Sáng 2/3 (giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ Joe Biden đã trình bày Thông điệp liên bang chính thức đầu tiên với tư cách là chủ nhân thứ 46 của Nhà Trắng, trước sự chứng kiến của nhiều nhân vật cao cấp trong chính quyền và Quốc hội lưỡng viện.
Đây là sự kiện chính trị quan trọng, thu hút sự quan tâm không chỉ của người dân Mỹ mà còn nhiều nước trên thế giới, trong bối cảnh nước Mỹ đang phải đối mặt với một loạt khó khăn và thách thức để giải quyết các vấn đề đối nội cũng như đối ngoại, trong đó không thể không nhắc tới căng thẳng leo thang hiện nay giữa Nga và Ukraine.
Sự kiện này cũng là cơ hội để Tổng thống Biden đưa ra các giải pháp và tầm nhìn, phương hướng cho chương trình nghị sự trong những năm tiếp theo của nhiệm kỳ này.
Thông điệp liên bang 2022 của Tổng thống Biden tập trung vào các vấn đề trong nước với 4 trọng tâm của chính phủ Mỹ trong năm nay gồm đẩy lùi đại dịch COVID-19, phục hồi kinh tế, phát triển giáo dục, nâng cao dịch vụ y tế.
Về đối phó với đại dịch COVID-19, Tổng thống Biden cho biết chính quyền sẽ khởi động một sáng kiến mới mang tên "Xét nghiệm để điều trị," theo đó cho phép người dân Mỹ nhận thuốc điều trị miễn phí sau khi có xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2. Mỹ đã đặt mua thêm thuốc kháng virus và hãng Pfizer sẽ cung cấp cho Mỹ 1 triệu viên thuốc điều trị trong tháng 3 này và sẽ tăng gấp đôi vào tháng 4.
Tổng thống Biden ghi nhận tiến bộ mà nước Mỹ đã đạt được trong cuộc chiến chống dịch COVID-19, song kêu gọi người Mỹ nên chuẩn bị sẵn sàng trước nguy cơ xuất hiện những biến thể mới của virus SARS-CoV-2. Ông cũng cho biết Mỹ có thể nghiên cứu và sản xuất các loại vaccine mới trong vòng 100 ngày thay vì vài tháng hay nhiều năm.
Về khôi phục kinh tế trong giai đoạn hậu COVID-19, Tổng thống Biden nhấn mạnh chính quyền đặt mục tiêu ngăn chặn lạm phát bằng cách hạ giá thành sản xuất hàng hóa, qua đó thúc đẩy sản xuất. Việc giảm chi phí cũng có nghĩa là sản xuất nhiều ôtô và chất bán dẫn hơn tại Mỹ, cũng như phát triển cơ sở hạ tầng giúp hàng hóa được vận chuyển nhanh hơn và rẻ hơn. Ông kêu gọi "sản xuất tại Mỹ" thay vì phụ thuộc vào chuỗi cung ứng nước ngoài.
[Những nội dung chính trong Thông điệp liên bang của Tổng thống Biden]
Tổng thống Biden nhắc đến dự án của tập đoàn Intel xây dựng nhà máy sản xuất chip bán dẫn trị giá 20 tỷ USD và tạo ra 10.000 việc làm. Không chỉ Intel mà nhiều tập đoàn khác cũng đang nỗ lực đầu tư lớn vào công nghệ sản xuất ôtô điện (EV).
Theo ông Biden, đây là những nỗ lực tuyệt vời của doanh nghiệp Mỹ trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đặt ra không ít thách thức, ngay cả việc duy trì đủ nhân công cũng là một khó khăn không nhỏ.
Tổng thống Biden cũng cho rằng hệ thống thuế hiện tại của Mỹ "không công bằng" và chính sách của chính quyền hiện nay sẽ không tăng thuế đối với những người có thu nhập dưới 400.000 USD/năm. Ông cũng đề cao mức tăng trưởng việc làm kỷ lục trong năm qua: “Nền kinh tế của chúng ta đã tạo ra hơn 6,5 triệu việc làm mới chỉ trong năm ngoái, nhiều hơn bao giờ hết trong lịch sử nước Mỹ."
Người dân Mỹ mua sắm tại siêu thị. (Ảnh: THX/TTXVN)
Về Kế hoạch giải cứu nước Mỹ được thông qua một năm trước, Tổng thống Biden cho rằng không giống như việc cắt giảm thuế 2.000 tỷ USD được thông qua bởi chính quyền tiền nhiệm mang lại lợi ích cho 1% những người Mỹ giàu có, Kế hoạch Giải cứu nước Mỹ đã hỗ trợ hiệu quả những người đang làm việc và không bỏ lại ai phía sau.
Tổng thống Biden chỉ trích chính sách kinh tế "nhỏ giọt" (“trickle-down”) dẫn đến tăng trưởng kinh tế yếu hơn, lương thấp hơn, thâm hụt lớn hơn và gia tăng khoảng cách giữa những người ở đẳng cấp cao nhất và những người khác trong gần một thế kỷ.
Theo ông, đó là lý do việc thông qua Luật Cơ sở hạ tầng của lưỡng đảng là rất quan trọng. Ông đồng thời ghi nhận sự ủng hộ của các thành viên Đảng Cộng hòa trong việc thúc đẩy đầu tư và xây dựng lại nước Mỹ với khoản đầu tư lớn nhất trong lịch sử.
Dự kiến, trong năm nay, chính phủ sẽ bắt đầu sửa chữa, nâng cấp hơn 100.000km đường cao tốc và 1.500 cây cầu. Bên cạnh đó, tập trung phát triển nền kinh tế xanh để đảm bảo một môi trường bền vững hơn, góp phần chống biến đổi khí hậu.
Tổng thống Biden nhấn mạnh kế hoạch trên sẽ biến đổi nước Mỹ và đưa quốc gia này vượt lên trong cuộc cạnh tranh kinh tế.
Về vấn đề chăm sóc trẻ em, Tổng thống Biden cho biết nhiều người dân sinh sống tại các thành phố lớn ở Mỹ có thể phải trả tới 14.000 USD mỗi năm cho chi phí trông giữ trẻ em và mức này không nên vượt quá 7% thu nhập. Ông nhấn mạnh chủ trương giảm một nửa chi phí chăm sóc trẻ em cho hầu hết các gia đình, qua đó hỗ trợ các bậc cha mẹ, gồm hàng triệu phụ nữ đã phải rời bỏ lực lượng lao động trong thời kỳ đại dịch COVID-19 hoành hành ở nước Mỹ.
Về an ninh nội địa, Chính phủ Mỹ đang nỗ lực giảm tỷ lệ tội phạm thông qua việc đầu tư lắp đặt các hệ thống camera giám sát tại các nơi công cộng và tòa nhà, trong khi giảm số lượng nhân viên cảnh sát hiện diện tại những nơi công cộng. Ngành tòa án đang có những nỗ lực hoàn thiện hơn hệ thống pháp lý nhằm trấn áp các loại tội phạm.
Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov (thứ 2 trái) tham dự vòng đàm phán tại Gomel, Belarus, ngày 28/2. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Liên quan cuộc xung đột Nga-Ukraine, Tổng thống Biden nhắc lại rằng Mỹ sẽ không triển khai quân đội đến Ukraine, đồng thời nhấn mạnh quân đội Mỹ được triển khai đến châu Âu không phải để chiến đấu ở Ukraine, mà để bảo vệ các đồng minh của Mỹ trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Tổng thống Biden đã thông báo lệnh cấm máy bay Nga vào không phận Mỹ.
Đây là quyết định mới nhất trong một loạt biện pháp trừng phạt mà Mỹ đã áp đặt với Nga kể từ khi Tổng thống Vladimir Putin phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại miền Đông Ukraine. Tổng thống Biden cũng thông báo kế hoạch hỗ trợ trực tiếp hơn 1 tỷ USD cho Ukraine, bao gồm cả hỗ trợ về quân sự, kinh tế và nhân đạo.
Nhằm bình ổn thị trường năng lượng toàn cầu, Tổng thống Biden cũng thông báo Washington sẽ xuất ra 30 triệu thùng dầu từ Kho Dự trữ dầu mỏ chiến lược (SPR) và đang trao đổi với các nước khác để xuất thêm 30 triệu thùng nữa.
Theo truyền thống, các thông điệp liên bang đều tập trung nhiều hơn vào vấn đề trong nước. Tuy nhiên, Thông điệp liên bang lần này của Tổng thống Biden đề cập khá nhiều về chính sách đối ngoại, trong đó tập trung vào vấn đề căng thẳng Nga-Ukraine do người dân Mỹ quan ngại khả năng Washington tham gia vào cuộc xung đột tại nước ngoài cũng như lo ngại nền kinh tế Mỹ phải đối mặt với những tác động do giá khí đốt tăng trên thị trường thế giới.
Hãng tin CNN đã tiến hành một cuộc thăm dò về phản ứng của người dân đối với Thông điệp liên bang chính thức đầu tiên của Tổng thống Biden, trong đó hơn 41% số người được hỏi có phản ứng rất tích cực, 29% phản ứng tích cực và khoảng 29% có phản ứng tiêu cực.
Với những nội dung được trình bày trong Thông điệp liên bang, dư luận nhìn chung cho rằng Tổng thống Biden đã nhận thức rõ sự quan tâm của cử tri đối với các vấn đề trong nước. Ngoài những vấn đề đã và đang phải giải quyết cả về đối nội và đối ngoại, Tổng thống Biden còn phải đối mặt với thách thức lớn trong năm nay là cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào tháng 11 tới./.
Kiều Trang (TTXVN/Vietnam+)