cầu. Tuy nhiên, sản lượng này vẫn thấp hơn 5,5% so với cùng kỳ năm 2019 – thời điểm trước khi đại dịch COVID-19 xuất hiện.
Năm 2021, nền kinh tế Đức đã đạt tăng trưởng trở lại với 2,7%, sau khi sản lượng kinh tế suy giảm 4,6% trong năm 2020, chủ yếu do tình trạng phong tỏa trên cả nước, cũng như chuỗi cung ứng bị gián đoạn và việc đình trệ sản xuất vào năm 2020 sau khi đại dịch bùng phát.
Tháng trước, Chính phủ Đức đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của nước này trong năm 2022, xuống còn 3,6%, cho rằng sự gia tăng đột biến số ca mắc COVID-19 do biến thể Omicron xuất hiện là nguyên nhân kìm hãm sự phục hồi của quốc gia công nghiệp hàng đầu châu Âu này./.
H.Hà (Theo ifw-kiel.de, newsrnd.com)