Đây là chuyến thăm đầu tiên của người đứng đầu Chính phủ Đức đến Hy Lạp trong gần 5 năm trở lại đây.
Dự kiến trong chuyến thăm kéo dài 2 ngày, Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng sẽ khuyến khích các chính trị gia Hy Lạp ủng hộ thỏa thuận với nước láng giềng Macedonia về việc đổi tên nước, điều mà cả Đức và Liên minh châu Âu (EU) hy vọng sẽ thúc đẩy hòa bình và ổn định ở khu vực Balkan.
[Bloomberg: Tin tặc phát tán dữ liệu cá nhân liên quan Thủ tướng Đức]
Theo thỏa thuận ký gần đây giữa Athens và Skopje, nước láng giềng phía Bắc Hy Lạp này đổi tên thành Cộng hòa Bắc Macedonia.
Thỏa thuận làm dấy lên sự phản đối mạnh mẽ ở Hy Lạp vì nước này cũng có một tỉnh miền Bắc mang tên Macedonia.
Nhiều người Hy Lạp muốn nước láng giềng phía Bắc bỏ tên gọi Macedonia vì cho rằng tên gọi này hàm ý nhận chủ quyền đối với tỉnh cùng tên của Hy Lạp.
Tranh cãi liên quan vấn đề tên gọi này cũng là rào cản chính khiến Macedonia không thể đạt tiến triển trong việc trở thành thành viên của Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Đức coi thỏa thuận đổi tên nói trên là một chiến thắng ngoại giao, mở đường cho Macedonia gia nhập EU và NATO, qua đó giúp hạn chế phạm vi ảnh hưởng của Nga ở khu vực Balkan.
Theo kế hoạch, vào ngày 11/1, Thủ tướng Đức Angela Merkel sẽ có cuộc gặp với ông Kyriakos Mitsotakis, lãnh đạo đảng bảo thủ Dân chủ Mới, người đang dẫn đầu trong các cuộc thăm dò dư luận và luôn phản đối thỏa thuận đổi tên với Macedonia.
Bên cạnh đó, vấn đề bồi thường cho các nạn nhân của phátxít Đức trong Chiến tranh Thế giới thứ 2 nhiều khả năng cũng sẽ là một trong những chủ đề thảo luận trong chuyến thăm Hy Lạp lần này của Thủ tướng Đức Merkel.
Trước đó, Berlin đã bác bỏ yêu cầu này của Athens, tuy nhiên Tổng thống Hy Lạp Prokopis Pavlopoulos đã nêu ra vấn đề này trong chuyến thăm chính thức của Tổng thống Đức Frank- Walter Steinmeier tới Hy Lạp hồi tháng 10/2018./