Phát biểu tại Hamburg nhân kỷ niệm 100 năm thành lập Câu lạc bộ Hải ngoại Hamburg (một diễn đàn có uy tín về kinh tế và chính trị) ngày 7/5, Thủ tướng Đức Olaf Scholz nhắc tới Việt Nam và một số nước khác có ảnh hưởng và muốn có tiếng nói trên thế giới trong thế kỷ 21.
Theo Thủ tướng Scholz, mục tiêu trọng tâm nhiệm kỳ Chủ tịch Nhóm Các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) của Đức là đạt được tiến bộ đáng kể hướng tới một câu lạc bộ khí hậu quốc tế, trong đó tất cả các quốc gia có thể tham gia với cam kết tuân thủ các tiêu chuẩn tối thiểu nhất định.
Ông kêu gọi các nước cùng tham gia bởi nếu không có sự hợp tác giữa các nước phát thải, các nước mới nổi và đang phát triển, thế giới sẽ không đạt được tiến bộ về bảo vệ khí hậu.
[Đức đánh giá cao sự phát triển quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam]
Để đạt được điều này, thế giới cần hợp tác nhiều hơn, có nhiều liên minh hơn và hợp tác toàn cầu hơn nữa.
Ông nhấn mạnh, điều này càng đúng khi đề cập tới sự trỗi dậy của châu Á và sự xuất hiện của một thế giới đa cực.
Thế giới lưỡng cực thời Chiến tranh Lạnh cuối cùng đã là lịch sử và sẽ không bị thay thế bởi một thế giới lưỡng cực mới giữa Mỹ và Trung Quốc.
Ông nói: "Trong thế kỷ 21, có quá nhiều tác nhân muốn có tiếng nói và có ảnh hưởng. Chẳng hạn trong số đó như Ấn Độ và Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia và Việt Nam, song cũng có những nước đông dân ở châu Phi và Nam Mỹ."
Thủ tướng Đức cho rằng trên khắp thế giới, hàng chục triệu người đang kiên quyết nắm bắt thời cơ và vận hội mới mà toàn cầu hóa đang mang lại cho họ.
Nói rõ hơn là họ đi theo con đường riêng mà không đợi ai. Ông cũng cho rằng châu Âu cần phải bảo vệ lợi ích của mình bằng việc trở nên mạnh mẽ hơn trong thế giới đa cực, trong đó điều tiên quyết là một châu Âu có chủ quyền; một châu Âu - cùng với Mỹ và các nền dân chủ khác, đảm bảo rằng nền dân chủ có triển vọng trong thế giới đa cực./.
(Vietnam+)