|
Chính sách đào tạo, thu hút, đãi ngộ nhân tài đã góp phần từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ y, bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh
|
Với chính sách đãi ngộ đặc biệt, Nghị quyết số 12 của HĐND tỉnh đã tạo ra bước đột phát trong thu hút, sử dụng nhân tài. Sau 3 năm thực hiện nghị quyết, các chính sách về đào tạo, bồi dưỡng, thu hút, đãi ngộ người tài đã phát huy hiệu quả tích cực. Về chính sách đào tạo, bồi dưỡng, có 109 cán bộ, công chức, viên chức được đào tạo sau đại học, nâng tổng số cán bộ, công chức, viên chức có trình độ trên đại học 1.034/19.239 cán bộ, công chức viên chức, tăng 501 người so với trước khi ban hành nghị quyết; cử 40 người đi đào tạo bác sĩ, dược sĩ chính quy để bổ sung đội ngũ bác sĩ, dược sĩ trên phạm vi toàn tỉnh.
Lĩnh vực đãi ngộ đối với cán bộ y tế cơ sở đang công tác theo nghị quyết được áp dụng đối với bác sĩ, dược sĩ có trình độ đại học trở lên đang công tác tại tuyến điều trị và dự phòng là 637 người, trong đó bác sĩ, dược sĩ đang công tác tại tuyến xã, phường, thị trấn là 138 người, 186 người thuộc tuyến huyện và 313 người thuộc tuyến tỉnh. Đặc biệt, chính sách thu hút, tạo nguồn nhân lực có chất lượng để thay thế khi có yêu cầu là một bước đột phá trong thu hút nhân tài.
Trong 3 năm, chính sách tạo nguồn đã tuyển được 83 người, trong đó có 37 công chức cấp tỉnh, huyện có trình độ thạc sĩ nước ngoài 1 người, thủ khoa đại học 2 người, đại học loại xuất sắc, giỏi 10 người; công chức cấp xã có 24 người tốt nghiệp đại học loại giỏi, xuất sắc. Đối với viên chức đã tuyển dụng 46 người, trong đó có 2 thạc sĩ, 2 đại học thủ khoa, đại học loại giỏi, xuất sắc 19 người và 23 bác sĩ, dược sĩ cử tuyển.
Đối với chính sách thu hút bằng hình thức tuyển thẳng 281 người, trong đó công chức 56 người, gồm thạc sĩ nước ngoài 15 người, thạc sĩ trong nước 18 người, đại học thủ khoa xếp loại giỏi 10 người, đại học xếp loại giỏi 13 người; viên chức 225 người, gồm 30 thạc sĩ trong nước, đại học thủ khoa xếp loại giỏi 3 người, đại học xếp loại giỏi 65 người và 127 bác sĩ. Ngoài ra, có 94 cán bộ, công chức nữ trong các cơ quan hành chính cũng được hưởng chế độ đãi ngộ. Các cán bộ, công chức, viên chức được nhận đãi ngộ theo nghị quyết được hỗ trợ kinh phí đào tạo, kinh phí trợ cấp, hỗ trợ kinh phí một lần. Tổng kinh phí thực hiện chính sách trong 3 năm là gần 32 tỷ đồng.
Bên cạnh việc bổ sung đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có chất lượng thì hiệu quả công việc được nâng lên rõ rệt. Theo kết quả thăm dò, có 91,9% đơn vị đánh giá chính sách hỗ trợ đào tạo sau đại học đã góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đặc biệt đối với những ngành, nghề, cơ cấu đội ngũ còn thiếu nhân lực có chất lượng. Chính sách đào tạo bác sĩ, dược sĩ đại học đã nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh ở các cơ sở y tế, đặc biệt ở các tuyến xã, huyện, đồng thời giảm tải cho bệnh viện tuyến tỉnh.
Lĩnh vực đãi ngộ đối với cán bộ y tế cơ sở đang công tác đã mang lại hiệu quả tích cực, góp phần cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống cho bác sĩ; động viên, khuyến khích các bác sĩ có trình độ chuyên môn về công tác tại tỉnh, đặc biệt tại tuyến xã, huyện, tuyến dự phòng yên tâm công tác, cống hiến lâu dài. Đặc biệt, chính sách thu hút mang lại kết quả rõ nét, đã thu hút được một lượng sinh viên giỏi, có phẩm chất đạo đức tốt, trình độ, kiến thức cao, tạo sự chuyển biến về chất lượng trong điều kiện hội nhập hiện nay.
Qua khảo sát 33 đơn vị, địa phương, có 91% ý kiến đồng ý cán bộ thu hút và tạo nguồn “có chiều sâu, tham mưu sát với vấn đề đặt ra và đúng thời gian quy định”; 79% ý kiến đồng ý “thực hiện chính sách thu hút đã góp phần nâng cao chất lượng, đội ngũ công chức, viên chức và hiệu quả hoạt động của cơ quan, đơn vị”; 85% ý kiến cho rằng chính sách này là cần thiết và yêu cầu tiếp tục thực hiện đến năm 2020 và những năm tiếp theo… Đây là một trong những yếu tố giúp chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh liên tục tăng trong thời gian qua. Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện nghị quyết trong thời gian gần đây gặp những vướng mắc nhất định.
Cụ thể trong chính sách thu hút bằng hình thức tuyển thẳng chưa phù hợp với quy định của Nghị định số 24/2010/NĐ-CP ngày 15/3/2010 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức, Thông tư 13/2010 của Bộ Nội vụ; một số đối tượng tuyển dụng đã được quy định trong Kết luận số 86-KL/TƯ ngày 24/1/2014 của Bộ Chính trị “về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ” và việc thực hiện hợp đồng công chức trong các cơ quan hành chính theo Quyết định số 1557/QĐ-TTg ngày 18/10/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức” nhưng chưa được thể chế hóa về mặt pháp luật.
Mức hỗ trợ trong thu hút chưa cao, chưa hấp dẫn, chính sách hỗ trợ chưa bao quát hết các đối tượng. Chính vì vậy, tại kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh khóa VII đã ban hành Nghị quyết số 09/2017/NQ-HĐND sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 12/2013/NQHĐND ngày 31/5/2013 của HĐND tỉnh về chính sách đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ, thu hút và tạo nguồn nhân lực có chất lượng của tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2013 - 2020.
Theo đó, nghị quyết mới tiếp tục quan tâm đến chính sách hỗ trợ đào tạo, thu hút, tạo nguồn đội ngũ cán bộ theo hướng chú trọng ngành nghề có tính ứng dụng cao, chất lượng đào tạo, mở rộng đối tượng, đặc biệt là nâng mức hỗ trợ nhằm khuyến khích, động viên, thu hút đội ngũ người tài tham gia vào các cơ quan, đơn vị nhà nước để nỗ lực cống hiến, xây dựng quê hương ngày càng phát triển.
Lê Minh
|