Quyết định trên đã được nhà lãnh đạo Nhật Bản công bố trước báo giới ở thành phố Tarumizu (Ta-rư-mi-dư), tỉnh Kagoshima (Ca-gô-si-ma), miền Tây Nam Nhật Bản. Như vậy, tính đến thời điểm hiện nay, cuộc đua giành chức chủ tịch LDP sẽ là cuộc đua song mã giữa ông Abe và cựu Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Shigeru Ishiba (Shi-ghê-rư I-si-ba).

Theo kế hoạch, chiến dịch vận động tranh cử chính thức sẽ bắt đầu diễn ra vào ngày 7/9 tới trước khi cuộc bầu cử lựa chọn chủ tịch đảng LDP diễn ra ngày 20/9. Đây sẽ là cuộc bầu cử có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, mang tính quyết định người sẽ nắm giữ cương vị thủ tướng kế nhiệm của Nhật Bản. Tại cuộc bầu cử này, các ứng cử viên sẽ phải giành được đa số phiếu trong tổng số 405 phiếu bầu của nghị sĩ và số phiếu tương tự của các thành viên phổ thông của LDP. Trong trường hợp không ứng cử viên nào giành được đa số phiếu trong vòng bầu đầu tiên, một cuộc bỏ phiếu sẽ diễn tại Quốc hội Nhật Bản, trong đó lá phiếu của các nghị sĩ sẽ có sức nặng hơn.

Ông Abe, 63 tuổi, nắm quyền lãnh đạo Nhật Bản từ tháng 12/2012, sẽ trở thành thủ tướng cầm quyền lâu đời nhất Nhật Bản nếu ông giành chiến thắng trong cuộc đua sắp tới này. Trong khi đó, với việc nắm giữ nhiều chức vụ quan trọng trong chính quyền cũ cùng với kinh nghiệm từng làm Tổng Thư ký đảng LDP dưới thời ông Abe, ông Ishiba, 61 tuổi, đang tìm cách mở rộng sự ủng hộ trong các thành viên phổ thông đảng LDP.

Theo kết quả thăm dò mới nhất do Kyodo News thực hiện trong 2 ngày 25 và 26/8, có 36,3 số ý kiến cho biết sẽ lựa chọn ông Abe làm chủ tịch LDP, trong khi tỷ lệ ủng hộ ông Ishiba là 31,3%.

Trong cuộc thăm dò này, có 49% ý kiến phản đối ý định của ông Abe về đệ trình một dự thảo sửa đổi Hiến Pháp tại phiên họp Quốc hội Nhật Bản vào mùa Thu năm nay. Đây cũng là một trong nhiều vấn đề mà cả ông Abe và ông Ishiba có quan điểm khác biệt. Trong khi ông Abe kêu gọi sửa đổi bản Hiến pháp hòa bình của nước này, cụ thể là Điều 9 nhằm chính thức công nhận vai trò của Lực lượng phòng vệ Nhật Bản (SDF) là một lực lượng quân đội, thì ông Ishiba khẳng định việc sửa đồi Điều 9 trong Hiến pháp Nhật Bản không phải là vấn đề ưu tiên, bởi đây là vấn đề công luận còn thiếu nhận thức. Theo quan điểm của ông Ishiba, vấn đề cấp bách cần thay đổi hiện nay là các quy định về việc trao cho Chính phủ tự quyền đưa ra sắc lệnh để giải quyết các vấn đề khẩn cấp, bao gồm các thảm họa thiên nhiên.

Về chính sách kinh tế, ông Abe được mong chờ sẽ tiếp tục kết quả của chính sách kinh tế "Abenomics", bao gồm chính sách nới lỏng tiền tệ của Ngân hàng trung ương Nhật Bản. Còn ông Ishiba cam kết thúc đẩy kinh tế vùng miền của Nhật Bản, bao gồm dịch chuyển các cơ quan bộ và chính phủ cũng như công ty lớn tới các địa phương./.

Theo TTXVN