Thương mại toàn cầu tăng nhanh, nhu cầu sản xuất và tiêu dùng phục hồi 

(Chinhphu.vn) - Sự phục hồi thương mại hàng hóa chủ yếu là nhờ các mặt hàng liên quan đến dịch bệnh, các hàng hóa tiêu dùng bền lâu và các trang thiết bị y tế. Thương mại dịch vụ được dự báo sẽ phục hồi với tốc độ chậm hơn do những hạn chế trong du lịch quốc tế.
Thương mại toàn cầu tăng nhanh, nhu cầu sản xuất và tiêu dùng phục hồi
Đại dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp trên toàn thế giới. Làn sóng lây nhiễm mới thứ ba do biến thể Delta càng ngày trở nên nghiêm trọng, số ca nhiễm mới từ mức 300.000 ca/ngày vào giữa tháng 6 tăng nhanh lên mức hơn 700.000 ca/ngày vào đầu tháng 8. Tâm điểm của dịch bệnh hiện nằm ở khu vực Đông Nam Á, Nga, Ấn Độ, Iran, cũng như tại các quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng vaccine thấp khác, đồng thời đang trong xu thế quay trở lại ngay cả ở những nước có tỷ lệ tiêm chủng cao như Mỹ, Anh, Trung Quốc.

Phục hồi nhiều lĩnh vực

Thương mại toàn cầu cũng tăng nhanh trong bối cảnh nhu cầu sản xuất và tiêu dùng phục hồi. Trong quý I/2021, giá trị thương mại hàng hóa và dịch vụ toàn cầu đã tăng khoảng 4% so với quý trước và tăng 10% so với cùng kỳ năm 2020. Đáng chú ý, giá trị này đã cao hơn mức trước khủng hoảng COVID-19, tương đương mức tăng khoảng 3% so với cùng kỳ năm 2019. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) (7/2021) đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng của thương mại toàn cầu lên 9,7% trong năm 2021 và 7% trong năm 2022. Theo đó, sự phục hồi thương mại hàng hóa chủ yếu là nhờ các mặt hàng liên quan đến dịch bệnh, các hàng hóa tiêu dùng bền lâu và các trang thiết bị y tế. Thương mại dịch vụ được dự báo sẽ phục hồi với tốc độ chậm hơn do những hạn chế trong du lịch quốc tế.

Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) toàn cầu chậm phục hồi, áp lực cạnh tranh trong thu hút FDI lớn, đặc biệt là đối với các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển. Tâm lý lạc quan về triển vọng đầu tư trên toàn cầu ngày càng tăng bất chấp những thách thức của bối cảnh đầu tư 'hậu đại dịch', cuộc khảo sát của các quan chức điều hành và cấp cao từ 100 cơ quan xúc tiến đầu tư (IPA) của hơn 70 quốc gia cho thấy: 53% người được hỏi kỳ vọng dòng vốn FDI vào lãnh thổ của họ sẽ tăng vào năm 2021; chỉ có 18% dự đoán FDI trong nước sẽ giảm và 4% dự báo sẽ giảm đáng kể - cải thiện hơn so với cuộc khảo sát tương tự vào tháng 4/2020. Tuy nhiên, sự phục hồi chưa thực sự chắc chắn. Theo báo cáo, chỉ 49% các IPA tham gia dự đoán dòng vốn FDI toàn cầu sẽ tăng vào năm 2021 - điều đó chứng tỏ rằng, mặc dù niềm tin trong nước ngày càng tăng song vẫn tồn tại những thách thức trong thu hút FDI trong bối cảnh hiện nay.

Tình hình giá cả thế giới đang có chiều hướng tích cực. Giá dầu thế giới đã chững lại trong tháng 8 năm 2021, nguyên nhân do các thị trường tiêu thụ dầu thô lớn nhất thế giới trong đó có Trung Quốc tiếp tục thực hiện các đợt phong tỏa mới, có ít nhất 144 khu vực bị ảnh hưởng bởi dịch ở Trung Quốc tiếp tục bị phong tỏa do sự lây lan quá nhanh của COVID-19.

Theo dự báo của cơ quan thông tin năng lượng của Mỹ (EIA) công bố vào ngày 5/8/2021, sản lượng dầu thô của OPEC sẽ đạt trung bình 26,5 triệu thùng/ngày vào năm 2021, tăng hơn so với mức 25,6 triệu thùng/ngày của năm 2020 và sản lượng dầu thô tăng lên mức trung bình 28,7 triệu thùng/ngày trong năm 2022. EIA dự báo sản lượng dầu thô của Mỹ là 11,2 triệu thùng/ngày vào tháng 5/2021 và sẽ tương đối ổn định cho đến tháng 10 trước khi bắt đầu tăng vào tháng 11 và tháng 12/2021. Dự báo sản lượng dầu thô của Mỹ cho năm 2022 đạt trung bình 11,8 triệu thùng/ngày cao hơn so với mức 11,1 triệu thùng/ngày năm 2021. Tính theo mức dự báo giá trung bình của năm, giá dầu ngọt nhẹ WTI được dự báo sẽ ở mức 65,93 USD/thùng năm 2021 và giảm xuống mức 62,37 USD/thùng vào năm 2022. Trong khi đó giá dầu Brent được dự báo sẽ ở mức 86,71 USD/thùng trong năm 2021 và giảm xuống mức 66,04 USD/thùng vào năm 2022.

Giá thép và các nguyên liệu sản xuất thép trong tháng 8 năm 2021 trên thế giới duy trì ổn định so với tháng 7 do sức mua của Trung Quốc đang dần ổn định trở lại khi các dự án nằm trong kế hoạch kích thích kinh tế của Bắc Kinh hoàn thiện và số lượng dự án mới giảm dần.

Giá lương thực cơ bản của thế giới trong tháng 7 năm 2021 đã tiếp tục giảm theo báo cáo mới nhất của Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc (FAO). Cụ thể, Chỉ số giá lương thực FAO (FFPI) đạt trung bình 123 điểm vào tháng 7/2021, giảm 1,6 điểm (1,3%) so với tháng 6, nhưng vẫn cao hơn 30 điểm so với cùng kỳ năm ngoái.

Giá cước vận tải biển vẫn cao do cảng biển thế giới đang đối mặt với cuộc khủng hoảng lớn nhất trong 65 năm do sự cố kênh đào Suez, lũ lụt tại Trung Quốc và đại dịch COVID-19. Những sự cố gây tắc nghẽn sự lưu thông hàng hóa khiến cho nguồn hàng khan hiếm trong ngắn hạn và cước vận chuyển gia tăng với biên độ lớn (do tình hình dịch bệnh, thiên tai, phương án cách ly xã hội của chính phủ) đã đẩy giá cả hàng hóa lên cao trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Các tập đoàn vận tải biển, nhiều tập đoàn vận tải lớn của châu Âu và Mỹ cũng đang gặp nhiều vấn đề trong việc giao hàng đúng hạn.

Một số nền kinh tế lớn phục hồi

Kinh tế Mỹ tiếp tục tăng trưởng nhưng áp lực nợ công và tỷ lệ lạm phát tiếp tục tăng cao. Chỉ số sản xuất công nghiệp trong tháng 7 của Mỹ tăng 6,6% so cùng kỳ năm trước, tốc độ tăng trưởng có dấu hiệu chậm dần. Chỉ số PMI của Mỹ tiếp tục đạt mức kỷ lục mới, đạt 63,4 điểm trong tháng 7, mức kỷ lục trong vòng 20 năm trở lại đây. Tăng trưởng bán lẻ hàng hóa đạt 15,8% trong tháng 7 so với cùng kỳ năm trước cho thấy hoạt động tiêu dùng diễn biến tích cực. Tuy nhiên, số việc làm mới được tạo ra trong tháng 7 chỉ đạt 330.000 việc làm, tiếp tục đà giảm của tháng trước và thấp hơn nhiều so với mức dự báo là 695.000 việc làm. Bên cạnh các dấu hiệu lạc quan của nền kinh tế, Chính phủ Mỹ đang phải cân nhắc về khoản nợ công lớn cũng như tỷ lệ lạm phát tiếp tục đạt các mốc kỷ lục mới trong bối cảnh Chính phủ nước này tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa các chương trình kích thích tài khóa. Ngày 29/7/2021, Bộ Thương mại Mỹ thông báo kinh tế nước này trong quý II tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2020.

Kinh tế Trung Quốc về cơ bản tiếp tục xu thế hồi phục hậu đại dịch, tăng trưởng 12,7% trong nửa đầu năm 2021 giúp bảo đảm mục tiêu tăng trưởng cả năm trên 6%, song đối mặt với nhiều thách thức. Chỉ số PMI vẫn nằm trên mức 50 (mức cho thấy hoạt động sản xuất và dịch vụ vẫn đang tiếp tục mở rộng) nhưng ở mức độ thấp hơn đáng kể so với nửa cuối năm 2020, cho đến tháng 7/2021 PMI sản xuất đã về 50,3 điểm, mức thấp nhất kể từ tháng 5/2020. Chính phủ Trung Quốc tích cực thực thi các chính sách tiền tệ và tài khóa hỗ trợ khu vực doanh nghiệp, đồng thời đẩy mạnh quản lý kinh tế, đặc biệt đối với các nhóm ngành bất động sản, kỹ thuật số và nội dung trực tuyến. Nhu cầu thế giới và trong nước tăng là động lực quan trọng cho tăng trưởng, trong khi đó, sức ép giá cả hàng hóa (đặc biệt là nguyên vật liệu và sản phẩm trung gian), gián đoạn hoạt động của một số vùng kinh tế quan trọng do bùng phát dịch hoặc thiên tai, niềm tin tiêu dùng hồi phục chậm… là những yếu tố ảnh hưởng lớn tới đà hồi phục của kinh tế Trung Quốc.

Kinh tế Nhật Bản tăng trưởng trở lại trong quý II/2021. Tổng sản phẩm quốc nội của Nhật Bản tăng 1,3% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 0,3% so với quý trước đó. Sự phục hồi mạnh mẽ của hoạt động sản xuất, hoạt động xuất nhập khẩu và nhu cầu tiêu dùng cá nhân tăng trưởng trở lại là những yếu tố giúp nền kinh tế nước này phục hồi sau khi tăng trưởng âm trong quý I. Mặc dù kinh tế Nhật Bản tăng trưởng trở lại, tuy nhiên sự tăng trưởng này được dự báo sẽ vẫn ở mức khiêm tốn do các biện pháp hạn chế được tái áp dụng tại một số thành phố lớn. Ngân hàng Trung ương Nhật Bản đã hạ dự báo tăng trưởng GDP của Nhật Bản trong năm tài khóa 2021 (kết thúc vào tháng 3/2022) xuống còn 3,8%, giảm 0,2% so với dự báo được đưa ra hồi tháng 4.

Khu vực EU ghi nhận nhiều dấu hiệu phục hồi tích cực nhờ nỗ lực triển khai nhanh chóng chương trình tiêm vaccine và sự hỗ trợ liên tục của các chính phủ. Trong quý II/2021, kinh tế Khu vực đồng euro đã tăng trưởng 2,0%, vượt qua kỳ vọng của thị trường về mức tăng trưởng 1,5%. Tốc độ tăng trưởng của Liên minh châu Âu cũng tăng từ âm 0,1% trong quý I lên 1,9% trong quý II/2021. Trong số các nền kinh tế lớn nhất khối, Đức, Pháp và Tây Ban Nha đã trở lại tăng trưởng dương. Tuy nhiên, trong những tháng cuối năm, sự xuất hiện của biến chủng Delta vẫn là một yếu tố tiềm ẩn, đe dọa triển vọng phục hồi kinh tế của khu vực này.

Tại các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển, dự báo tăng trưởng 6%, các nền kinh tế phát triển tăng trưởng 5,4% trong năm nay (WB, 6/2021).

Các quốc gia Đông Nam Á rơi vào khó khăn khi biến chủng Delta tăng nhanh và triển khai chiến dịch tiêm chủng còn chậm. IMF ngày 27/7 đã hạ dự báo tăng trưởng của các quốc gia Đông Nam Á xuống mức trung bình là 1,8%.

An Bình

113 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1439
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1439
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87168363