Ngày 6/11, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern cho biết trong gần một năm qua, nước này đã thực hiện tốt vai trò nước chủ nhà Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) năm 2021 và sẵn sàng cho các sự kiện quan trọng nhất của diễn đàn bắt đầu vào tuần tới.
Theo phóng viên TTXVN tại châu Đại dương, đánh giá về kết quả các sự kiện và cuộc họp trong khuôn khổ APEC 2021 do New Zealand tổ chức từ cuối năm 2020 đến nay, Thủ tướng Ardern khẳng định các hoạt động này, cho dù phải tổ chức theo hình thức trực tuyến do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, đã đạt được những kết quả thiết thực và đem lại sự thay đổi lâu dài trong APEC.
Thủ tướng Ardern cho biết cuộc họp không chính thức của lãnh đạo 21 nền kinh tế thành viên APEC được tổ chức vào tháng Bảy vừa qua đã đạt được mục tiêu đề ra là giảm thuế quan và các rào cản thương mại đối với hàng hóa liên quan đến vaccine ngừa COVID-19. Các quốc gia cũng cam kết xem xét lại thuế quan đối với loại vaccine này. Cho đến nay đã có 17 nền kinh tế thành viên APEC giảm hoặc dỡ bỏ thuế quan đối với vaccine ngừa COVID-19.
[Hội nghị APEC 2021 hướng tới phục hồi bền vững và bao trùm]
Các kết quả quan trọng và có tính lâu dài khác mà New Zealand đã làm được trong vai trò Chủ tịch APEC năm 2021 bao gồm thúc đẩy nhận thức về vai trò của khí hậu, về tính bao trùm, đặc biệt trong bối cảnh phụ nữ và trẻ em gái phải chịu những tác động nặng nề của đại dịch COVID-19, và về vai trò của người bản địa trong các nền kinh tế APEC.
Nước chủ nhà APEC 2021 đã lên kế hoạch chuẩn bị chu đáo cho Tuần lễ Cấp cao APEC từ ngày 8-12/11 tới.
Cùng với Hội nghị giữa lãnh đạo các nền kinh tế thành viên APEC sẽ diễn ra sự kiện dành cho các đại biểu thanh niên, hội nghị của liên bộ trưởng ngoại giao-kinh tế APEC và hội nghị thượng đỉnh doanh nghiệp APEC.
Thủ tướng Đức Angela Merkel dự kiến sẽ tham dự cùng với Thủ tướng Ardern ngày thứ hai của hội nghị thượng đỉnh doanh nghiệp APEC để thảo luận về tình hình thế giới.
Tại Hội nghị giữa lãnh đạo các nền kinh tế thành viên APEC sẽ diễn ra vào ngày 12/11, các nhà lãnh đạo APEC, trong trang phục đặc trưng của nước chủ nhà theo truyền thống APEC, dự kiến sẽ thông qua tuyên bố chung và kế hoạch hiện thực hóa Tầm nhìn APEC đến năm 2040.
Được thành lập vào năm 1989, APEC hiện có 21 nền kinh tế thành viên bao gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Trung Quốc, Hong Kong (Trung Quốc), Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Mexico, New Zealand, Papua New Guinea, Peru, Philippines, Nga, Singapore, Đài Bắc-Trung Hoa, Thái Lan, Mỹ và Việt Nam./.
Nguyễn Minh (TTXVN/Vietnam+)