Diễn biến trên đã được Bộ trưởng Văn phòng Nội các Anh David Lidington thông báo lên Quốc hội sau các vòng đàm phán giữa bà May và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker tại thành phố Strasbourg (Pháp) vào ngày 11/3.
Ông Lidingtin cho biết, tại các vòng đàm phán này, các nhà lãnh đạo Anh và EU đã nhất trí về một cơ chế chung mang tính ràng buộc về mặt pháp lý nhằm thay thế kế hoạch gọi là “chốt chặn” - bảo đảm biên giới mở giữa một thành viên EU là CH Ireland với tỉnh Bắc Ireland của Anh bằng các thỏa thuận thay thế vào tháng 12/2020. Hiện vấn đề này đang được xem là một nút thắt then chốt trong bản dự thảo thỏa thuận Brexit và cũng là nguyên nhân khiến cho bà May phải đối mặt với sức ép mạnh mẽ từ phía các nhà làm luật Anh.
Hiện một số người theo chủ trương phản đối dự thảo thỏa thuận Brexit do mà May đưa ra đang cho rằng, phương án thiết lập một đường biên giới “chốt chặn” giữa CH Ireland và Bắc Ireland có nguy cơ sẽ đẩy Anh vào tình huống bị trói buộc vào liên minh hải quan của EU trong một khoảng thời gian vô hạn định, ngay sau khi điều khoản này được kích hoạt vào cuối năm 2020.
Thông tin về việc bà May đã nhận được bảo đảm từ EU về “các thay đổi mang tính ràng buộc pháp lý” đối với bản dự thảo Brexit được đưa ra chỉ vài giờ sau khi các nguồn tin chính phủ Anh xác nhận rằng các vòng đàm phán trước đó giữa Anh với EU về vấn đề này đã lâm vào thế bế tắc. Trong khi đó, bà May cũng đã không xuất hiện trước Quốc hội theo lời đề nghị khẩn cấp của lãnh đạo Công đảng đối lập Jeremy Corbyn nhằm trình bày về tiến triển trong đàm phán Brexit. Ông Corbyn hiện đang cáo buộc chính phủ của bà May đang có động thái “trì hoãn” vì cho rằng, hiện đã tới lúc cần đưa ra lời giải đáp.
Trước đó, bản dự thảo thỏa thuận Brexit của bà May cũng từng bị Quốc hội Anh bác bỏ trong phiên bỏ phiếu ngày 15/1/2019. Kể từ sau thời điểm trên, Thủ tướng Anh đã tỏ rõ quyết tâm cải thiện tình hình bằng việc cam kết sẽ cùng phối hợp với EU để tìm giải pháp cho vấn đề biên giới giữa CH Ireland và tỉnh Bắc Ireland.
Tuy nhiên, bất chấp những tiến triển đã đạt được, thì việc liệu bà May có nhận được sự ủng hộ từ Quốc hội đối với bản dự thảo thỏa thuận Brexit hay không vẫn còn là một ẩn số. Hiện một số nhà làm luật của Anh đã bày tỏ sự hoan nghênh kết quả trên và xem đây là một “bước tiến về phía trước”. Nhưng cũng có nhiều người tỏ ra thận trọng khi cho rằng, hiện bản dự thảo thỏa thuận về Brexit sẽ gồm những thay đổi gì vẫn là điều chưa được làm rõ.
Theo bà May thì hiện đã tới thời điểm để các nhà làm luật Anh cùng tỏ quan điểm ủng hộ trước một văn bản được bà gọi là “bản dự thảo thỏa thuận Brexit cải tiến” và hoàn tất lời hứa đưa ra trước người dân Anh. Trong khi đó, ông Juncker lại bày tỏ lập trường rõ ràng trước nữ Thủ tướng Anh rằng “đôi khi trong chính trị, bạn có thể có được một cơ hội thứ hai, song sẽ không có cơ hội lần thứ ba”.
Trong một tuyên bố mới đây, Thủ tướng Anh đã cảnh báo rằng, nếu như dự thảo thỏa thuận Brexit sửa đổi vẫn bị Hạ viện bác bỏ thì bà sẽ không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc hoàn tất thủ tục ly hôn với EU vào thời hạn 29/3 một cách “mất trật tự” – kịch bản vốn đã được cảnh báo là sẽ khiến nước Anh phải đối mặt với những hậu quả nghiêm trọng về kinh tế và chính trị./.
Thu Lan (Theo PressTV, NHK)