Trả lời TTXVN, chuyên gia bình luận quốc tế Grigory Trofilmchuk, Chủ tịch Hội đồng chuyên gia Quỹ nghiên cứu Á – Âu đánh giá cao cách tiếp cận yêu chuộng hòa bình và vai trò tích cực của Việt Nam trong việc tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai tại Hà Nội.
Ông Trofilmchuk nhấn mạnh: “Về cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ 2 tại Hà Nội, ta có thể thấy vai trò tích cực của Việt Nam trong việc tổ chức cuộc gặp này, với tư cách là bên trung gian.
Tôi còn nhớ cuộc gặp thượng đỉnh Nga – Mỹ lần hai cũng được tổ chức tại Đà Nẵng, Việt Nam, trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 25.
Chúng tôi hoan nghênh cách tiếp cận đa phương và yêu chuộng hòa bình của Việt Nam. Chúng tôi trông đợi những kết quả cụ thể của cuộc gặp này”.
Vị chuyên gia này cho rằng Triều Tiên là đối tác lâu năm của Nga và Moscow cũng có trách nhiệm to lớn đối với vấn đề an ninh và ổn định ở khu vực châu Á. Quan điểm của Nga đối với vấn đề hạt nhân Triều Tiên không thay đổi trong nhiều năm nay – đó là ủng hộ các cơ chế đàm phán góp phần ổn định tình hình.
Chuyên gia Trofilmchuk cho hay Nga mong muốn phát triển quan hệ kinh tế - chính trị với các đối tác châu Á, trong đó có Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), một tổ chức khu vực mà Việt Nam là một thành viên tích cực, một đầu tàu.
Chia sẻ ý kiến trên, Giám đốc Chương trình Câu lạc bộ “Valdai”, Ivan Timofeev khẳng định Việt Nam đóng vai trò trung gian rất quan trọng với tư cách nước chủ nhà tổ chức cuộc đàm phán quan trọng bậc nhất đối với an ninh khu vực.
Theo ông, chương trình tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên là một trong những vấn đề then chốt đối với an ninh khu vực. Tuy nhiên, chính việc tiến hành đối thoại, ngăn chặn leo thang căng thẳng, Triều Tiên không tiến hành các vụ thử tên lửa hạt nhân mới, đặc biệt hiện chưa xuất hiện mối đe dọa trực tiếp tên lửa của Triều Tiên đối với Hàn Quốc và Mỹ, đã phát đi những tín hiệu rất tích cực.
Trong bối cảnh đó, việc Việt Nam đứng ra gánh vác trách nhiệm trung gian, đảm nhận vai trò chính trị, ngoại giao rất quan trọng, đã thể hiện được vai trò và vị thế quan trọng của Việt Nam trong khu vực và thế giới.
Dự báo kết quả hội nghị này, chuyên gia Timofeev nhận định nếu mối quan hệ giữa Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un có sự phát triển năng động nhất định, thì cũng chưa nên kỳ vọng về một bước đột phá thực sự nào tại hội nghị thượng đỉnh lần hai vào ngày 27-28/2 tại Hà Nội. Nguyên nhân là do nhiều biện pháp trừng phạt Triều Tiên rất nghiêm trọng và sẽ không dễ gì giải quyết được trong vài cuộc đàm phán. Hơn nữa, lập trường của Washington và Bình Nhưỡng về giải giáp vũ khí hạt nhân còn khác biệt.
Trước đó, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cũng nhận định Việt Nam được lựa chọn để tổ chức hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều này vì Việt Nam hiện đang tiến hành chính sách đối ngoại rất có trách nhiệm, là đất nước cởi mở cho hợp tác với tất cả các bên, Việt Nam chung thủy với bạn bè và không muốn đối đầu với bất cứ nước nào. Nhà ngoại giao Nga nêu rõ bầu không khí thân thiện tại Việt Nam cũng rất thuận lợi cho các cuộc đàm phán chính trị./.