Theo hãng tin AFP, ngày 7/4, một tòa án ở Ankara của Thổ Nhĩ Kỳ đã ra phán quyết phạt tù chung thân đối với 22 cựu quân nhân nước này vì vai trò của họ trong cuộc đảo chính bất thành hồi năm 2016.
Trong phiên tòa mới nhất xét xử hàng loạt đối tượng tình nghi trong cuộc đảo chính thất bại nhằm lật đổ Tổng thống Recep Tayyip Erdogan cách đây 5 năm, tòa án ở Ankara đã điều tra vai trò của 497 cựu quân nhân, trong đó có các thành viên thuộc lực lượng an ninh của tổng thống.
Trong khuôn khổ cuộc đảo chính, lực lượng đảo chính đã đột kích vào đài truyền hình nhà nước TRT và ép buộc phát thanh viên đọc tuyên bố của các lãnh đạo quân đội âm mưu lật đổ ông Erdogan khi đó.
Sau khi cuộc đảo chính bất thành, chính quyền Tổng thống Erdogan đã tiến hành cuộc trấn áp và bắt giữ hàng loạt các đối tượng tình nghi.
[Thổ Nhĩ Kỳ bắt 218 nghi phạm liên quan âm mưu đảo chính quân sự]
Một trong những luật sư của tổng thống cho biết thẩm phán đã ra phán quyết phạt tù chung thân đối với 22 cựu sỹ quan quân đội cấp cao. Trong đó có cựu trung tá Umit Gencer - người bị kết tội "vi phạm trật tự Hiến pháp" khi ép đài truyền hình TRT phát đi "tuyên bố đảo chính," cựu đại tá Muhammet Tanju Poshor - người đã ra lệnh chiếm đóng trụ sở của đài truyền hình TRT, cựu thiếu tá Osman Koltarla - người phụ trách an ninh phủ tổng thống vào thời điểm đó.
Phán quyết trên được đưa ra tại phòng xử án lớn nhất Thổ Nhĩ Kỳ tại nhà tù Sincan ở tỉnh Ankara, nơi đặc biệt được xây dựng nhằm tổ chức các phiên tòa xét xử liên quan đến đảo chính.
Tiến trình xét xử bắt đầu từ tháng 10/2017 với 243 phiên điều trần. Ngoài vụ xét xử này, trong tiến trình pháp lý chưa từng có tiền lệ tại Thổ Nhĩ Kỳ sau vụ đảo chính bất thành, các tòa án trên khắp cả nước cũng đã tuyên án tù chung thân đối với hàng nghìn đối tượng khác.
Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ luôn cho rằng giáo sỹ Fethullah Gulen đang sống lưu vong tại Mỹ đứng đằng sau cuộc đảo chính quân sự bất thành vào tháng 7/2016, khiến khoảng 250 người thiệt mạng và gần 2.200 người bị thương. Tuy nhiên, ông này đã bác bỏ mọi cáo buộc.
Chính quyền Mỹ cũng từ chối dẫn độ giáo sỹ Gulen về Thổ Nhĩ Kỳ. Nhằm ngăn chặn những âm mưu gây đảo chính, chính quyền Ankara đã bắt giữ hàng trăm nghìn người và khoảng 150.000 công chức, quân nhân và các thành phần khác bị sa thải./.
Trần Quyên (TTXVN/Vietnam+)