Ngày 14/7, Thủ tướng Italy Mario Draghi cho biết ông sẽ từ chức trong bối cảnh cuộc khủng hoảng chính trị bùng phát do Phong trào 5 Sao (M5S) từ chối tham gia cuộc bỏ phiếu tín nhiệm đối với chính phủ.
Phát biểu với Nội các Italy, ông Draghi nói: "Tôi muốn thông báo rằng tối nay tôi sẽ đệ đơn từ chức lên Tổng thống."
Ông Draghi cho hay các điều kiện cần thiết để tiếp tục với chính phủ liên minh đã "không còn nữa" và "hiệp ước về sự tín nhiệm vốn là nền tảng của chính phủ hiện nay đã không còn nữa."
Tuy nhiên, Tổng thống Italy Sergio Mattarella đã bác đơn xin từ chức của Thủ tướng Draghi và yêu cầu Thủ tướng phát biểu trước Quốc hội để đánh giá tình hình chính trị.
Tuyên bố của văn phòng Tổng thống Mattarella viết: "Tổng thống không chấp nhận đơn từ chức và mời Thủ tướng xuất hiện trước Quốc hội, để việc đánh giá tình hình, phát sinh do kết quả của cuộc bỏ phiếu hôm nay tại Thượng viện, có thể được thực hiện trong một diễn đàn thích hợp."
Trước đó cùng ngày, Chính phủ Italy của Thủ tướng Draghi đã vượt qua cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại Thượng viện, liên quan đến các biện pháp giúp ứng phó với cuộc khủng hoảng chi phí cuộc sống.
Hồi đầu tuần này, Thủ tướng Draghi cho biết chính phủ của ông sẽ không thể tiếp tục nếu không có sự ủng hộ của M5S và đã loại bỏ khả năng liên minh với đảng khác.
Bất chấp sự tẩy chay của M5S, gói viện trợ của Thủ tướng Draghi dành cho các doanh nghiệp và hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi giá năng lượng cao đã được Thượng viện thông qua với 172 phiếu thuận và 39 phiếu chống.
Tuy nhiên, sự rút lui của M5S khiến chính phủ đứng trước nguy cơ sụp đổ thực sự và có thể dẫn đến một cuộc bầu cử sớm do trước đó ông Draghi đã tuyên bố sẽ không lãnh đạo một chính phủ nếu thiếu sự tham gia M5S.
Phát biểu trước khi đến gặp Tổng thống, Thủ tướng Draghi nói: "Các lá phiếu ngày hôm nay tại Quốc hội rất có ý nghĩa về quan điểm chính trị. Phần lớn sự đoàn kết dân tộc đã ủng hộ chính phủ này kể từ khi nó được thành lập đã không còn nữa."
[Italy: Thủ tướng Mario Draghi vượt qua cuộc bỏ phiếu tín nhiệm]
Ông Draghi được bổ nhiệm làm Thủ tướng vào tháng 2/2021 để giúp Italy phục hồi sau cuộc khủng hoảng COVID-19.
Ông được coi là nhà lãnh đạo có khả năng sử dụng một cách có trách nhiệm các quỹ phục hồi sau đại dịch của Liên minh châu Âu (EU).
Đảng M5S, theo chủ nghĩa dân túy, đã phản đối gói viện trợ trên của ông Draghi với lý do gói này là chưa đủ để đáp ứng yêu cầu đặt ra.
Nhà lãnh đạo đảng M5S, cựu Thủ tướng Giuseppe Conte nói rằng chính phủ nên làm nhiều hơn nữa để giải quyết các vấn đề xã hội đang ngày càng trầm trọng ở nền kinh tế lớn thứ 3 khu vực đồng euro.
Tuy nhiên, ông Conte cho hay đảng vẫn sẽ để ngỏ khả năng thảo luận thêm với Thủ tướng Draghi nhằm giải quyết những khác biệt trong chính sách./.
Dương Hoa-Xuân Phong (TTXVN/Vietnam+)