Ngày 3/12, Hội nghị Thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã chính thức diễn ra tại London, Vương quốc Anh. Cuộc họp của lãnh đạo các quốc gia thành viên Liên minh Bắc Đại Tây Dương diễn ra đúng dịp kỷ niệm 70 năm thành lập khối quân sự này.
Kỷ niệm 70 năm thành lập nhưng có thể thấy, NATO lại đang chật vật tìm kiếm tiếng nói chung trong nhiều vấn đề. Hội nghị diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa các nước thành viên NATO, khi Tổng thống Mỹ Donald Trump liên tục phàn nàn rằng các nước thành viên không đóng góp đủ ngân sách cho quốc phòng. Hiện nay, mới chỉ có 8 trong tổng số 29 nước thành viên NATO đáp ứng yêu cầu dành 2% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cho ngân sách quốc phòng.
Ngày 4/12, Hội nghị Thượng đỉnh NATO cũng đã kết thúc và ra tuyên bố chung với một số nội dung mới nhưng hội nghị Thượng đỉnh kỷ niệm 70 năm thành lập NATO đã không che giấu được các bất đồng công khai giữa nhiều nước thành viên.
Một dẫn chứng là trong ngày họp cuối cùng, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã huỷ bỏ cuộc họp báo và lên tiếng chỉ trích Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã chế nhạo ông. Cùng với đó, ngay từ ngày đầu tiên của cuộc họp, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã đe dọa một phủ quyết kế hoạch phòng thủ của NATO xung quanh vấn đề coi các chiến binh người Kurd là khủng bố. Trong khi đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ thông đồng với IS và ông cũng mô tả NATO đã “chết não”. Tổng thống Donald Trump đã phản ứng lại lời nhận xét này và tiếp tục kêu gọi các nước tăng chi tiêu quốc phòng.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nhấn mạnh, hơn lúc nào hết trong lịch sử 70 năm của NATO, không phải một mối đe dọa bên ngoài, mà mâu thuẫn bên trong lại được coi là thách thức lớn nhất với NATO. Tuy nhiên, ông Stoltenberg khẳng định NATO là "liên minh thành công nhất trong lịch sử" và liên minh này đủ "nhanh nhạy, mạnh mẽ và thích ứng" để đối phó với những thách thức từ cả trong lẫn ngoài.
Quan hệ giữa Mỹ và Triều Tiên ngày càng căng thẳng
|
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un chủ trì Hội nghị toàn thể lần thứ 4 Ban chấp hành Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên khóa VII, ngày 10/4/2019. (Ảnh: KCNA/AP) |
Trong các bức ảnh được hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) công bố hôm 4/12, lãnh đạo Kim Jong-un mặc áo măng tô màu be, cưỡi ngựa trắng dẫn đầu đoàn tùy tùng lên núi thiêng Paektu. Đây được cho là tín hiệu báo trước quyết định của Triều Tiên về chương trình hạt nhân. Ông Kim Jong-un thường tới thăm núi Paektu trước khi đưa ra các quyết định quan trọng và đây cũng là nơi Hội nghị toàn thể lần thứ 5 Ban chấp hành Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên (WPK) khóa VII sẽ được tổ chức vào cuối tháng này để thảo luận và quyết định về “những vấn đề trọng đại”.
Sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai không đạt được kết quả mong đợi, ông Kim Jong-un cảnh báo Mỹ phải thay đổi cách tiếp cận trong đàm phán của mình trước ngày 31/12, nếu không "triển vọng giải quyết vấn đề sẽ trở nên ảm đạm và rất nguy hiểm".
Ngày 3/12, Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Ri Thae-song đã ra tuyên bố kêu gọi Mỹ thực hiện nghĩa vụ của nước này nhằm cứu vãn tiến trình đàm phán hạt nhân. Kể từ sau sự đổ vỡ của Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên vào tháng 2/2019, Triều Tiên đã nhiều lần cảnh báo về việc sẽ “tìm kiếm một con đường mới” nếu như Mỹ không thể đưa ra một đề xuất phù hợp vào thời hạn cuối năm nay.
“Triều Tiên đã nỗ lực hết mình, với một sự kiên nhẫn cao độ để không rút lại các bước đi quan trọng vốn đã từng được thực hiện theo ý tưởng riêng của Triều Tiên…Những gì còn lại vào thời điểm hiện tại là sự lựa chọn từ phía Mỹ, và hoàn toàn phụ thuộc vào việc Mỹ chọn món quà Giáng sinh nào” – ông Ri Thae-song cảnh báo. Quan chức ngoại giao Triều Tiên cho rằng, cuộc đối thoại mà Mỹ nói tới chỉ là một “mánh khóe” nhằm giữ Triều Tiên hướng tới đối thoại và tạo lợi thế cho cuộc bầu cử tại Mỹ.
Triều Tiên gần đây liên tục thử tên lửa tầm ngắn và pháo phản lực siêu lớn, dường như nhằm gây áp lực và nhắc nhở Mỹ về sức mạnh quân sự của họ cũng như hạn chót đã đặt ra.
Về phía Mỹ, ngày 3/12, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã để ngỏ khả năng sử dụng vũ lực chống lại Triều Tiên trong trường hợp cần thiết, chỉ vài giờ sau khi Bình Nhưỡng nhắc lại lời cảnh báo rằng thời hạn chót vào cuối năm nay cho các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa giữa hai nước đang dần cạn kiệt.
Tuy nhiên, cũng trong lời phát biểu cùng ngày, Tổng thống Donald Trump tuyên bố ông đang duy trì mối quan hệ cá nhân gần gũi với Chủ tịch Kim Jong-un, đồng thời bày tỏ hy vọng rằng nhà lãnh đạo Triều Tiên sẽ tuân thủ cam kết đã đưa ra về việc từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân.
Thông điệp trên được Tổng thống Donald Trump phát đi vào thời điểm tiến trình đàm phán hạt nhân giữa Mỹ và Triều Tiên đang bị đình trệ do bất đồng liên quan tới các bước phi hạt nhân hóa của Triều Tiên và sự nhượng bộ từ phía Mỹ. Đây cũng không phải lần đầu tiên người đứng đầu Nhà Trắng đề cập tới phương án sử dụng vũ lực chống lại Triều Tiên. Trước đó, vào năm 2017, ông Donald Trump đã từng cảnh báo sẽ “phá hủy hoàn toàn” Triều Tiên khi mối quan hệ giữa hai nước leo thang đến đỉnh điểm sau khi Triều Tiên thực hiện các vụ thử vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo liên lục địa.
Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung có thể kéo dài hơn dự kiến
|
Thương chiến Mỹ-Trung có thể kéo dài hơn dự kiến. (Ảnh minh họa: Bloomberg) |
Ngày 3/12, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố ông không đề ra thời hạn chót để kết thúc các vòng đàm phán thương mại với Trung Quốc, trong một tín hiệu ngầm phát đi dự báo rằng việc hóa giải căng thẳng và xung đột thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới có thể sẽ kéo dài hơn dự kiến.
Tổng thống Donald Trump cho rằng, việc ký kết thỏa thuận thương mại với Trung Quốc có thể sẽ không được thực hiện cho tới năm 2020 hoặc thậm chí là lâu hơn thế nữa. Người đứng đầu Nhà Trắng cho biết, ông không ấn định thời hạn chót và “thích ý tưởng chờ đợi cho tới sau thời điểm diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào năm tới”.
Trong một tuyên bố đưa ra vào cuối tháng trước, ông Donald Trump khẳng định hai nền kinh tế hàng đầu thế giới đang ở bước cuối để tiến tới bản thỏa thuận thương mại “giai đoạn 1”. Tuy nhiên, hai bên hiện vẫn còn nhiều bất đồng xung quanh việc Trung Quốc đề nghị Mỹ gỡ bỏ một số biện pháp gây sức ép về thuế.
Về phía Mỹ đã cảnh báo sẽ áp thuế bổ sung lên điện thoại thông minh và một số hàng tiêu dùng nhập khẩu từ Trung Quốc nếu hai bên không đạt được thỏa thuận nào vào thời hạn ngày 15/12 tới. Giới phân tích cho rằng, các biện pháp đánh thuế mới này, nếu được thực hiện, chắc chắn sẽ tạo ra những thách thức mới đối với cả hai nền kinh tế, song lại khiến triển vọng tìm được sự đồng thuận càng trở nên mờ nhạt.
Ủy ban tình báo Hạ viện Mỹ thông qua kết quả luận tội Tổng thống Donald Trump
|
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi. (Ảnh: EPA) |
Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ ngày 3/12 công bố báo cáo điều tra luận tội Tổng thống Donald Trump, cho biết có bằng chứng rõ ràng cho thấy nhà lãnh đạo Mỹ có hành vi sai trái và cản trở Quốc hội.
Báo cáo dài 300 trang thông qua với 13 phiếu thuận, 9 phiếu chống, cho rằng bằng chứng về hành vi sai trái và cản trở quốc hội của Tổng thống Donald Trump là "rất mạnh mẽ", cáo buộc hành động của ông với Ukraine đã làm tổn hại an ninh quốc gia.
Báo cáo này, nếu được thông qua, sẽ là cơ sở cho bất kỳ nỗ lực nào luận tội người đứng đầu Nhà trắng. Cũng theo báo cáo, Tổng thống Donald Trump đã tìm cách cản trở cuộc điều tra của Hạ viện Mỹ, từ chối cung cấp bằng chứng, ngăn chặn các nhân chứng xuất hiện. Phe Dân chủ hiện đặt mục tiêu đưa ra bỏ phiếu trong phiên họp toàn thể của Hạ viện về các điều khoản luận tội Tổng thống Donald Trump trước khi cơ quan này bước vào kỳ nghỉ lễ Giáng sinh 25/12 tới.
Ngày 5/12/2019, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi thông báo Hạ viện Mỹ sẽ thúc đẩy các thủ tục tiếp theo để tiến hành luận tội Tổng thống Donald Trump vì kết quả của cuộc điều tra khiến họ không còn lựa chọn nào khác. Bà Pelosi cũng thông báo đã yêu cầu Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Hạ viện Mỹ Jerry Nadler soạn thảo các điều khoản buộc Tổng thống Trump phải rời nhiệm sở.
Trong phản ứng của mình, Nhà trắng vẫn tiếp tục phủ nhận báo cáo của Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ, đồng thời khẳng định, Tổng thống Donald Trump không làm gì sai trái.
Bãi công rộng khắp trên toàn nước Pháp
|
Hình ảnh bãi công tại Paris ngày 5/12 . (Ảnh: Reuters) |
Hàng trăm nghìn người Pháp đã tham gia vào cuộc bãi công với quy mô toàn quốc nhằm phản đối kế hoạch cải cách hệ thống lương hưu của chính phủ - một trong những chính sách cải cách tham vọng nhất của Tổng thống Emmanuel Macron kể từ khi lên nắm quyền.
Bộ Nội vụ Pháp ước tính có khoảng 806.000 người dân đã tham gia bãi công vào ngày 5/12, trong khi Tổng Liên đoàn Lao động Pháp (CGT) cho rằng có tới 1,5 triệu người đã đổ xuống các tuyến phố trên khắp cả nước để phản đối kế hoạch cải cách của chính phủ. Các cuộc tuần hành quy mô lớn đã khiến hoạt động giao thông tại nhiều khu vực tê liệt, thậm chí nhiều trường học phải đóng cửa, hệ thống đường sắt cao tốc và nhiều chuyến bay bị hoãn hủy hoặc gián đoạn.
Hãng tin Reuters cho biết cảnh sát đã xịt hơi cay vào người biểu tình ở trung tâm thủ đô Paris ngày 5/12 (giờ địa phương). Đụng độ diễn sau khi một số người mặc đồ đen, đeo mặt nạ tiếp tục bắt đầu đập phá trên đường phố và ném pháo hoa vào cảnh sát. Các công tố viên cho biết 57 người bị bắt giữ.
Các nghiệp đoàn tại Pháp tuyên bố cuộc đình công phản đối cải cách chế độ hưu trí sẽ còn kéo dài tới ngày 9/12. Với Tổng thống Macron, kế hoạch cải cách hệ thống lương hưu này có vai trò quan trọng, định hình cho nửa nhiệm kỳ còn lại của ông với những biện pháp cải cách khó khăn hơn, trong đó có việc điều chỉnh trợ cấp lương hưu. Tuy nhiên, các nghiệp đoàn lập luận rằng chế độ lương hưu chung sẽ đòi hỏi hàng triệu người lao động trong cả lĩnh vực công và tư nhân phải làm việc lâu hơn hoặc đối mặt với việc bị giảm lương hưu. Nhiều công nhân viên lại cho rằng cải cách trên tước đi các quyền lợi đặc biệt dành cho họ lâu nay.
TTK Liên hợp quốc: Khủng hoảng khí hậu tiến gần tới điểm không thể cứu vãn
|
Tổng thư ký LHQ tại một cuộc họp báo ở Madrid vào ngày 1/12/2019 trước khi khai mạc COP25. (Ảnh: UN) |
Tổng thư ký António Guterres nêu rõ: "Chúng ta hiện đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng khí hậu toàn cầu", đồng thời nhấn mạnh cuộc khủng hoảng này đang tiến gần tới "điểm không thể cứu vãn".
Một ngày trước khai mạc Hội nghị lần thứ 25 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 25) tại thủ đô Madrid, Tây Ban Nha, Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres đã lên tiếng cảnh báo các mục tiêu của Thỏa thuận khí hậu Paris đã không được tôn trọng và không đủ.
Phát biểu tại cuộc họp báo ở Madrid ngày 1/12, Tổng thư ký António Guterres nêu rõ: "Chúng ta hiện đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng khí hậu toàn cầu", đồng thời nhấn mạnh cuộc khủng hoảng này đang tiến gần tới "điểm không thể cứu vãn". "Cuộc chiến chống lại tự nhiên của chúng ta phải dừng lại. Và chúng tôi biết điều đó là có thể" – ông Guterres nói thêm, và lưu ý rằng cộng đồng khoa học đã cung cấp cho thế giới bản đồ đường đi để đạt được điều này.
Theo Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC), nhân loại phải hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu không vượt quá 1,5 độ C, đạt mức trung lập carbon vào năm 2050 và giảm lượng khí nhà kính phát thải bằng 45% so với mức của năm 2010 vào năm 2030.
Tuy nhiên, theo người đứng đầu Liên hợp quốc, cho đến nay, những nỗ lực của chúng ta để đạt được những mục tiêu này là hoàn toàn không thỏa đáng. "Các cam kết được thực hiện tại Paris (thỏa thuận khí hậu đạt được năm 2015) sẽ luôn dẫn đến sự gia tăng nhiệt độ trên 3 độ C. Nhưng nhiều quốc gia thậm chí còn không tôn trọng các cam kết này" – ông nêu rõ.
Theo người đứng đầu Liên hợp quốc, những quốc gia phát thải khí nhà kính lớn nhất thế giới đang nỗ lực không đủ. "Và nếu không có họ, mục tiêu của chúng ta không thể truy cập được" – ông cảnh báo. Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố Mỹ rút khỏi Thỏa thuận Paris về khí hậu, trong khi các nước có lượng khí phát thải lớn như Trung Quốc, Ấn Độ, Nga và Brazil "mập mờ" về việc thực hiện các cam kết về khí hậu trong ngắn hạn./.