Thổ Nhĩ Kỳ nêu điều kiện mở đường cho thỏa thuận ngừng bắn ở Libya 

Mặc dù Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đã nhất trí tiếp tục thúc đẩy lệnh ngừng bắn ở Libya, nhưng Ankara cho rằng, Tướng Khalifa Haftar - người đứng đầu lực lượng Quân đội Quốc gia Libya (LNA) tự xưng - là nhà lãnh đạo không hợp pháp, và LNA phải rút khỏi các vị trí chủ chốt để mở đường cho một thỏa thuận đáng tin cậy.
Thổ Nhĩ Kỳ nêu điều kiện mở đường cho thỏa thuận ngừng bắn ở Libya

Cố vấn an ninh hàng đầu của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan, ông Ibrahim Kalin nêu rõ bất cứ thỏa thuận nào đều phải dựa trên việc các bên quay trở lại các vị trí năm 2015 ở Libya. Cụ thể, LNA phải rút khỏi thành phố Sirte bên bờ Địa Trung Hải - cửa ngõ dẫn đến các mỏ dầu phía Đông của Libya, cũng như rút khỏi Jufra - một căn cứ không quân gần trung tâm của quốc gia Bắc Phi này. Ông Kalin nói: “Chúng tôi vừa đạt được thỏa thuận với Nga nhằm tìm kiếm một lệnh ngừng bắn đáng tin cậy và lâu dài ở Libya… Để lệnh ngừng bắn được tồn tại lâu dài, các lực lượng của ông Haftar phải rút khỏi Jufra và Sirte”.

Cũng theo ông Kalin, bất kỳ hoạt động triển khai quân đội nào của Ai Cập đến Libya đều sẽ cản trở những nỗ lực chấm dứt giao tranh và tiềm ẩn rủi ro cho chính nước này.  Quan chức Thổ Nhĩ Kỳ nhấn mạnh: “Tôi cho rằng đó sẽ là một động thái phiêu lưu quân sự nguy hiểm đối với Ai Cập”.

Cảnh báo của quan chức Thổ Nhĩ Kỳ được đưa ra sau khi Quốc hội Ai Cập “bật đèn xanh” cho Tổng thống El-Sisi triển khai binh sĩ ở bên ngoài lãnh thổ nhằm bảo vệ an ninh quốc gia, được cho là nhắm đến nước láng giềng Libya trong bối cảnh Thổ Nhĩ Kỳ tăng cường can dự vào tình hình tại đây. Với sự hậu thuẫn của Ankara, GNA đang mở rộng phạm vi kiểm soát tại Libya, đặc biệt là các cuộc tấn công nhằm giành quyền kiểm soát thành phố biển Sirte, bước đi mà Ai Cập cho là một mối đe dọa lớn đối với an ninh quốc gia. Thành phố này và căn cứ quân sự Jufra hiện đang nằm dưới sự kiểm soát của LNA.

Cùng ngày, Hội đồng An ninh quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ (MGK) đã tái khẳng định quyết tâm ủng hộ Chính phủ Đoàn kết Dân tộc Libya (GNA) ở Tripoli chống lại LNA đối địch. Trong tuyên bố được đưa ra sau hội nghị do Tổng thống Erdogan chủ trì, MGK cam kết “sát cánh với nhân dân Libya, chống lại mọi hành động bạo ngược", và Thổ Nhĩ Kỳ “sẽ không do dự triển khai những bước đi cần thiết”. MGK cũng đề cập đến sự can dự của các bên thứ 3 ở Libya, đồng thời cảnh báo mọi âm mưu của bên thứ 3 sẽ thất bại.

Trong một diễn biến khác cùng ngày, Ngoại trưởng Algeria và Nga cũng lên tiếng kêu gọi chấm dứt chiến sự ở Libya, và hối thúc các bên đối  địch quay trở lại bàn đàm phán. Nga cùng với Ai Cập và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) là bên ủng hộ LNA của Tướng Haftar.

Phát biểu tại buổi họp báo chung với người đồng cấp Nga Sergei Lavrov ở thủ đô Moskva, Ngoại trưởng Sabri Boukadoum nhấn mạnh: “Xe tăng và đại bác không thể là giải pháp dành cho cuộc khủng hoảng Libya, mà phải thông qua đối thoại và quay trở lại bàn đàm phán”. Theo ông, một giải pháp hòa bình là điều cần thiết để giải quyết cuộc xung đột ở Libya, và khẳng định Algeria “vẫn giữ vai trò trung lập với tất cả các bên ở Libya”. Bên cạnh đó, Algiers đang làm mọi cách để loại bỏ bất kỳ nguyên nhân nào dẫn đến leo thang quân sự. Về phần mình, Ngoại trưởng Nga đã kêu gọi “ngừng bắn ngay lập tức và đình chỉ mọi hoạt động giao tranh ở Libya” để khởi động một cuộc đối thoại chính trị toàn quốc nhằm chấm dứt khủng hoảng./.

 
Bích Liên - Tấn Đạt/TTXVN
158 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1207
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1207
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87133764