Mở đầu phiên họp, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) nêu vấn đề: Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải giải trình về cao tốc Trung Lương, Phó Thủ tướng Thường trực có cho rằng đó là sự yếu kém về chuyên môn không, sẽ kìm hãm sự phát triển của các dự án đầu tư ở vùng đó? Vậy làm thế nào để đẩy nhanh dự án này để người dân Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đỡ khó khăn.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) chất vấn Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình chiều 15/6.
Ảnh: ĐT
Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé, Phó Thủ tướng Thường trực cho biết, đối với hạ tầng Đồng bằng sông Cửu Long- là vùng trọng điểm về hàng hóa, nông sản của cả nước, mật độ vận tải cũng lớn nhất cả nước. Giai đoạn 2011 – 2015, Nhà nước đã đầu tư hạ tầng ở khu vực này khoảng 58.800 tỷ đồng, tương đương 11,5% tổng mức đầu tư cả nước; tuy nhiên hiện đang có 26 dự án dở dang với tổng vốn lên đến 90.000 tỷ đồng.
"Nhà nước có quan tâm nhưng chưa đáp ứng đủ nhu cầu để khu vực này trở thành vùng kinh tế năng động khiến đời sống người dân Đồng bằng sông Cửu Long còn khó khăn", Phó Thủ tướng Thường trực nói.
Phó Thủ tướng Thường trực cho biết, Chính phủ sẽ rà soát lại số dự án dở dang, riêng với dự án cao tốc Trung Lương – Cần Thơ, lãnh đạo Chính phủ thừa nhận có sự yếu kém trong công tác tham mưu, làm kìm hãm các dự án khác trong vùng. “Việc khó khăn là do thu xếp vốn của Bộ Giao thông vận tải, tới đây sẽ khắc phục, cụ thể như đẩy nhanh tiến độ thực hiện đoạn Mỹ Thuận – Cần Thơ”. Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải chủ trì thực hiện giải pháp, đẩy nhanh tiến độ, triển khai các giải pháp thu xếp đủ vốn để thực hiện công trình theo kế hoạch sớm đưa vào sử dụng có hiệu quả.
Đại biểu Nguyễn Văn Thể (Sóc Trăng) quan ngại "không biết dự án cao tốc Trung Lương - Cần Thơ bao giờ mới kết thúc?". Ông cho rằng, Trung Lương đến Cần Thơ có mật độ xe cao, ùn tắc lớn, đi từ Cần Thơ lên TP. Hồ Chí Minh có 150 km mà mất tới 3 giờ. Năm 2009 khởi công nhưng cách làm như hiện nay là giao cho doanh nghiệp thu xếp vốn. "Như vậy thì không biết khi nào mới xong. Trên 32 triệu dân mà chỉ 40 km đường cao tốc. Tôi đề nghị không làm cách này nữa, Chính phủ nên hỗ trợ một phần kinh phí và doanh nghiệp cùng làm", ông Thể nói.
Liên quan đến câu hỏi của Đại biểu Ngô Thị Minh (Quảng Ninh) về sự phối hợp của các ban chỉ đạo liên ngành với địa phương yếu kém, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình thừa nhận về thực trạng phối hợp kém hiệu quả này. Theo Phó Thủ tướng Thường trực, sắp tới Chính phủ sẽ chỉ đạo sẽ xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, hiện nay có nhiều ban chỉ đạo liên ngành mang tính hình thức, không có hiệu quả. Sắp tới, Chính phủ sẽ có dự án đổi mới bộ máy tổ chức, ban chỉ đạo nào yếu, không hiệu quả Chính phủ sẽ bỏ.
Xử nghiêm sai phạm ở 12 dự án "đắp chăn, đắp chiếu”
Đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) làm nóng hội trường khi nêu chất vấn, tại kỳ họp thứ 2 (cuối năm 2016), Chính phủ báo cáo 5 dự án do các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đầu tư chậm tiến độ, kém hiệu quả, được dư luận xã hội quan tâm. Vừa qua, Ban chỉ đạo của Chính phủ về xử lý một số dự án kém hiệu quả xác định 12 dự án gây lãng phí nhiều nghìn tỷ đồng, hiệu quả đầu tư kém.
"Xin Chính phủ cho biết, ngoài 12 dự án đã được xác định, có bao nhiêu dự án thuộc các Bộ, ngành trung ương quản lý rơi vào tình trạng tương tự như trên? Chính phủ có giải pháp gì?", đại biểu Trần Văn Tiến chất vấn Phó Thủ tướng.
Trả lời câu hỏi này, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình cho hay, Chính phủ đã công khai thông tin về 12 dự án yếu kém thuộc Bộ Công Thương. Các dự án đó sẽ được cơ cấu, sắp xếp lại theo hướng không để thất thoát ngân sách nhà nước và không dùng ngân sách để trả nợ; giải quyết theo cơ chế thị trường; xử lý nghiêm trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan.
Ngoài 12 dự án trên, Phó Thủ tướng Thường trựcTrương Hòa Bình xin phép Quốc hội trả lời "một cách ước lệ" là còn những dự án khác thua lỗ, kém hiệu quả, nhưng phải qua rà soát để xác định cụ thể. "Nếu phát hiện thêm dự án nào có vấn đề tương tự, Chính phủ cũng sẽ giải quyết như đối với 12 dự án đắp chăn, đắp chiếu đó”, ông nhấn mạnh.
Về cơ bản, theo Phó Thủ tướng Thường trực, giải pháp căn cơ là không để còn những dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả. Theo đó, trách nhiệm của các ngành, các cấp là chấp hành nghiêm các Nghị quyết của Chính phủ về sắp xếp lại các doanh nghiệp và tập đoàn kinh tế, cơ cấu lại các ngành nghề. Tăng cường thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng.
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình trả lời chất vấn trước Quốc hội. Ảnh: ĐT
Làm gì để bỏ "tư duy nhiệm kỳ"
Đề cập đến tư duy nhiệm kỳ, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) cho rằng, câu chuyện này đang tồn tại ở nhiều ngành, nhiều cấp dẫn tới cắt khúc trong quản lý, phân tán nguồn lực đầu tư... “Làm sao để hạn chế, tiến tới bỏ tư duy nhiệm kỳ trong các ngành, cấp” - đại biểu tỉnh Đồng Tháp chất vấn. Giải đáp câu hỏi này, Phó Thủ tướng Thường trực cho biết, nguyên tắc hoạt động và tinh thần chỉ đạo chung của Chính phủ là phân định rõ quyền hạn trách nhiệm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và giữa các bộ ngành, địa phương và phân cấp hợp lý của bộ ngành, địa phương. Đối với lĩnh vực quản lý nhà nước thì thực hiện phân công, chức năng, nhiệm vụ bảo đảm không chồng chéo, một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì để tránh chồng chéo.
"Về xóa bỏ tư duy nhiệm kỳ giữa các ngành các cấp, người cán bộ phải hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân, hành động theo lương tâm. Những trường hợp như đại biểu nêu đó là những cán bộ không xứng đáng với vị trí của mình", Phó Thủ tướng Thường trực nói.
Theo Phó Thủ tướng Thường trực, tư duy nhiệm kỳ rất tinh vi, có thể vì lợi ích nhóm, vì phiếu bầu; có thể cán bộ thấy hết nhiệm kỳ rồi thì không quyết tâm, nỗ lực trong công việc. Phó Thủ tướng Thường trực cho hay, Chính phủ sẽ tăng cường xây dựng thể chế, kiểm tra để kịp thời phát hiện sai phạm và xử lý nghiêm minh.
Thu hồi các quyết định bổ nhiệm người nhà sai quy định
Liên quan đến việc bổ nhiệm cán bộ mang nặng yếu tố người nhà “giọt máu đào hơn ao nước lã”, đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) chất vấn Phó Thủ tướng Thường trực với trách nhiệm của một Chính phủ kiến tạo, hành động vì dân, đề nghị có những giải pháp mạnh hơn, sát hơn để làm chìa khóa mở những từ khóa như “đúng quy trình, bổ nhiệm thần tốc, giải cứu” đang dần khép lại niềm tin của dân”.
Trả lời chất vấn xung quanh việc bổ nhiệm người nhà, người thân không đúng quy định, Phó Thủ tướng Thường trực nói vấn đề này đã gây phản ứng trong dư luận, Chính phủ giao Bộ Nội vụ tiến hành kiểm tra 11 địa phương, đã phát hiện một số sai phạm.
"Thủ tướng yêu cầu thu hồi các quyết định bổ nhiệm, tuyển dụng sai; kiểm điểm làm rõ trách nhiệm, xử lý cá nhân sai phạm", Phó Thủ tướng Thường trực nói và thông tin, trong năm 2017 Chính phủ đã giao các bộ ngành, địa phương thanh tra, kiểm tra tối thiểu 30% đơn vị trực thuộc trong việc thực hiện các quy định về công tác cán bộ.
Trước đó trong báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội đã nêu 9 địa phương (Hà Giang, Nghệ An, Thừa Thiên - Huế, Đắk Lắk, Bình Định, Cần Thơ, Bà Rịa - Vũng Tàu, Yên Bái, Đà Nẵng) có 58 trường hợp là người nhà; 10 trường hợp vi phạm về tiêu chuẩn, điều kiện, trình tự, thủ tục bổ nhiệm; hiện tiếp tục có phản ánh tại Hải Dương, Hải Phòng và đang được kiểm tra, làm rõ.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa có 8 phó giám đốc; Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Định có 6 Phó giám đốc. Sở Lao động và Thương binh Xã hội Hải Dương có 44 lãnh đạo trong tổng số 46 công chức; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thái Nguyên bổ nhiệm thừa 23 lãnh đạo.../.
Đỗ Thoa