Thế giới vắng bóng vũ khí hạt nhân - sự cam đoan bảo vệ văn minh khỏi mối đe dọa hiện hữu
|
Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 74 – ông Tijjani Muhammad Bande. (Ảnh: europeansting.com) |
Mở đầu bài phát biểu, ông Bande nhấn mạnh, sự kiện năm nay diễn ra vào thời điểm thế giới đang phải đối mặt với một mối đe dọa “chưa từng có tiền lệ” từ đại dịch COVID-19. Nhân dịp này, Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 74 đã chia sẻ và hy vọng những nạn nhân COVID-19 sẽ nhanh chóng bình phục, đồng thời gửi lời tri ân tới những nhân viên y tế đang làm việc ở tuyến đầu chống dịch để giữ sự an toàn cho cộng đồng.
Ông Bande cho rằng, mối đe dọa từ đại dịch COVID-19 và những tác động mạnh mẽ của nó đối với sức khỏe và sinh kế con người đã nhấn mạnh tính cần thiết của việc theo đuổi những hành động tập thể nhằm bảo vệ nhân loại, bao gồm cả ưu tiên về một thế giới không còn bị đe dọa bởi vũ khí hạt nhân.
Theo số liệu thống kê do ông Bande đưa ra, từ năm 1945 cho tới nay, thế giới đã chứng kiến khoảng 2.000 vụ thử hạt nhân với hậu quả hủy diệt và kéo dài qua nhiều thế hệ. Đã 3/4 thế kỷ trôi qua kể từ ngày Liên hợp quốc được thành lập, song mối đe dọa về hạt nhân vẫn còn hiện hữu. Hàng nghìn vũ khí hạt nhân vẫn đang nằm sẵn sàng trong kho dự trữ của các nước và sẵn sàng khai hỏa. Trong nhiều năm qua, các vụ thử hạt nhân đã được tiến hành tại nhiều khu vực trên thế giới với mục tiêu nhằm nghiên cứu, chế tạo ra các vũ khí tối tân hơn, uy lực hơn và có khả năng sát thương nhiều hơn.
Chính vì thế, ông Bande cho rằng, giải trừ vũ khí hạt nhân phải được xem là một ưu tiên hàng đầu của Liên hợp quốc. Trong đó, một thế giới vắng bóng vũ khí hạt nhân chính là lời cam đoan chân thật duy nhất để bảo vệ nền văn minh khỏi mối đe dọa hiện hữu.
Theo đánh giá của ông Bande, sự kiện Hiệp ước Cấm vũ khí hạt nhân được mở ký vào năm 2017 được xem là một bước tiến trong nỗ lực bảo vệ nhân loại. Qua đó, Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 74 hoan nghênh các nước thành viên đã phê chuẩn Hiệp ước, đồng thời kêu gọi các nước còn lại thực hiện hành động quan trọng này.
Trong lời phát biểu cùng ngày ông Bande cũng kêu gọi hành động để đưa Hiệp ước Cấm thử hạt nhân toàn diện (CTBT) từ trạng thái như hiện nay, trở thành một nghĩa vụ pháp lý ràng buộc đối với tất cả các nước thành viên Liên hợp quốc.
Ông Bande cho biết, vào năm tới, Liên hợp quốc sẽ tổ chức Hội thảo đánh giá về mức độ tuân thủ của các bên đối với Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT). Sự kiện này sẽ mở ra cơ hội để các bên nhắc lại những nỗ lực hướng tới mục tiêu giải trừ vũ khí hạt nhân, không phổ biến vũ khí hạt nhân và sử dụng năng lượng hạt nhân cho các mục tiêu hòa bình.
Chiến tranh hạt nhân không mang lại chiến thắng cho bất kỳ ai
|
(Ảnh minh họa: Reuters) |
Trong thông điệp phát đi nhân Ngày quốc tế chống thử nghiệm hạt nhân năm nay, ông Bande nêu rõ: “Không ai giành chiến thắng trong một cuộc chiến tranh hạt nhân – chúng ta đều biết rằng bất kỳ hành động sử dụng vũ khí hạt nhân nào cũng sẽ dẫn tới thảm họa về nhân đạo về sinh thái”.
Môi trường an ninh quốc tế ngày nay đang làm dấy lên những lo ngại về sự cạnh tranh và phân cực ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, ông Bande tin tưởng rằng, những hoài nghi về bộ máy giải trừ quân bị sẽ không làm giảm quyết tâm của Liên hợp quốc trong việc duy trì một hệ thống đa phương và cùng hợp tác.
Nhấn mạnh rằng, sự kiện kỷ niệm Ngày quốc tế chống thử nghiệm hạt nhân năm nay là dịp để nhắc nhở chúng ta cần tỏ ra kiên quyết hơn trong việc theo đuổi các mục tiêu chung, ông Bande cũng ghi nhận những đóng góp quan trọng liên quan tới việc thông qua Nghị quyết A/RES/64/35 của Đại hội đồng Liên hợp quốc nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng, đồng thời thúc đẩy cam kết chính trị nhằm hướng tới một thế giới không còn sự hiện hữu của vũ khí hạt nhân.
Theo ông Bande, trong bối cảnh Liên hợp quốc bước sang tuổi 75, giải trừ vũ khí hạt nhân vẫn là một nhiệm vụ quan trọng và cần phải được duy trì là một mục tiêu cuối cùng. Việc xây dựng nên một thế giới không còn vũ khí hạt nhân là nguyện vọng chung của tất cả mọi người trên thế giới, nhằm hướng tới mục tiêu bảo đảm hòa bình, an ninh quốc tế.
Tại kỳ họp lần thứ 64 ngày 2/12/2009, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua Nghị quyết A/RES/64/35 chọn ngày 29/8 hằng năm là “Ngày quốc tế chống thử nghiệm hạt nhân”. Tác giả của Nghị quyết A/RES/64/35 là 26 quốc gia. Trong đó, sáng kiến công bố 29/8 là Ngày quốc tế hành động chống thử nghiệm hạt nhân thuộc về Tổng thống đầu tiên của Kazakhstan – ông Nursultan Nazarbayev.
Nhân dịp Ngày quốc tế chống thử nghiệm hạt nhân năm nay, ông Nazarbayev đã điểm lại những nỗ lực và sáng kiến của Kazakhstan trong lĩnh vực giải trừ vũ khí hạt nhân, trong đó nổi bật là đề xuất về đảm bảo thế giới không có vũ khí hạt nhân vào năm 2045 và thông qua Tuyên bố tương ứng. Một trong những kết quả của quá trình hướng tới mục tiêu này là việc Kazakhstan vào năm 2019 đã trở thành nước 26 phê chuẩn Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân. Trước đó, vào năm 2018, Việt Nam đã trở thành quốc gia thứ 10 thực hiện điều này.
Theo đánh giá của ông Nazarbayev, với vị trí là hai nước ở Trung Á và Đông Nam Á, Kazakhstan và Việt Nam đều là những thành viên tham gia các khu vực không có vũ khí hạt nhân, đồng thời thể hiện rõ quan điểm nhất quán về duy trì hòa bình và giải trừ hạt nhân chung trên hành tinh. Cựu Tổng thống Kazakhstan tin tưởng rằng, Ngày Quốc tế chống thử nghiệm hạt nhân, cùng với các sự kiện và hoạt động liên quan khác sẽ góp phần hình thành cục diện toàn cầu, mở ra triển vọng lạc quan hơn, hướng tới thế giới không có vũ khí hạt nhân.
|
Thu Lan