Thủ tướng Singapore: Cần 3-6 tháng để có “bình thường mới” 

Sự xuất hiện của biến thể Delta đã buộc Singapore phải điều chỉnh chiến lược không ca nhiễm, xác định sống chung an toàn với COVID-19 khi tỷ lệ bao phủ vaccine đạt 80% trong tháng Tám.
Thủ tướng Singapore: Cần 3-6 tháng để có “bình thường mới”

Theo phóng viên TTXVN tại Singapore, ngày 9/10, Thủ tướng Lý Hiển Long đã có bài phát biểu trấn an người dân nước này trong bối cảnh số ca nhiễm mới COVID-19 tăng cao, đồng thời cho biết Singapore kiên định chiến lược sống chung an toàn với dịch bệnh và điều chỉnh cách tiếp cận cho phù hợp với sự biến chuyển của tình hình.

Thủ tướng Lý Hiển Long cho rằng chiến lược “zero COVID” (không ca nhiễm) mà Singapore áp dụng trong năm 2020 là phù hợp, song sự xuất hiện của biến thể Delta đã buộc Singapore phải điều chỉnh và xác định sống chung với COVID-19 khi tỷ lệ bao phủ vaccine đạt 80% trong tháng 8/2021.

Tuy nhiên, sống chung với COVID-19 không phải là hành trình dễ dàng và suôn sẻ. Số ca nhiễm mới đã gia tăng mạnh trong những ngày qua (trên 3.000 ca/ngày). Ông Lý Hiển Long cho rằng Singapore phải mất từ 3 tới 6 tháng mới có thể có được “bình thường mới.” Singapore cần tiếp tục kiên định chiến lược sống chung an toàn với COVID-19 và điều chỉnh cách tiếp cận cho phù hợp.

Trước hết, người dân Singapore cần phải “cập nhật” tư duy, theo đó không coi thường dịch bệnh COVID-19, nhưng cũng không nên hoảng sợ. Nhóm rủi ro cao nhất là những người cao tuổi, từ 60 tuổi trở lên nếu chưa tiêm chủng, và với những người trên 80 tuổi kể cả đã tiêm chủng. Vì thế, người cao tuổi nên sớm đi tiêm vaccine hoặc tiêm mũi bổ sung khi được thông báo.

Trẻ em dưới 12 tuổi cũng là nhóm rủi ro, nhưng không đáng quan ngại bởi thực tế vừa qua cho thấy nhóm này hầu như không bị triệu chứng nặng khi nhiễm COVID-19. Singapore hiện đang theo dõi sát tiến triển về thử nghiệm vaccine cho trẻ dưới 12 tuổi tại Mỹ và dự kiến sẽ triển khai tiêm chủng vào đầu năm 2022.

Thứ hai, Singapore xác định “hồi phục tại nhà” sẽ là mặc định đối với các ca nhiễm mới đã tiêm đủ vaccine nhằm giảm áp lực cho hệ thống y tế. Số liệu theo dõi cho thấy trên 98% số ca nhiễm mới đã tiêm đủ 2 mũi vaccine không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ. Những người không đủ điều kiện cách ly tại nhà hoặc chuyển nặng sẽ được đưa tới các cơ sở cách ly hoặc bệnh viện.

Sau những lúng túng ban đầu do số ca nhiễm mới tăng nhanh hơn dự báo, khiến hệ thống y tế bị quá tải, Singapore đã tập trung tăng cường năng lực cho hệ thống y tế, huy động cả lực lượng quân đội và các hiệp hội để nâng cao năng lực tiếp nhận, tư vấn qua điện thoại, phân phát các các gói chăm sóc tại nhà, đồng thời cũng thiết lập thêm các cơ sở chăm sóc đối với những người không có điều kiện cách ly tại nhà.

Thứ ba, Singapore sẽ đơn giản hóa các quy trình y tế để người dân nắm được họ cần phải làm gì họ xét nghiệm dương tính với COVID-19, hay tiếp xúc gần với những người nhiễm COVID-19, và các thành viên gia đình phải làm gì. Khi nắm được những điều cần phải làm, người dân sẽ đỡ hoảng sợ hơn và thực hiện tốt hơn trách nhiệm cá nhân, trách nhiệm xã hội của mình.

[Dịch COVID-19: Singapore nâng cấp cơ sở chăm sóc cộng đồng]

Thời gian vừa qua, Singapore áp dụng nhiều hình thức thông báo như “Nhắc nhở rủi ro sức khỏe,” “Cảnh báo rủi ro sức khỏe,” “Lệnh yêu cầu cách ly tại nhà,”... với những người tiếp xúc gần, hoặc xét nghiệm nhanh dương tính với COVID-19. Dù có các hướng dẫn cụ thể với từng mức cảnh báo nhưng vẫn rất phức tạp, phiền nhiễu với nhiều thủ tục xét nghiệm, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp.

Cũng theo Thủ tướng Lý Hiển Long, Singapore xác định cuộc chiến với COVID-19 sẽ còn tiếp tục, số ca nhiễm mới sẽ gia tăng trong những tuần tới, tháng tới, có thể lên tới 5.000 ca/ngày. Tuy nhiên, Singapore hiện ở vị thế tốt hơn nhiều so với trước đây, và sẽ tiếp tục kiên định con đường hướng tới “bình thường mới” sau đại dịch.

Trong cuộc họp báo của Ủy ban Liên bộ Đặc trách chống COVID-19 Singapore (MTF), Bộ Y tế Singapore (MOH) cho biết bắt đầu từ ngày 10/10/2021, Chương trình Hồi phục tại nhà (HRP) sẽ được áp dụng đối với tất cả các bệnh nhân COVID-19, ngoại trừ 3 nhóm người là nhóm người chưa được tiêm vaccine đầy đủ và từ 50 tuổi trở lên, nhóm người từ 80 tuổi trở lên (kể cả đã tiêm vaccine đầy đủ), và trẻ em dưới 1 tuổi, hoặc trẻ em từ 1-4 tuổi nhưng không phù hợp với việc chăm sóc tại nhà.

Theo MOH, với việc người dân Singapore dần “quen thuộc” hơn với HRP, các nhân viên y tế đã có thêm nhiều kinh nghiệm trong việc xử lý các nhu cầu của các bệnh nhân trong diện HRP, đã đến lúc cách tiếp cận y tế này cần được mở rộng hơn nữa, đặc biệt là đối với những bệnh nhân không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ. Điều này sẽ cho phép giành sự ưu tiên các nguồn lực tốt hơn cho việc chăm sóc các bệnh nhân nặng và dễ tổn thương khác.

Kể từ khi bắt đầu HRP (ngày 15/9), đã có hơn 19.000 bệnh nhân được chăm sóc, điều trị tại nhà và đã có hơn 8.000 người khỏi bệnh hoàn toàn. Các số liệu mới nhất cũng cho thấy có tới 98,8% các ca nhiễm COVID-19 là không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ.

Thu tuong Singapore: Can 3-6 thang de co “binh thuong moi” hinh anh 2Người dân xếp hàng mua đồ ăn mang về để phòng lây nhiễm COVID-19 tại Singapore. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Bên cạnh đó, bắt đầu từ ngày 13/10 tới, những người chưa được tiêm vaccine COVID-19 đầy đủ sẽ không được vào các trung tâm mua sắm, không được ăn tại chỗ ở nhà hàng và các khu ăn uống tập trung, cũng như không được đến các địa điểm thu hút thăm quan.

Theo MOH, đây là biện pháp nhằm bảo vệ những cá nhân chưa được tiêm vaccine đầy đủ trong cộng đồng và giúp giảm bớt sức ép đối với hệ thống y tế. Các cuộc điều tra dịch tễ học cho thấy các cơ sở ăn uống như các khu ăn uống tập trung, các cửa hàng bán lẻ, các trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm... là những địa điểm thường xuyên có tỷ lệ các ca nhiễm COVID-19 đi đến, bao gồm những người chưa được tiêm vaccine đầy đủ và những người sau đó bị chuyển biến nặng.

Bắt đầu từ 13/10 tới, chỉ có những người đã tiêm vaccine đầy đủ mới được ăn uống tại chỗ ở các nhà hàng, các khu ăn uống tập trung... nhưng tối đa là 2 người một nhóm. Quy định này cũng được áp dụng với trẻ em dưới 12 tuổi, những người đã khỏi bệnh COVID-19 và những người chưa được tiêm vaccine nhưng có kết quả xét nghiệm trước đó âm tính (PET) hợp lệ.

Ngoài ra, MOH cũng cho biết từ ngày 9/10, Singapore bắt đầu mở rộng diện tiêm vaccine bổ sung tới các nhân viên y tế, các nhân viên tuyến đầu cũng như những người từ 30 tuổi trở lên. Trước đó, từ 3/10, những người trong độ tuổi từ 50-59 đã bắt đầu được tiêm mũi bổ sung. Tuy nhiên, những người này phải đã được tiêm đủ 2 mũi ít nhất là từ 6 tháng trở lên.

Những người trong các trung tâm, các cơ sở có mật độ người cao và tương đối khép kín, như nhà tù, các nơi giam giữ hay các cơ sở chăm sóc cư dân cũng sẽ được tiêm vaccine bổ sung. Bộ Y tế Singapore cũng khuyến cáo những người bị suy giảm miễn dịch vừa và nặng nên tiêm mũi thứ 3 vaccine mRNA kể từ thời điểm sau 2 tháng tiêm mũi thứ 2.

Nhóm người này bao gồm những bệnh nhân ung thư đang điều trị tích cực bằng hóa trị và liệu pháp ức chế miễn dịch, bệnh nhân ung thư máu như ung thư hạch và ung thư bạch cầu, bệnh nhân không phải ung thư đang điều trị ức chế miễn dịch, bệnh nhân bệnh thận giai đoạn cuối, bệnh nhân HIV chưa được điều trị hoặc giai đoạn cuối.

Tính đến ngày 7/10, tại Singapore đã có gần 372.000 người được tiêm vaccine bổ sung./.

Lê Dương Thế Vũ (TTXVN/Vietnam+)
264 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 585
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 585
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 88304736