Thực hiện tốt Chỉ thị số 10-CT/TW của Ban Bí thư về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ 

Đảng bộ tỉnh Quảng Trị có 16 đảng bộ trực thuộc (trong đó có 01 đảng bộ giao quyền cấp trên cơ sở); 556 tổ chức cơ sở đảng (263 đảng bộ cơ sở; 293 chi bộ cơ sở), có 21 đảng bộ bộ phận, 2.485 chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở. Tổng số đảng viên toàn Đảng bộ tính đến 31/3/2017 có 42.592 đồng chí (tăng 14.355 đảng viên so với năm 2007). Trong những năm qua, công tác xây dựng và củng cố tổ chức đảng được Tỉnh ủy và các cấp ủy trực thuộc quan tâm, đề ra nhiều giải pháp thiết thực, trong đó tập trung vào việc thành lập chi bộ mới ở các thôn, bản, cơ quan đơn vị đang còn sinh hoạt ghép; xóa thôn, bản chưa có đảng viên.

Mặc dù đã đạt được những kết quả tích cực trong việc phát triển tổ chức đảng và đảng viên nhưng vẫn còn những tồn tại, hạn chế, nhất là việc nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên. Một trong những nguyên nhân chính đó là một số chi bộ, cấp uỷ chưa thực hiện nghiêm chế độ sinh hoạt đảng, chất lượng sinh hoạt chi bộ chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ đề ra; công tác quản lý, giáo dục đảng viên chưa thực sự chú trọng; nội dung sinh hoạt chi bộ chưa thiết thực, tính lãnh đạo, tính chiến đấu, tính giáo dục, tinh thần tự phê bình và phê bình, ý thức tổ chức kỷ luật chưa được đề cao; chi bộ chưa thể hiện tốt vai trò là nơi lãnh đạo, giáo dục, quản lý, giám sát và rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Tuy nhiên, kể từ khi có Chỉ thị số 10-CT/TW ngày 30/3/2007 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ”; Hướng dẫn số 05-HD/BTCTW ngày 25/5/2007 về “Nội dung sinh hoạt chi bộ trong các loại hình tổ chức cơ sở đảng” và Hướng dẫn số 09-HD/BTCTW ngày 02/3/2012 về “Nội dung sinh hoạt chi bộ” của Ban Tổ chức Trung ương, chất lượng sinh hoạt của các chi bộ trong toàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực, các cấp uỷ, tổ chức đảng và đảng viên đã nhận thức sâu sắc về vai trò, vị trí của tổ chức cơ sở đảng và của chi bộ; ý nghĩa và tầm quan trọng của việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ; các chi bộ đã thể hiện được vai trò là hạt nhân chính trị ở thôn, bản, khu phố, cơ quan, đơn vị; lãnh đạo cán bộ, đảng viên, công nhân viên chức và nhân dân thực hiện tốt đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng cơ quan đơn vị, xây dựng hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh.

Qua 10 năm thực hiện Chỉ thị số 10 - CT/TW, cấp ủy các cấp, tổ chức đảng và đảng viên trong toàn Đảng bộ tỉnh cơ bản đã nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn về vị trí, vai trò của tổ chức cơ sở đảng và chi bộ; ý nghĩa và tầm quan trọng của việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, xác định đây là một trong những biện pháp quan trọng góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Đối với cấp ủy, tổ chức đảng; đã đề ra các nhiệm vụ giải pháp để không ngừng củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và đội ngũ đảng viên; tập trung nâng cao chất lượng hoạt động của những tổ chức đảng yếu kém; phát triển tổ chức đảng và đảng viên ở những nơi còn ít đảng viên; kiện toàn cấp ủy để đảm bảo vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng.

Đối với cán bộ, đảng viên; Trong sinh hoạt chi bộ, thực hiện nghiêm túc nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt Đảng, nêu cao tinh thần tự phê bình và phê bình; chân thành, cởi mở trong tham gia phát biểu, nhất là đối với những đảng viên trẻ, đảng viên ít phát biểu. Nếu trước đây còn rụt rè, ngại va chạm thì nay đã mạnh dạn trong phát biểu ý kiến xây dựng tập thể chi bộ và tham gia góp ý với đảng viên.

Về nền nếp sinh hoạt chi bộ,căn cứ vào tình hình, điều kiện và nhiệm vụ của từng loại hình chi bộ để quy định thời gian tổ chức sinh hoạt định kỳ của chi bộ hợp lý. Đối với đảng viên, ý thức trách nhiệm trong việc tham gia sinh hoạt chi bộ được nâng cao, tham gia sinh hoạt định kỳ nghiêm túc và đều đặn hơn (tỷ lệ tham gia đều đạt trên 95%); các đảng viên vắng mặt không tham dự được đều có lý do chính đáng và có báo cáo, xin phép chi bộ.

Nội dung sinh hoạt hằng tháng được cấp uỷ, bí thư chi bộ chuẩn bị chu đáo, trong sinh hoạt thực hiện đầy đủ 3 bước: mở đầu, nội dung và kết thúc, trong đó phần nội dung được chi bộ dành nhiều thời gian nhất để sinh hoạt. Trong sinh hoạt, việc đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ của chi bộ tháng trước và kết quả thực hiện nhiệm vụ của đảng viên được phân công; đánh giá việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh của đảng viên, quần chúng thuộc phạm vi lãnh đạo của chi bộ được các chi bộ thực hiện thường xuyên và nghiêm túc. Nguyên tắc tự phê bình và phê bình được coi trọng, trong đó tập trung vào những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) và Trung ương 4 (khoá XII). Trên cơ sở đó, chi bộ đề ra các nhiệm vụ cụ thể và phân công nhiệm vụ cho từng đảng viên trong chi bộ thực hiện.Đối với các nội dung của từng loại hình chi bộ, qua đánh giá của cơ sở, việc hướng dẫn nội dung cụ thể đối với một số loại hình chi bộ theo Hướng dẫn số 09-HD/BTCTW cơ bản sát, phù hợp từng loại hình, tạo thuận lợi cho các chi bộ trong tổ chức sinh hoạt.

Chỉ thị số 10-CT/TW của Ban Bí thư về “nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ”và Hướng dẫn số 09-HD/BTCTW của Ban Tổ chức Trung ương về “nội dung sinh hoạt chi bộ” đã được Ban Thường vụ Tỉnh uỷ coi trọng và tổ chức quán triệt, triển khai một cách nghiêm túc; các cấp uỷ trực thuộc Tỉnh uỷ và cấp uỷ cơ sở đã ban hành các văn bản cụ thể hoá để hướng dẫn, chỉ đạotổ chức thực hiện. Quá trình thực hiện đã có những tác dụng rõ nét, tạo ra được những chuyển biến tích cực trong nhận thức của cấp uỷ, tổ chức đảng và đảng viên về vị trí, vai trò của tổ chức cơ sở đảng và chi bộ; ý nghĩa và tầm quan trọng của việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. Chỉ thị số 10-CT/TW và Hướng dẫn số 09-HD/BTCTW được cấp uỷ các cấp nhất là đối đối với các chi bộ trong các loại hình đánh giá cao và xem như là “cẩm nang” để tổ chức sinh hoạt chi bộ.

Việc tổ chức sinh hoạt chi bộ ngày càng đi vào nền nếp, nghiêm túc và có nhiều đổi mới về phương thức; nội dung sinh hoạt phong phú, nhất là việc tổ chức sinh hoạt chuyên đề, khắc phục được tính đơn điệu, hình thức; tính lãnh đạo, tính chiến đấu, tính giáo dục, tính dân chủ, tinh thần từ phê bình và phê bình trong sinh hoạt chi bộ được được phát huy, nội bộ đoàn kết; năng lực tổ chức của chi uỷ, bí thư được nâng cao; công tác quản lý đảng viên từng bước chặt chẽ, đảng viên ngày càng có ý thức, trách nhiệm đối với việc tham gia sinh hoạt chi bộ; việc kết luận, ban hành nghị quyết của chi bộ ngày càng có chất lượng,… góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng ngay từ chi bộ.

Qua 10 năm thực hiện Chỉ thị số 10-CT/TW của Ban Bí thư và các Hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương đã rút ra một số kinh nghiệm sau:

Thứ nhất, cấp uỷ các cấp từ tỉnh đến tổ chức đảng và đảng viên phải nhận thức được vai trò, vị trí của chi bộ “là nền tảng của Đảng, chi bộ tốt thì mọi việc sẽ tốt”. Sinh hoạt chi bộ là hoạt động rất quan trọng của chi bộ, có vai trò và tác dụng to lớn đối với năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của chi bộ, đảm bảo cho chi bộ và mỗi đảng viên thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình.

Thứ hai, phảithường xuyên làm tốt việc quán triệt Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng, thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 10-CT/TW của Ban Bí thư về “nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ” và Hướng dẫn số 09-HD/BTCTW của Ban Tổ chức Trung ương về “nội dung sinh hoạt chi bộ”. Phải làm cho mỗi cấp uỷ, chi bộ và đảng viên nhận thức được ý nghĩa, tầm quan trọng của Chỉ thị số 10 và Hướng dẫn số 09 trong việc củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của chi bộ. Tuỳ vào điều kiện cụ thể để vận dụng sáng tạo và những cách làm hay, phù hợp với địa phương, đơn vị.

Thứ ba, coi trọng công tác xây đội ngũ cấp uỷ viên, bí thư, phó bí thư chi bộ đảm bảo về số lượng, chất lượng, trước hết đối với đồng chí bí thư chi bộ phải là người có trình độ, năng lực, kinh nghiệm, có tinh thần trách nhiệm, có điều kiện, được cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân trong cơ quan đơn vị tín nhiệm. Đồng thời trong cấp ủy và giữa cấp ủy, chi bộ với các đoàn thể phải xây dựng được mối đoàn kết chặt chẽ, phối hợp tốt trong tổ chức thực hiện các nhiệm vụ ở địa phương, cơ quan,đơn vị.

Thứ tư, chất lượng sinh hoạt chi bộ là một trong những yếu tố quyết định sức sống, sự tồn tại, phát triển của chi bộ. Không tổ chức sinh hoạt chi bộ hoặc tổ chức sinh hoạt chi bộ nhưng chất lượng sinh hoạt thấp thì chi bộ không thể hoàn thành nhiệm vụ. Thực tiễn đã chứng minh, những chi bộ trong sạch, vững mạnh là những chi bộ duy trì nền nếp sinh hoạt, có nội dung sinh hoạt phong phú, thiết thực, hình thức đa dạng, chất lượng tốt. Vì vậy phải bám sát các bước theo hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương là phù hợp.

Thứ năm, làm tốt công tác xây dựng và củng cố tổ chức đảng; tăng cường công tác kết nạp đảng viên; thường xuyên quan tâm đến các chi bộ ở địa bàn khu dân cư, ở địa bàn vùng núi, vùng biên giới nơi có đông đồng bào là người dân tộc, nơi ít có ít đảng viên; chú trọng công tác giáo dục tư tưởng chính trị cho đảng viên. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, theo dõi, hướng dẫn của cấp ủy cấp trên đối với việc bảo đảm nền nếp sinh hoạt chi bộ, giải quyết kịp thời những khó khăn vướng mắc của cơ sở, kịp thời biểu dương khen thưởng đối với tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc. Tuấn Thành

 

 

15486 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1257
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1257
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87110509