Ông Hecker được bà Merkel đánh giá là người có tầm nhìn về tình hình Libya, nạn buôn người, tình hình an ninh biên giới cũng như thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ.
Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh Thủ tướng Đức đang chuẩn bị bước vào các vòng đàm phán căng thẳng về thành lập một chính phủ liên minh mới vào tuần tới, trong đó vấn đề nhập cư sẽ là một trong những nội dung then chốt. Với cương vị Cố vấn chính sách đối ngoại, ông Hecker sẽ trở thành “kiến trúc sư” của chính sách mở cửa nhập cư gây tranh cãi do bà Merkel khởi xướng. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, sự xuất hiện của ông Hecker trong các vòng đàm phán sắp tới sẽ khiến bà Merkel phải đối mặt với các câu hỏi hóc búa liên quan tới vấn đề gây nhiều tranh cãi này.
Sau cuộc bầu cử diễn ra vào tháng trước, với sự trỗi dậy của phe cực hữu theo đuổi chủ trương phản đối người nhập cư, bà Merkel đang tìm kiếm cơ hội thành lập một liên minh 3 bên giữa phe bảo thủ do bà lãnh đạo, đảng Dân chủ Tự do (FDP) và đảng Xanh. Trong khi đó, các thành viên trong khối bảo thủ của nữ Thủ tướng Đức đã tìm được tiếng nói chung và nhất trí áp dụng các biện pháp hạn chế người di cư vào ngày 9/10, mở đường cho việc khởi động đối thoại với các đảng phái khác.
Ông Hecker – nguyên là một thẩm phán liên bang, đã nắm giữ vị trí Điều phối viên chính sách người tị nạn vào tháng 10/2015, sau khi bà Merkel có động thái “bật đèn xanh” tiếp nhận hàng triệu người tị nạn. Ông Hecker là người có nhiều đóng góp trong việc hình thành các Hiệp ước về người nhập cư của Đức với các nước châu Phi và đã từng tháp tùng bà Merkel trong nhiều chuyến công du nước ngoài mà trong đó, di cư được xem là một vấn đề trọng tâm.
Theo nhận định của chuyên gia Judy Dempsey thuộc Tổ chức nghiên cứu chính sách Carnegie Europe, quyết định bổ nhiệm mới nhất của bà Merkel đã phản ánh một nhận thức ngày càng gia tăng về các chính sách người tị nạn vốn có mối liên hệ mật thiết với các vấn đề an ninh.
Trong cuộc bầu cử Quốc hội liên bang Đức, Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) theo đường lối bảo thủ của Thủ tướng Đức Angela Merkel đã giành chiến thắng, mang lại cơ hội tại vị cho bà Merkel trên cương vị chèo lái nước Đức nhiệm kỳ thứ 4 liên tiếp. Tuy nhiên, với tỷ lệ ủng hộ chưa thuyết phục và được xem là chiến thắng khiêm tốn nhất từ năm 1949 trở lại đây, liên minh cầm quyền buộc phải kêu gọi vai trò tham gia của các đảng nhỏ hơn, gồm FDP và đảng Xanh.
Trong một động thái mang tính nhượng bộ liên quan tới chính sách mở cửa đối với người nhập cư, vào ngày 10/10, bà Merkel đã đạt được thỏa thuận với đối tác liên minh lớn là CSU – một đảng chị em CDU. Theo thỏa thuận vừa ký kết với lãnh đạo CSU Horst Seehofer, Thủ tướng đồng ý thu hẹp giới hạn tiếp nhận người nhập cư còn 200.000 trường hợp mới mỗi năm, đồng thời siết chặt các điều kiện định cư tại Đức. Tuy nhiên, động thái trên xem ra cũng chưa thể cởi bỏ được những nghi ngại từ phía dư luận Đức trước các chính sách về tiếp nhận người nhập cư của bà Merkel khi xuất hiện những câu hỏi về việc tại sao thỏa thuận trên lại không được ký kết sớm hơn. Thậm chí còn có ý kiến cho rằng nữ Thủ tướng đã tỏ ra "xao lãng" khi không giải quyết vấn đề người nhập cư trước khi đảng Sự lựa chọn thay thế cho nước Đức (AfD) theo khuynh hướng cực hữu và phản đối người nhập cư lần đầu tiên được lựa chọn vào cơ quan lập pháp trong cuộc bầu cử diễn ra vào tháng trước./.
Thu Lan (Theo Reuters, Express)