Nếu nhìn từ bên ngoài, cơ sở mộc mỹ nghệ của Hải chẳng khác bao ngôi nhà ở miền Tây Gio Linh nhiều cây xanh và lắm củi, gỗ…Nhưng càng đi sâu vào thế giới gỗ lũa của ông chủ trẻ này mới thấy được sức sáng tạo dồi dào cũng như tiềm năng để phát triển nghề thủ công mỹ nghệ. Hải không hề giấu diếm mà tự bạch rằng: “Anh thấy đó, không gian làm việc của bọn em gần gũi, chan hòa với thiên nhiên cây cỏ, nhà không cần cửa, xưởng sản xuất không cần che chắn mà dựa vào bóng mát của tán cây, người thợ được tự do sáng tạo trong một không gian mở, không o ép, khuôn mẫu. Nhờ đó cơ sở của em mới có những sản phẩm gỗ mỹ nghệ độc đáo”. Bằng triết lý sống giản dị của mình, sau gần 15 năm gắn bó với gỗ lũa, trải qua không ít thăng trầm để rồi từ bàn tay tài hoa, khối óc sáng tạo, Hải đã biến những gốc cây thải bị cháy đen, phân hủy, vùi dập trong bùn đất lâu năm thành những sản phẩm nội thất gỗ lũa có giá trị nghệ thuật vô cùng độc đáo, tràn trề sức sống, được nhiều người yêu thích gỗ lũa trong cả nước thán phục và tìm đến đặt hàng.
Khi đứng trước những giá trị tinh thần tạo dựng bằng sự chắt chiu của ngày tháng cơ cực đôi khi phải đổi bằng mồ hôi, nước mắt nên Hải khó lòng quên đi buổi đầu dấn thân vào nghề gỗ lũa. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, Hải đành gác lại việc học hành nhưng đứng trước bao ngã rẽ cuộc đời, chàng thanh niên trẻ cần cù ham học hỏi như Hải có rất ít sự lựa chọn. Để kiếm tiền tự nuôi sống bản thân và gia đình anh tự mày mò làm nghề đúc chậu hoa, trồng cây cảnh. Nhưng nghề này có lẽ không phù hợp với vùng đất khắc nghiệt Tây Gio Linh. Những tháng ngày luồn rừng, lội suối để săn tìm cây cảnh, anh bắt gặp rất nhiều gốc cây rừng bị chặt hạ lâu ngày có hình dáng và kích thước đa dạng. Anh bắt đầu để ý đến gốc cây rừng và mày mò tạo tác gốc cây theo sở thích của mình. Từ đó anh cứ say mê với gỗ lũa, dần dà trở thành người chuyên đi làm gỗ lũa cho những gia đình có nhu cầu. Ban ngày anh đi làm thuê, đêm về ngồi chùi mài từng khúc gỗ đã lựa chọn.
Nhưng cũng phải kể đến cơ duyên của anh đối với miền đất Tây Gio Linh bởi chỉ ở vùng đất Vĩnh Trường, Linh Thượng, Hải Thái (Gio Linh) có loại gỗ trai có chất dầu tốt càng chùi càng bóng, màu vàng ánh và lũa của gỗ trai không giống bất kỳ loại gỗ lũa nào vì có hoa văn và hình nét đặc biệt. Vì thế anh suốt ngày lặn lội vào rừng từ sáng đến tối đào các gốc trai người ta vứt bỏ lại đem về mài chùi tạo thế cho gỗ, hình thành nên các sản phẩm mang tính nghệ thuật. Suốt gần chục năm ròng, Hải cần mẫn tạo ra các khối gỗ lũa làm đồ dùng, nội thất, hay các khối hình trừu tượng. Đến lúc công việc ổn định, dành dụm được ít vốn anh quyết định tự mở cơ sở mộc mỹ nghệ, chế tác gỗ lũa. Trong thời gian đầu gặp không ít khó khăn như tìm nguồn nguyên liệu, thị trường đầu ra và nhân công có tay nghề…
Nhưng với sự cần cù chịu khó học hỏi sáng tạo mỗi năm anh chế tác hàng chục bộ bàn ghế, có những bộ giá trị lên đến hàng trăm triệu đồng. Cùng với chế tác đồ nội thất anh còn làm các sản phẩm dân dụng như mâm, bình hoa, gương từ gỗ lũa… được nhiều người yêu chuộng tìm mua và đặt hàng. Nhưng với anh gỗ lũa là niềm đam mê chứ không hẳn là một nghề để kiếm sống đơn thuần. Theo anh mỗi sản phẩm gỗ lũa hình thành được người thợ đặt vào đó nhiều tình cảm kỳ vọng như những đứa con tinh thần của mình nên dù mình làm gỗ lũa để mưu sinh nhưng rất cần những ai đón nhận sản phẩm ấy một cách trân trọng, đồng cảm. Bởi gỗ lũa mang tính nghệ thuật đòi hỏi sự sáng tạo của người làm và người thưởng thức nó, truyền vào đó sức sống mãnh liệt của thế giới tự nhiên. Để có được một sản phẩm lũa mang tính nghệ thuật cao, trước tiên phải có nguyên liệu.
Nhờ vào khí hậu khắc nghiệt của Quảng Trị đã kiến tạo cho thân gỗ những hoa văn tự nhiên mà ở các nơi khác không có, đặc biệt là gỗ trai. Đầu tiên khi tiếp xúc với gốc cây, người thợ cần phải có sự đánh giá tổng quát về kích thước, dáng, thế của gốc cây, từ đó định hình ra tác phẩm gỗ lũa mình cần phải chế tác. Đối với gốc trai hay mít thì sản phẩm đầu tiên phải nghĩ tới đó là bàn ghế. Nhưng điều khác biệt của bàn ghế gỗ lũa là nguyên bản tự nhiên, do đó người chế tác phải bảo tồn những hình dáng nguyên thủy của nó, sau đó là phần việc đẽo, gọt để tạo ra chức năng sử dụng. Một tác phẩm gỗ lũa không chỉ đơn thuần là một gốc cây vô tri, thô mộc mà là một tác phẩm nghệ thuật đầy sáng tạo, tiếp thêm sức sống cho cây cối tự nhiên. Suốt buổi chuyện trò với Hải tôi chỉ nghe anh tự sự về “đời cây”. Hải tâm sự: “Nếu một gốc cây bị vùi lấp dưới bùn hay bị đốt cháy thì thật là hoang phí nhưng khi đến tay tôi thì sẽ trở thành một tác phẩm nghệ thuật hoàn hảo”.
Nhìn những vân gỗ, hoa văn sóng sánh trên thân gỗ tôi mới thấy hết những giá trị còn lại của gốc cây rừng sau khi bị chặt hạ, vứt bỏ hàng chục năm hay nằm lăn lóc ở một góc rừng, bờ suối nào đó nên mới thấm thía triết lý “Toàn bộ thế giới của lũa bắt đầu từ sau khi đời cây kết thúc”. Nghe Hải nói về gỗ lũa một cách say sưa với niềm đam mê kỳ lạ, tôi càng ấn tượng, trân quý và hiểu hơn về gỗ lũa. Dưới bàn tay tài hoa, khối óc sáng tạo, đôi mắt tinh tường, anh đã tạo ra những sản phẩm nghệ thuật tuyệt tác ví như hình ảnh một thiếu nữ bồng con chờ chồng, bầy chim làm tổ, là long, quy, phụng và nhiều vật dụng sinh hoạt thường nhật khác như bình hoa, lẵng hoa, khay trà…
Lũa là hồn cốt của cây gỗ, qua gốc cây cho biết giá trị năm tuổi, lũa trải qua thời gian chịu được nắng lửa mưa dầm để kiến tạo những nét gỗ riêng biệt. Vậy nên hành trình của một tác phẩm lũa đầy gian nan, có nắng mưa, giông bão…đó là những thử thách khắc nghiệt theo thời gian chìm vào từng thớ gỗ, làm dậy lên những đợt sóng trong tâm hồn người xem. Để rồi với ai yêu lũa bắt gặp gỗ lũa với hình thế đẹp đều mang lại niềm vui, cảm nhận được sự sống tươi mới hơn. Tuy nhiên, một tác phẩm lũa phải được đứng trong một không gian thích hợp. Nhiều tác phẩm lũa trông trơ trọi, lạc lõng và thiếu sinh khí nhưng khi đặt vào đúng không gian của nó, sẽ bất ngờ có được những ấn tượng hoàn toàn mới mẻ. Ngày nay nguồn tài nguyên gỗ đang dần cạn kiệt, đặc biệt gỗ là nguyên liệu có quá trình tái tạo không phải ngắn nên việc sử dụng những sản phẩm bị thải loại của gỗ thành các sản phẩm nội thất có ý nghĩa và giá trị kinh tế cao cho cuộc sống là điều cần phát huy. Bởi gỗ lũa là sản phẩm của thời gian nó kết tinh từ đất, đá, nước, lửa và gió mà anh Hải lỡ đam mê và ấp ủ trong mình nhiều khát khao sáng tạo.
Hiện nay cơ sở chế tác gỗ lũa của anh có 5 người làm công với thu nhập bình quân mỗi tháng 4 triệu đồng. Điều quan trọng là gỗ lũa giúp anh có niềm vui sống và cơ hội thực hiện niềm đam mê sáng tạo của mình. Nhưng để cơ sở chế tác gỗ lũa của Hải được phát triển có quy mô hơn nữa rất cần sự quan tâm giúp đỡ của các cấp, ngành liên quan trong việc hỗ trợ tư vấn về cơ chế khuyến công, tổ chức và giới thiệu sản phẩm, mở rộng thị trường. Tại Hội chợ- Triển lãm “Đồng hành cùng người dân và doanh nghiệp trong sản xuất, tiêu thụ hàng hóa” được tổ chức tại huyện Cam Lộ trong tháng 3/2017, gian hàng của cơ sở mộc mỹ nghệ Hải Liên đã thu hút đông đảo khách tham quan và được Ban Tổ chức hội chợ đánh giá là gian hàng ấn tượng. Đây chính là cơ hội để sản phẩm gỗ lũa của Hải vượt ra khỏi không gian quen thuộc ở miền Tây Gio Linh tiếp cận với thị trường rộng lớn hơn.
Lạc vào không gian gỗ lũa và những câu chuyện của anh qua đó hiểu hơn những triết lý nhân sinh giúp con người nhận thức về thiên nhiên. Có những thứ tưởng chừng như đơn điệu, vô nghĩa nhưng nếu biết trân trọng đặt nó đúng vị trí tồn tại thì sẽ phát huy những công năng vượt ra ngoài suy nghĩ của mình. Mong muốn lớn nhất của Hải lúc này không phải bán được nhiều sản phẩm mà là ngày càng có nhiều người biết đến những giá trị vĩnh hằng của gỗ lũa, biết chiêm nghiệm và thưởng thức những tác phẩm nghệ thuật có sức sống bền bỉ qua thời gian và truyền tải những thông điệp về thiên nhiên, từ đó giúp con người không thờ ơ trước cuộc sống. Bởi nếu có một đôi mắt tinh tường và một trái tim nhạy cảm thì trên thế gian này không có cái gì là bỏ đi, không có giá trị. Và nghệ thuật gỗ lũa chính hiện thân của triết lý ấy mà Hải đang ấp ủ và miệt mài sáng tạo.
Hồ Nguyên Kha