Thống đốc ngân hàng trung ương Pháp kêu gọi cắt giảm nợ công 

Lạm phát của Pháp trong tháng Sáu vừa qua đã tăng lên mức cao nhất kể từ năm 1991, trong bối cảnh giá lương thực và năng lượng tăng vọt kể từ khi xảy ra cuộc xung đột tại Ukraine.
Thống đốc ngân hàng trung ương Pháp kêu gọi cắt giảm nợ công

Pháp không thể một mình gánh chịu hậu quả kinh tế từ cuộc khủng hoảng Ukraine. Thống đốc Ngân hàng trung ương Pháp ngày 7/7 đã đưa ra phát biểu trên trong bối cảnh chính phủ nước này chuẩn bị trình lên Quốc hội gói biện pháp mới nhằm kiềm chế lạm phát.

Trong thư gửi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thống đốc Francois Villeroy de Galhau cho biết các hộ gia đình sẽ phải đối mặt với sức mua sụt giảm tạm thời và các công ty sẽ phải chịu tỷ suất lợi nhuận thấp hơn do nhà nước không thể áp dụng cách tiếp cận "bất cứ giá nào," vốn được áp dụng để hỗ trợ nền kinh tế trong thời kỳ tồi tệ nhất của đại dịch COVID-19.

Theo ông Galhau, các vấn đề kinh tế của Pháp không còn có thể được giải quyết bằng việc tăng thêm gánh nặng nợ, ông lưu ý rằng Ngân hàng trung ương châu Âu đã sớm có ý định tăng lãi suất.

[Bộ trưởng Kinh tế Pháp cảnh báo nguy cơ lặp lại cú sốc dầu mỏ 1973]

Kêu gọi một kế hoạch giảm nợ "đáng tin cậy và đầy tham vọng," ông Galhau nói thêm rằng uy tín chính trị của Pháp với các đối tác thuộc Liên minh châu Âu (EU) và các nhà đầu tư cũng đang bị đe dọa.

Lạm phát của Pháp trong tháng Sáu vừa qua đã tăng lên mức cao nhất kể từ năm 1991, trong bối cảnh giá lương thực và năng lượng tăng vọt kể từ khi xảy ra cuộc xung đột tại Ukraine.

Theo dữ liệu sơ bộ của cơ quan thống kê Insee công bố ngày 30/6, giá tiêu dùng trong tháng Sáu tại Pháp tăng 5,8% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó giá năng lượng tăng 33,1% và giá lương thực tăng 5,7%.

Nhà phân tích Charlotte de Montpellier thuộc ngân hàng ING cho rằng những số liệu này là một trong những dấu hiệu đầu tiên cho thấy lạm phát sắp đạt đỉnh tại Pháp.

Dự kiến trong ngày 8/7, chính phủ của Tổng thống Emmanuel Macron sẽ trình bày một gói biện pháp mới nhằm kiềm chế lạm phát, từ tăng lương cho công chức đến mở rộng khoản giảm giá nhiên liệu do nhà nước tài trợ tại các trạm xăng.

Lạm phát gia tăng kể từ khi xảy ra cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine hồi cuối tháng Hai năm nay khiến các chuỗi cung ứng bị gián đoạn trên toàn cầu, theo đó giá các mặt hàng như năng lượng, ngũ cốc, phân bón tăng cao./.

Phương Oanh (TTXVN/Vietnam+)

 

158 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1375
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1375
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87165186