Báo chí Iran đưa tin, trong khuôn khổ chuyến thăm Iran kéo dài tới ngày 14/6, Thủ tướng Abe sẽ hội đàm với Tổng thống nước chủ nhà Hassan Rouhani và gặp Lãnh đạo Cách mạng Hồi giáo Iran Ayatollah Seyyed Ali Khamenei vào ngày 13/6.
Chuyến thăm của ông Abe đánh dấu lần đầu tiên một vị Thủ tướng Nhật Bản tới thăm Iran trong vòng hơn 40 năm qua. Trọng tâm chuyến đi này của ông Abe sẽ là hàn gắn mối quan hệ căng thẳng giữa Iran và Mỹ - bùng phát từ tháng 5/2018, sau khi Tổng thống D.Trump đơn phương tuyên bố rút khỏi bản thỏa thuận hạt nhân lịch sử, áp đặt trở lại các biện pháp cấm vận chống Iran và đưa ra các lệnh trừng phạt nhằm vào bên thứ 3 hợp tác kinh doanh với Iran. Với vị trí là nước nhập khẩu dầu mỏ từ Iran, Nhật Bản cũng nằm trong bản danh sách chịu lệnh cấm vận của Mỹ.
Phát biểu với các phóng viên trước khi lên đường sang thủ đô Tehran, ông Abe nhấn mạnh, trong bối cảnh dư luận đang quan ngại về tình huống căng thẳng đang ngày càng trở nên nghiêm trọng ở khu vực Trung Đông và trước sự lưu tâm của cộng đồng thế giới về vấn đề này, Nhật Bản mong muốn nỗ lực tối đa để hướng tới mục tiêu vun đắp hòa bình, ổn định cho khu vực.
“Dựa trên các mối quan hệ hữu nghị truyền thống đã được thiết lập giữa Iran và Nhật Bản, tôi mong muốn được tham gia vào các cuộc trao đổi quan điểm thẳng thắn với Tổng thống Iran và Lãnh tụ tinh thần tối cao Ayatollah Khamenei nhằm xoa dịu các mối quan hệ căng thẳng” – ông Abe nói.
Hãng thông tấn Pháp AFP vừa dẫn lời một phát ngôn viên chính phủ Nhật Bản cho biết, ngày 11/6, ông Abe đã điện đàm với Tổng thống Mỹ D.Trump để thảo luận về vấn đề Iran. Tuy nhiên, một số quan chức khác của Nhật Bản cũng vừa lên tiếng bác bỏ những thông tin đồn đoán về khả năng Tokyo sẽ tìm kiếm vai trò làm “trung gian hòa giải” mối quan hệ giữa Washington và Tehran.
Một quan chức chính phủ Nhật Bản nhấn mạnh, Thủ tướng Abe sẽ không tới Tehran để hòa giải mối quan hệ giữa Mỹ và Iran, mà sẽ nhân cơ hội này để “hạ nhiệt các mối quan hệ căng thẳng”. Cũng theo quan chức này thì có thể nhân chuyến thăm Iran, ông Abe sẽ đề cập tới vấn đề trung gian hòa giải, song điều đó không nhất thiết có nghĩa rằng nhà lãnh đạo Nhật Bản sẽ truyền tải đi một thông điệp của Mỹ tới Iran và có thể đưa ra một “giải pháp nhanh chóng” để giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân Iran.
“Mục đích căn bản của chuyến thăm này là nhằm hạ nhiệt căng thẳng và tránh căng thẳng tiếp tục leo thang. Chúng tôi không có một kế hoạch bất ngờ nào…Thủ tướng sẽ không sang thăm Iran với tư cách là một nhà trung gian hòa giải hay một người truyền tải thông điệp. Nhật Bản không đứng về phía nào trong mối quan hệ này” – một quan chức cấp cao thuộc Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết.
Trong khi đó, cũng có ý kiến tỏ ra thận trọng rằng, chuyến thăm Iran của ông Abe sẽ mang nhiều ý nghĩa nếu như Iran đóng vai trò là bên làm gia tăng căng thẳng, bởi khi đó nhà lãnh đạo Nhật Bản sẽ có cơ hội để kêu gọi Tehran thay đổi lập trường. Tuy nhiên, vấn đề lại được nảy sinh từ phía Mỹ sau khi nước này rút khỏi bản thỏa thuận hạt nhân lịch sử vào năm 2018. Chính vì thế, sứ mệnh hàn gắn mối quan hệ Mỹ-Iran của Thủ tướng Nhật Bản có thể sẽ chỉ mang lại kết quả khiêm tốn bởi Nhật Bản sẽ khó có thể thuyết phục Mỹ quay trở lại bản thỏa thuận hạt nhân Iran cũng như nới lỏng các lệnh trừng phạt kinh tế chống lại nước Cộng hòa Hồi giáo này./.
Thu Lan (Theo PressTV, japantimes.co.jp)