Theo phóng viên TTXVN tại Rome, tối 18/1, Thủ tướng Italy Giuseppe Conte đã vượt qua cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại Hạ viện với 321 phiếu ủng hộ, 259 phiếu chống và 27 phiếu trắng.
Trước đó, trong bài phát biểu tại Hạ viện, Thủ tướng Conte đã kêu gọi số nghị sĩ độc lập có quan điểm thân châu Âu ủng hộ chính phủ của ông để tránh nguy cơ quyền lực rơi vào phe cánh hữu.
Ông Conte cũng cảnh báo hiện chưa phải là thời điểm để thành lập một chính phủ mới bởi Italy giờ đây phải tập trung toàn bộ nguồn lực vào đối phó với đại dịch COVID-19, vốn lâu nay đã gây tổn thất lớn về kinh tế và làm hơn 82.000 người dân nước này thiệt mạng.
[Italy đối mặt với nguy cơ khủng hoảng chính phủ mới]
Tiếp sau cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện, dư luận hiện đang tập trung sự chú ý vào cuộc bỏ phiếu tại Thượng viện dự kiến diễn ra trong ngày 19/1.
Việc Thủ tướng Conte phải trải qua các cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội là do hôm 13/1, cựu Thủ tướng Matteo Renzi đã quyết định rút 2 bộ trưởng thuộc đảng Italia Viva (IV) của ông khỏi liên minh cầm quyền vốn được thành lập năm 2019 với thành phần chủ yếu gồm Đảng Dân chủ (PD) trung tả và Phong trào 5 Sao (M5S) theo chủ nghĩa dân túy.
Động thái này đã khơi mào cho cuộc khủng hoảng chính trị ở Italy mà có thể đẩy chính phủ đương nhiệm hiện nay đến bên bờ sụp đổ.
Cựu Thủ tướng Renzi tuyên bố đảng Italia Viva sẽ bỏ phiếu trắng trong cuộc bỏ phiếu tại Thượng viện.
Trong trường hợp Thủ tướng Conte không thể vượt qua cuộc bỏ phiếu này, có lẽ ông sẽ phải từ chức. Khi đó, đảng PD và M5S có thể hàn gắn lại quan hệ liên minh với đảng Viva Italia và thành lập một chính phủ mới.
Bên cạnh kịch bản bầu cử sớm vốn rất ít khả năng xảy ra, một kịch bản có thể cũng phải tính đến là các đảng sẽ liên kết lại với nhau để thành lập một chính phủ đại liên minh với người đứng đầu có thể là một nhân vật trung lập, phi đảng phái./.
(TTXVN/Vietnam+)