Ngày 16/5, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan khẳng định nước này phản đối Phần Lan và Thụy Điển gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), một lần nữa cáo buộc hai nước Bắc Âu không thể đưa ra lập trường rõ ràng về việc chống khủng bố.
Phát biểu họp báo, Tổng thống Erdogan nêu rõ: "Chúng tôi sẽ không 'đồng ý' để (những nước) áp đặt trừng phạt với Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập tổ chức an ninh chung NATO."
Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ cho biết các phái đoàn của Thụy Điển và Phần Lan không cần tới Ankara để thuyết phục nước này chấp thuận nỗ lực gia nhập NATO.
[Thụy Điển, Phần Lan tìm cách giải quyết những quan ngại của Thổ Nhĩ Kỳ]
Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng Thụy Điển và Phần Lan "chứa chấp" những người mà Ankara cho rằng có liên quan tới các tổ chức mà nước này và Liên minh châu Âu (EU) liệt vào danh sách khủng bố, như đảng Công nhân người Kurd (PKK) hay những người theo Giáo sỹ Fethullah Gulen - nhân vật mà Ankara cáo buộc đứng sau âm mưu đảo chính hồi năm 2016.
Cùng ngày, truyền thông nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ đã cáo buộc Phần Lan và Thụy Điển không dẫn độ hàng chục nghi phạm "khủng bố" cho Ankara.
Theo hãng thông tấn nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ Anadolu, trong 5 năm qua, cả Phần Lan và Thụy Điển đều phản ứng kiên quyết trước yêu cầu của Ankara về việc dẫn độ 33 nghi phạm khủng bố.
Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng những cá nhân này có quan hệ với các tay súng người Kurd hoặc có liên quan tới phong trào Gullen.
Thụy Điển và Phần Lan vừa chính thức thông báo quyết định gia nhập NATO nhưng Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố sẽ phản đối việc mở rộng liên minh quân sự này. Bất cứ nỗ lực gia nhập NATO đều phải được sự nhất trí của 30 thành viên NATO.
Trong một diễn biến liên quan, ngày 16/5, Bộ Ngoại giao Thụy Điển thông báo, các đại diện cấp cao của nước này và Phần Lan có kế hoạch sớm tới Thổ Nhĩ Kỳ để đàm phán nhằm giải quyết việc Ankara phản đối hai quốc gia Bắc Âu gia nhập NATO.
Theo một thông báo bằng tin nhắn văn bản, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Thụy Điển cho biết các đại diện của Thụy Điển và Phần Lan sẽ gặp những người đồng cấp nước chủ nhà tại thủ đô Ankara của Thổ Nhĩ Kỳ.
Phần Lan và Thụy Điển được cho là chuẩn bị nộp đơn gia nhập liên minh quân sự NATO trong tuần này. Bất cứ nỗ lực gia nhập NATO đều phải được sự nhất trí của 30 thành viên của khối.
Trong phản ứng của mình, ngày 16/5, Tổng thống Nga Vladimir Putin nhận định việc hai nước trên quyết định tham gia NATO không phải là mối đe dọa trực tiếp với Nga, song cảnh báo việc khối này mở rộng cơ sở hạ tầng quân sự trên lãnh thổ của hai nước trên sẽ buộc Moskva phải có phản ứng.
Theo hãng tin TASS của Nga, trong phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) diễn ra tại Moskva, Tổng thống Putin nhấn mạnh đối với việc mở rộng của NATO, cụ thể là thông qua việc kết nạp thêm các thành viên mới là Phần Lan và Thụy Điển, Nga không coi là mối đe dọa trực tiếp bởi Moskva không có vấn đề nào với các quốc gia này.
Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Nga nói rõ Moskva sẽ thực hiện các biện pháp nhằm đáp trả việc mở rộng cơ sở hạ tầng quân sự của NATO tới lãnh thổ của Phần Lan và Thụy Điển.
Ông khẳng định phản ứng của Nga sẽ dựa theo bản chất của mối đe dọa mà Moskva đối mặt.
Tổng Thư ký CSTO, ông Stanislav Zas nhận định việc NATO mở rộng sẽ làm gia tăng căng thẳng tại châu Âu./.
Phương Hồ (TTXVN/Vietnam+)