Thổ Nhĩ Kỳ tin tưởng Nga và Ukraine có thể đạt thỏa thuận hòa bình 

Trả lời phỏng vấn nhật báo Hurriyet, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Cavusoglu cũng bày tỏ hy vọng Moskva và Kiev sẽ đạt được một lệnh ngừng bắn nếu hai bên không đi thụt lùi so với tiến độ đã đạt được.
Thổ Nhĩ Kỳ tin tưởng Nga và Ukraine có thể đạt thỏa thuận hòa bình

Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu ngày 20/3 cho biết Nga và Ukraine đang tiến gần hơn đến một thỏa thuận về các vấn đề quan trọng và gần như đã nhất trí về một số vấn đề.

Trả lời phỏng vấn nhật báo Hurriyet, Ngoại trưởng Cavusoglu cũng bày tỏ hy vọng Moskva và Kiev sẽ đạt được một lệnh ngừng bắn nếu hai bên không đi thụt lùi so với tiến độ đã đạt được.

Trong một diễn biến liên quan, ông Ibrahim Kalin - người phát ngôn của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ ngày 19/3 nhấn mạnh Ankara tin chắc rằng Nga và Ukraine có thể đạt được một thỏa thuận hòa bình.

Phát biểu với kênh truyền hình Al Jazeera, ông Kalin nói: “Một thỏa thuận hòa bình là có thể. Câu hỏi hiện nay là khi nào và làm cách nào để đạt được thỏa thuận này.”

Cùng ngày, nhật báo The New York Times đăng bài trả lời phỏng vấn của ông Kalin, cho rằng trường hợp của Moskva phải được coi là một phần trong cấu trúc an ninh mới giữa Nga và các nước phương Tây.

Ông Kalin nói: “Trường hợp của Nga phải được lắng nghe và tính tới, bởi vì sau cuộc xung đột này (ở Ukraine), sẽ phải có một cấu trúc an ninh mới được thiết lập giữa Nga và các nước phương Tây.”

Trong một diễn biến liên quan, nhật báo Le Monde của Pháp số ra gần đây đã cảnh báo rằng tình hình ở Ukraine sẽ làm chậm đà phục hồi của nền kinh tế toàn cầu, vốn đã suy yếu sau đại dịch COVID-19, và có thể khiến nền kinh tế toàn cầu thay đổi về lâu dài.

Tờ báo lưu ý Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã dự báo rằng tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trên toàn cầu sẽ giảm 1 điểm phần trăm, trong khi lạm phát sẽ tăng 2,5 điểm phần trăm.

[Tổng thống Ukraine kêu gọi đàm phán hòa bình toàn diện với Nga]

Le Monde dẫn lời nhà kinh tế cấp cao Lawrence Boone của OECD nhận định: “Cuộc khủng hoảng này đã biểu hiện dưới hình thức giá năng lượng, thực phẩm và một số kim loại tăng vọt.”

Hồi tháng 12/2021, OECD dự báo tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu vào cuối năm 2022 sẽ là 4,5%, song gần đây đã hủy kế hoạch công bố dự báo thường xuyên vào đầu tháng 3 do “những bất ổn ngày càng tăng.”

Le Monde cũng trích dẫn ý kiến của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho rằng chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine có thể gây ra những hậu quả lâu dài cho nền kinh tế toàn cầu.

Tờ báo dẫn nguồn IMF cho hay: “Về lâu dài, cuộc xung đột (ở Ukraine) về cơ bản có thể thay đổi trật tự kinh tế và địa chính trị toàn cầu - nếu các điều khoản thương mại tài nguyên năng lượng thay đổi, chuỗi cung ứng được xây dựng lại, mạng lưới thanh toán bị chia cắt và các quốc gia xem xét lại thành phần dự trữ vàng và ngoại hối của họ”./.

 

Bích Liên (TTXVN/Vietnam+)

 

293 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1219
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1219
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87422290