Thông qua Kế hoạch hành động Quan hệ Đối tác kinh tế ASEAN-Nhật Bản 

ASEAN-Nhật Bản tái khẳng định cam kết phát triển một xã hội an toàn, thịnh vượng và tự do thông qua đồng sáng tạo kinh tế công bằng và cùng có lợi.
Thông qua Kế hoạch hành động Quan hệ Đối tác kinh tế ASEAN-Nhật Bản

Theo phóng viên TTXVN tại Indonesia, tại Hội nghị tham vấn Bộ trưởng Kinh tế ASEAN-Nhật Bản diễn ra ngày 22/8 tại Semarang, Indonesia, hai bên đã thông qua Thiết kế tương lai và Kế hoạch hành động của Quan hệ Đối tác Kinh tế Sáng tạo và Bền vững ASEAN-Nhật Bản giai đoạn 2023-2033 nhằm định hướng cho quan hệ kinh tế song phương.

Hai bên tái khẳng định cam kết phát triển một xã hội an toàn, thịnh vượng và tự do thông qua đồng sáng tạo kinh tế công bằng và cùng có lợi, dựa trên lòng tin đã được xây dựng qua 50 năm quan hệ hữu nghị và hợp tác ASEAN-Nhật Bản.

Trên tinh thần đó, hội nghị hoan nghênh Tầm nhìn đồng sáng tạo kinh tế ASEAN-Nhật Bản.

Hội nghị hoan nghênh việc triển khai các hoạt động trong Thiết kế tương lai và Kế hoạch hành động, bao gồm số hóa chuỗi cung ứng và thương mại, xây dựng mạng lưới các nhà lãnh đạo doanh nghiệp trẻ, tạo ra các dự án đồng sáng tạo kinh doanh nhằm giải quyết các thách thức xã hội.

Hai bên ghi nhận tầm quan trọng của việc thiết lập hợp tác sở hữu trí tuệ chất lượng cao thông qua khuôn khổ Hội nghị người đứng đầu các cơ quan sở hữu trí tuệ ASEAN-Nhật Bản và Kế hoạch công tác ASEAN-JPO hằng năm nhằm giải quyết các thách thức xã hội, tạo ra một nền kinh tế và xã hội bền vững bằng cách thúc đẩy đồng đổi mới sáng tạo.

[ASEAN, Nhật Bản bước vào kỷ nguyên mới về hợp tác phát triển bền vững]

Hai bên khẳng định sự cần thiết tăng cường hợp tác năng lượng nhằm theo đuổi các lộ trình thiết thực tùy thuộc vào hoàn cảnh của mỗi nước hướng tới trung hòa carbon, trong đó có nâng cao hiệu quả năng lượng, chuyển đổi năng lượng, điện khí hóa, khử carbon trong ngành điện và giao thông vận tải, năng lượng tái tạo, thu hồi và lưu trữ carbon, tài chính bền vững…

Hội nghị hoan nghênh các nỗ lực của Ủy ban Hợp tác Kinh tế và Công nghiệp AEM-METI (AMEICC), bao gồm phát triển công nghiệp, thúc đẩy các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME), hợp tác trong ngành công nghiệp hóa chất và ôtô, củng cố chuỗi cung ứng và các sáng kiến thí điểm khai thác các giải pháp kỹ thuật số.

Hội nghị hoan nghênh sự đóng góp của Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) vào việc thành lập Trung tâm Đổi mới Kỹ thuật Số và Kinh tế bền vững ERIA (E-DISC) nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo và đối thoại giữa các doanh nghiệp, cơ quan chính phủ và viện nghiên cứu trong khu vực ASEAN.

Hội nghị tái khẳng định cam kết hỗ trợ vai trò trung tâm của ASEAN trong các cấu trúc khu vực đang được hình thành như được nêu trong Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (AOIP), đồng thời hoan nghênh sự ủng hộ và hợp tác của Nhật Bản với ASEAN thông qua AOIP nhằm thúc đẩy sự tin cậy và tôn trọng lẫn nhau, lợi ích chung và hợp tác cùng có lợi, cũng như góp phần thúc đẩy hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực.

Theo thống kê sơ bộ của ASEAN, năm 2022, tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa ASEAN và Nhật Bản đã đạt 268 tỷ USD, tăng 11,2% so với năm 2021, trong khi vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ Nhật Bản vào ASEAN tăng 27,7% lên mức 27 tỷ USD, qua đó đưa Nhật Bản trở thành đối tác thương mại lớn thứ tư và là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ hai của ASEAN./.

Hữu Chiến (TTXVN/Vietnam+)

 

466 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 767
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 767
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87003510