Sử dụng thuốc lá gây ra 25 loại bệnh khác nhau (Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Khánh Linh)

Hiện nay, sử dụng các sản phẩm thuốc lá là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tật, tử vong và nghèo đói trên thế giới.

Theo đánh giá của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), sử dụng thuốc lá là một trong những mối đe dọa nghiêm trọng đối với sức khỏe cộng đồng. Thuốc lá khiến cho hơn 7 triệu người tử vong mỗi năm. Hơn 6 triệu người trong số đó là những người hút thuốc hay đã từng hút thuốc. Cứ khoảng 6 giây lại có 1 người chết do tai họa này, và trong số 10 người trưởng thành thì có 1 người tử vong do thuốc lá. Một nửa số người hiện hút thuốc lá sẽ chết vì một căn bệnh liên quan đến thuốc lá. Thuốc lá còn gây thiệt hại ước tính 1.400 tỷ USD cho các quốc gia trong chi phí y tế và mất năng suất, tương đương 1,8% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của thế giới.

Thêm vào đó, hút thuốc lá cũng là một mối đe dọa nghiêm trọng khi nó gây ra khoảng 890.000 ca tử vong sớm mỗi năm. Khói thuốc lá chứa hơn 4.000 hóa chất, trong đó có ít nhất 250 chất được biết đến là có hại và hơn 50 chất gây ung thư. Sử dụng thuốc lá gây ra 25 loại bệnh khác nhau như: ung thư phổi, ung thư thanh quản, ung thư khoang miệng, ung thư da, các bệnh tim mạch, và tăng nguy cơ vô sinh cho cả hai giới… Các nghiên cứu cũng cho thấy hơn 90% các ca ung thư phổi, 75% các ca bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính do sử dụng thuốc lá gây ra. Ở người lớn, khói thuốc lá gây ra các bệnh tim mạch và hô hấp nghiêm trọng, trong đó có bệnh tim mạch vành và ung thư phổi. Nó cũng là một nguyên nhân gây ra tử vong đột ngột ở trẻ sơ sinh và nhẹ cân khi sinh. Gần một nửa số trẻ em thường xuyên phải hít thở ở những nơi công cộng, không khí bị ô nhiễm bởi khói thuốc lá. Hơn 40% trẻ em có cha hoặc mẹ hút thuốc.

Ngoài ra, tại một số quốc gia, trẻ em của các hộ gia đình nghèo thường làm những công việc liên quan tới trồng cây thuốc lá để tạo thu nhập cho gia đình. Những trẻ em này đặc biệt dễ bị ảnh hưởng bởi "căn bệnh thuốc lá xanh" do sự hấp thụ nicotine qua da trong khi xử lý lá thuốc lá còn tươi.

Không những thế, báo cáo của WHO về tác động của thuốc lá đối với môi trường cũng cho thấy rác thải của thuốc lá chứa hơn 7.000 hóa chất độc hại đầu độc môi trường, trong đó có nhiều chất gây ung thư cho con người, chất độc và các khí nhà kính phá hoại môi trường. Bên cạnh đó, về số lượng, rác thải của thuốc lá cũng là loại chất thải phổ biến nhất trên thế giới khi lên đến 10 – 15 tỷ điếu thuốc lá bán ra mỗi ngày được ném ra môi trường và tàn thuốc chiếm từ 30 – 40% các vật thể được thu nhặt khi làm sạch bờ biển hoặc thành phố.

Thuốc lá là mối đe dọa đối với phụ nữ, trẻ em và cả các sinh kế. Thuốc lá cũng là mối đe dọa đối với tất cả các nhóm dân cư, cũng như cho sự phát triển quốc gia và khu vực.

WHO ước tính gần 80% số người hút thuốc trên thế giới sống ở các nước có thu nhập thấp và trung bình, nơi gánh nặng bệnh tật và tử vong liên quan thuốc lá nặng nề nhất. Những người hút thuốc lá tử vong sớm sẽ khiến cho gia đình của họ mất đi nguồn thu nhập, làm tăng chi phí y tế và cản trở sự phát triển kinh tế.

Nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra rằng trong các hộ gia đình nghèo nhất, chi phí về sản phẩm thuốc lá thường chiếm hơn 10% tổng chi tiêu, làm hạn chế ngân sách phân bổ cho thực phẩm, giáo dục và chăm sóc sức khỏe y tế. Việc trồng thuốc lá còn ngăn chặn trẻ em không được đến trường khi thống kê cho thấy từ 10 – 14% trẻ em trong các gia đình trồng cây thuốc lá không đi học vì phải làm việc trong các lĩnh vực thuốc lá. Và từ 60 – 70% số công nhân tham gia vào trồng thuốc lá là phụ nữ, và nhóm đối tượng dễ bị tổn thương này buộc phải tiếp xúc gần gũi với các hóa chất độc hại.

Sự nghèo đói, bệnh tật do sử dụng thuốc lá gây ra không chỉ là vấn đề của riêng một quốc gia nào mà đang trở thành nạn dịch trên toàn cầu. Trước thực tế ngày càng trở nên đáng lo ngại, WHO và các bên đối tác đã chọn ngày 31/5 hàng năm để kỷ niệm Ngày thế giới không thuốc lá nhằm cảnh báo cho công chúng về các mối nguy hiểm đối với sức khỏe có liên quan tới việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá và thuyết phục công chúng nhằm giảm thiểu một cách hiệu quả việc tiêu thụ thuốc lá.

Mục tiêu cuối cùng của Ngày thế giới không thuốc lá là góp phần bảo vệ các thế hệ hiện tại và tương lai khỏi những hậu quả nghiêm trọng, không chỉ đối với sức khỏe mà còn đối với xã hội, môi trường và kinh tế do việc sử dụng thuốc lá và phơi nhiễm với khói thuốc lá thụ động gây ra.

Theo Tổng Giám đốc WHO Margaret Chan, “thuốc lá là một mối đe dọa đối với tất cả chúng ta" khi nó “làm gia tăng nghèo đói, làm hạn chế năng suất kinh tế, khiến các hộ gia đình lựa chọn thực phẩm kém chất lượng và gây ô nhiễm không khí trong nhà". Tuy nhiên, nhà lãnh đạo của Tổ chức Y tế Thế giới cũng đặc biệt nhấn mạnh “nếu có những biện pháp quyết liệt để kiểm soát thuốc lá thì các chính phủ có thể bảo vệ tương lai của đất nước mình bằng cách bảo vệ người hút thuốc lá và không hút thuốc lá trước những sản phẩm chết người này, tạo ra doanh thu để đầu tư cho các dịch vụ y tế và xã hội khác, đồng thời giữ gìn môi trường trước sự tàn phá của thuốc lá".

Các quốc gia trên thế giới đã cam kết thực hiện Chương trình Phát triển bền vững vào năm 2030 nhằm tăng cường hòa bình trên khắp thế giới và xóa đói giảm nghèo. Các yếu tố chính của Chương trình này có bao gồm việc thực hiện Công ước khung của WHO về kiểm soát thuốc lá và vào năm 2030, giảm một 1/3 trường hợp tử vong sớm do các bệnh không lây nhiễm, trong đó có bệnh tim, bệnh đường hô hấp, ung thư và tiểu đường, mà sử dụng thuốc lá là một yếu tố nguy cơ lớn.

Việt Nam nằm trong số 15 nước có số người hút thuốc lá cao hàng đầu thế giới với khoảng 15,3 triệu người. Tỷ lệ người hút thuốc lá thụ động tại nhà là 67,6% (33 triệu người) và tại nơi làm việc là 49,0% (5 triệu người). Theo tổ chức y tế thế giới, hàng năm Việt Nam có khoảng 40.000 người tử vong vì các bệnh có liên quan đến thuốc lá, dự báo đến năm 2030 con số này có thể tăng lên tới 70.000 người/năm.

Năm 2012, người dân Việt Nam đã chi cho việc mua thuốc lá là 22 nghìn tỷ đồng. Chi tiêu cho thuốc lá làm giảm các chi tiêu thiết yếu khác của hộ gia đình đặc biệt là các hộ có thu nhập thấp. Các hộ nghèo tại Việt Nam phải tiêu tốn khoảng 5% thu nhập của gia đình vào thuốc lá. Ở những hộ này, khoản tiền mua thuốc lá thậm chí cao hơn khoản tiền chi cho y tế hay cho giáo dục. Nếu người nghèo bỏ hút thuốc lá, họ sẽ có nhiều tiền hơn để mua thức ăn hoặc để trả tiền học cho con cái của mình. Ngoài tổn thất do chi mua thuốc hút, tổng chi phí điều trị và tổn thất do mất khả năng lao động vì ốm đau và tử vong sớm cho 5 bệnh (ung thư phổi, ung thư đường tiêu hóa- hô hấp trên, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, nhồi máu cơ tim, đột quỵ) do hút thuốc gây ra trong năm 2011 là hơn 23 nghìn tỷ đồng (23.139,3).

Nhận thức tác hại của việc sử dụng thuốc lá, ngày 25 tháng 01 năm 2013, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã phê duyệt “Chiến lược quốc gia phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2020” với mục tiêu chung là: “Giảm nhu cầu sử dụng và kiểm soát để từng bước giảm mức cung cấp các sản phẩm thuốc lá tiêu thụ tại thị trường Việt Nam nhằm giảm nguy cơ bệnh tật và tử vong do sử dụng thuốc lá gây ra”. Chiến lược cũng đề ra những mục tiêu cụ thể  nhằm giảm tỷ lệ hút thuốc lá trong các nhóm đối tượng nh thanh thiếu niên; nam giới, phụ nữ xuống tỷ lệ tương ứng 18%, 39%, 1,4% vào năm 2010.

Để đạt được các mục tiêu trên, bản Chiến lược đã đề ra các nhóm giải phát thiết thực và khả thi như :

Hoàn thiện chính sách, pháp luật về phòng, chống tác hại thuốc lá bao gồm việc xây dựng và hoàn thiện các văn bản pháp luật quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá; Xây dựng lộ trình điều chỉnh thuế và quy định giá bán tối thiểu đối với thuốc lá để hạn chế nhu cầu sử dụng thuốc lá; Kiểm soát việc kinh doanh các sản phẩm thuốc lá; Từng bước chuyển đổi ngành nghề cho người lao động trong ngành thuốc lá.

Tăng cường công tác thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống tác hại thuốc lá: Xây dựng chương trình, kế hoạch tổng thể về thông tin, truyền thông về phòng, chống tác hại thuốc lá và tổ chức triển khai thực hiện nhằm nâng cao nhận thức, tăng cường sự ủng hộ của các nhà hoạch định chính sách và cộng đồng về phòng, chống tác hại thuốc lá.

Xây dựng các tài liệu thông tin và truyền thông về tác hại của thuốc lá, lợi ích của việc cai nghiện thuốc lá, môi trường sống không có khói thuốc lá, chính sách, pháp luật về phòng, chống tác hại thuốc lá bảo đảm phù hợp với các nhóm đối tượng.

Tăng cường cung cấp thông tin và truyền thông về phòng, chống tác hại thuốc lá cho tất cả các đối tượng, trong đó chú trọng các đối tượng là các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản lý, thanh thiếu niên, nhân viên làm công tác xã hội, cán bộ truyền thông.

Đa dạng hóa hình thức và kênh thông tin và truyền thông về phòng, chống tác hại thuốc lá. Tăng cường thời lượng và tần xuất thông tin và truyền thông về phòng, chống tác hại thuốc lá trên các phương tiện thông tin đại chúng. Phát huy vai trò của mạng lưới cộng tác viên về phòng, chống tác hại thuốc lá trong việc vận động người dân tại cộng đồng nghiêm túc thực hiện các quy định pháp luật về phòng, chống tác hại thuốc lá và tích cực tham gia hoạt động phòng, chống tác hại thuốc lá. Bổ sung tiêu chí không sử dụng thuốc lá vào cuộc vận động xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa tại cộng đồng.

Xây dựng tài liệu giáo dục về phòng, chống tác hại thuốc lá phù hợp với các cấp học, bậc học. Đẩy mạnh công tác giáo dục về tác hại và phòng, chống tác hại thuốc lá trong trường học.

Phát triển dịch vụ tư vấn cho người bệnh, người nhà người bệnh về tác hại của thuốc lá và phương pháp cai nghiện thuốc lá tại các cơ sở y tế./.

 

 

 

Khánh Linh