Các nước đang phát triển ở châu Phi có tiềm năng lớn về năng lượng tái tạo và sản xuất hydro xanh.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz ngày 20/11 đã đánh giá như vậy và kêu gọi sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa Liên minh châu Âu (EU) và các nước châu Phi trong các lĩnh vực này.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã phát biểu tại Hội nghị Thường niên trong khuôn khổ sáng kiến Nhóm các Nền kinh tế Phát triển và Mới nổi (G20) Gắn kết với châu Phi (G20 Compact with Africa), đang diễn ra ở thủ đô Berlin.
Ông Scholz cho rằng các nước châu Âu nên hỗ trợ các nước đang phát triển của châu Phi tìm kiếm các giải pháp năng lượng thân thiện với môi trường.
Theo nhà lãnh đạo Đức, sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa EU và các nước “Lục địa Đen” có thể vừa thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội vừa bảo vệ khí hậu và môi trường.
Ông Scholz khẳng định: “Năng lượng tái tạo, công nghệ thân thiện với môi trường, xây dựng nền kinh tế hydro ở khắp các quốc gia và châu lục, đa dạng hóa kinh tế, tất cả những điều này sẽ mang lại tiềm năng đáng kinh ngạc cho sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa chúng ta."
Đức đánh giá châu Phi đóng vai trò quan trọng trong việc giúp Berlin đạt được quá trình chuyển đổi xanh và các mục tiêu bảo vệ khí hậu. Thủ tướng Đức nói: “Chúng tôi đặt mục tiêu đạt trung hòa khí thải vào năm 2045 và để đạt được mục tiêu đó, Đức sẽ cần một lượng lớn hydro xanh, mà trong đó sẽ nhập khẩu một phần lớn từ châu Phi."
Ông Scholz thừa nhận nhiều quốc gia châu Phi có tiềm năng lớn hơn đáng kể so với châu Âu về năng lượng tái tạo và sản xuất hydro cạnh tranh. Đây chính là cơ hội tuyệt vời để mở rộng hợp tác giữa các công ty của Đức và châu Phi."
Cũng tại hội nghị nói trên, ông Scholz thông báo Đức sẽ cung cấp thêm khoản viện trợ bổ sung trị giá 4 tỷ euro (khoảng 4,4 tỷ USD) cho đến năm 2030, để hỗ trợ các khoản đầu tư theo Sáng kiến Năng lượng xanh châu Phi-EU.
Năm 2022, kim ngạch thương mại song phương giữa Đức và châu Phi đạt 60 tỷ euro (khoảng 65,4 tỷ USD), tăng 21,7% so với năm 2021.
Liên minh châu Âu (EU) đã tăng đáng kể các mục tiêu năng lượng tái tạo, theo đó đặt mục tiêu đến năm 2030, 42,5% năng lượng đến từ các nguồn tái tạo thay vì ở mức 32% như hiện nay.
Theo nghiên cứu của Công ty Kiểm toán KPMG và Hiệp hội Doanh nghiệp Đức-châu Phi, gần 67% số công ty của Đức muốn mở rộng kinh doanh ở châu Phi.
Chủ tịch Liên minh châu Phi (AU), ông Azali Assoumani ngày 20/11 kêu gọi mở rộng sáng kiến nói trên với tất cả các quốc gia châu lục, để thúc đẩy mối quan hệ đối tác mạnh mẽ và toàn diện hơn, vì lợi ích của toàn bộ châu Phi cũng như châu Âu và các lục địa khác.
Tuy nhiên, ông Azali Assoumani cảnh báo một số rào cản trong nỗ lực thúc đẩy đầu tư vào "Lục địa Đen" trong bối cảnh nợ công của một số nước châu Âu đang ở mức cao.
Cho đến nay, các nước châu Phi tham gia sáng kiến trên gồm Maroc, Tunisia, Ai Cập, Senegal, Guinea, Cote d'Ivoire, Ghana, Togo, Benin, Burkina Faso, Rwanda, Cộng hòa Dân chủ Congo và Ethiopia./.