Lệnh tình trạng khẩn cấp gây tranh cãi được Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan ban bố vào ngày 20/7/2016 – tức chỉ chưa đầy 1 tuần sau khi xảy ra cuộc chính biến bất thành vào ngày 15/7/2016. Theo thông lệ, lệnh tình trạng khẩn cấp chỉ kéo dài 3 tháng, song đã được gia hạn tới 7 lần, với lần gần đây nhất được thực hiện vào tháng 4/2018.

 

Việc áp đặt lệnh tình trạng khẩn cấp cho phép thực thi các biện pháp hạn chế tổ chức biểu tình hay các sự kiện tụ tập đông người. Ngoài ra, theo lệnh này, các cơ quan thực thi pháp luật của Thổ Nhĩ Kỳ có thể mở rộng phạm vi quyền hạn trong trường hợp cần thiết để duy trì an ninh đất nước, đồng thời cho phép Tổng thống và Chính phủ phê chuẩn các đạo luật mới mà không cần thông qua Quốc hội. Hay nói một cách tổng quát hơn thì việc áp đặt lệnh tình trạng khẩn cấp được Thổ Nhĩ Kỳ đánh giá là một biện pháp nhằm mục tiêu bảo vệ đất nước và người dân khỏi những mối đe dọa khác nhau đang có dấu hiệu gia tăng mạnh mẽ.

 

Trong tuyên bố đưa ra tại chiến dịch tranh cử Tổng thống hồi tháng trước, ông Erdogan đã cam kết sẽ chấm dứt lệnh tình trạng khẩn cấp, song cũng để ngỏ kịch bản sẽ khôi phục trở lại biện pháp này nếu như đất nước phải đối mặt thêm với các mối đe dọa. Việc ông Erdogan tái đắc cử cũng đồng nghĩa với việc những cam kết mà nhà lãnh đạo này đưa ra sẽ có khả năng được thực hiện. Tuy nhiên, diễn biến này chưa thể bảo đảm một tương lai ổn định cho Thổ Nhĩ Kỳ, nhất là trong bối cảnh phe đối lập đang tỏ ra giận dữ và lo ngại rằng chính phủ đang tìm kiếm những công cụ hành pháp mới nhằm trấn áp các hành vi khủng bố, thậm chí còn được đánh giá là cứng rắn hơn so với lệnh tình trạng khẩn cấp vừa được gỡ bỏ.

 

Phát biểu trước báo giới, một quan chức giấu tên của chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã tỏ rõ sự hy vọng rằng, việc nước này gỡ bỏ lệnh tình trạng khẩn cấp sẽ xoa dịu mối quan hệ căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và các nước phương Tây xung quanh vấn đề này. Tuy nhiên, quan chức này cũng cho rằng thời gian ban bố lệnh tình trạng khẩn cấp đóng vai trò quan trọng nhằm loại bỏ những phần tử khủng bố đang bám rễ vào bộ máy nhà nước. Theo quan chức này, dù lệnh tình trạng khẩn cấp đã được gỡ bỏ, song chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ không có ý định từ bỏ cuộc chiến chống lại những thế lực nhằm phá hoại nền dân chủ tại nước này. Cụ thể, quan chức trên cho biết, đảng Công lý và Phát triển (AKP) cầm quyền tại Thổ Nhĩ Kỳ đã đệ trình một dự luật an ninh lên Quốc hội. Dự luật này có nhiều khả năng sẽ được phê chuẩn vào tuần tới, trước khi chính thức phát huy hiệu lực trong quãng thời gian kéo dài 3 năm.

 

Dự luật an ninh mới trao thêm quyền hạn cho người đứng đầu các địa phương để có thể đưa ra quyết định thay đổi nhân sự đối với những đối tượng bị tình nghi đang có âm mưu phá rối trật tự công cộng. Ngoài ra, dự luật cũng cho phép chính phủ có thể sa thải những người lao động bị quy kết là “các mối đe dọa của chủ nghĩa khủng bố”, đồng thời bổ sung cơ sở pháp lý để cấm các hoạt động biểu tình.

 

Trong bài diễn văn tại thành phố Istanbul ngày 16/7, Bộ trưởng Tư pháp Thổ Nhĩ Kỳ Abdulhamit Gul nhấn mạnh, ngay cả khi lệnh tình trạng khẩn cấp được gỡ bỏ thì điều đó cũng không đồng nghĩa với việc chiến dịch chống khủng bố của nước này đã kết thúc. Thổ Nhĩ Kỳ quyết tâm và kiên định theo đuổi cuộc chiến chống lại mọi hình thức của chủ nghĩa khủng bố, đặc biệt là Tổ chức khủng bố Fethullah (FETO) của giáo sỹ người Thổ Nhĩ Kỳ Fethullah Gulen - nhân vật mà Ankara cáo buộc đứng đằng sau vụ đảo chính quân sự bất thành hồi tháng 7/2016./.

Thu Lan (Theo TASS, Xinhua, france24.com)