Ngay lập tức, nhiều nước đã đưa ra lập trường trước động thái mới nhất của Iran, đa phần đều lo ngại về tương lai cứu vãn bản thỏa thuận hạt nhân mà từ lâu vẫn được xem là một thành tựu ngoại giao quan trọng của Mỹ và các nước phương Tây. Không những thế, diễn biến này còn được cảnh báo sẽ tiếp tục “dội gáo nước lạnh” vào mối quan hệ vốn đang không yên ả giữa Iran – Mỹ.

Tổng thống Iran Hassan Rouhani thông báo về bước cắt giảm cam kết tiếp theo trong JCPOA. (Ảnh: PressTV)


Trong bài phát biểu trên truyền hình, ngày 5/11, Tổng thống Iran Hassan Rouhani cho biết, Tổ chức Năng lượng Nguyên tử Iran (AEOI) đã được chỉ thị khởi động tiến trình bơm gas vào các máy ly tâm tại cơ sở hạt nhân Fordow, bắt đầu từ ngày 6/11. Hiện đang có khoảng 1.044 máy li tâm được lắp đặt tại Fordow và công việc này sẽ được thực hiện dưới sự giám sát của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA).

Tuy nhiên, cũng trong thông điệp phát đi ngày hôm qua, nhà lãnh đạo Iran tiếp tục khẳng định lập trường cho rằng, tất cả các bước cắt giảm cam kết trong thỏa thuận hạt nhân (hay còn được biết đến với tên gọi Kế hoạch hành động chung toàn diện – JCPOA) mà Iran đã thực hiện từ trước cho tới nay vẫn có thể được đảo ngược, nếu như tất cả các bên còn lại tham gia thỏa thuận tuân thủ đầy đủ các cam kết đã đưa ra.

Bài phát biểu của ông Rouhani nêu cụ thể, song trong một tuyên bố ngày 5/11, người đứng đầu AEOI Ali Akbar Salehi tuyên bố quốc gia này sẽ làm giàu urani ở mức 5% tại cơ sở hạt nhân Fordow dưới lòng đất, đồng thời khẳng định Tehran có đủ khả năng làm giàu urani ở mức 20% nếu cần thiết.

Theo thỏa thuận hạt nhân lịch sử được ký kết năm 2015, Iran nhất trí thay đổi chức năng của nhà máy làm giàu urani Fordow thành một trung tâm sản xuất các đồng vị ổn định, có ứng dụng quan trọng trong công nghiệp, nông nghiệp và y học. Thỏa thuận cũng cho phép Iran có thể vận hành các máy ly tâm IR-1 thế hệ đầu tiên tại Fordow mà không dùng khí urani.

Đề cập tới biện pháp cắt giảm cam kết mới nhất của Iran, ông Rouhani nhấn mạnh: “Chúng tôi nhận thức được tính nhạy cảm liên quan tới cơ sở hạt nhân Fordow…và những máy ly tâm tại cơ sở này…Tuy nhiên, vào thời điểm họ (các nước phương Tây ký kết thỏa thuận) tôn trọng cam kết của họ thì chúng tôi cũng sẽ cắt khí gas cung cấp cho các máy ly tâm…Vì thế, bước đi này vẫn có thể được đảo ngược”. Theo quan điểm của ông Rouhani thì Iran không thể tiếp tục đơn phương giữ vững bản thỏa thuận, trong khi các bên tham gia còn lại “hết lần này đến lần khác” khiến Iran thất vọng.

Cũng trong lời phát biểu cùng ngày, ông Rouhani nhấn mạnh Iran sẵn sàng tái khởi động các vòng đàm phán hạt nhân với các nước trong nhóm P5+1 (gồm: Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Đức), nếu như Mỹ quay trở lại thỏa thuận hạt nhân và gỡ bỏ tất cả các lệnh cấm vận “điên rồ, sai trái và bất hợp pháp” mà nước này đã áp đặt trở lại nhằm vào nước Cộng hòa Hồi giáo Iran sau khi rút khỏi JCPOA vào năm ngoái.

Trước đó, ngày 4/11, Iran đã chính thức khởi động việc bơm gas vào các máy li tâm IR-6 tối tân tại một buổi lễ diễn ra ở cơ sở hạt nhân Natanz, nơi đang có 60 máy li tâm IR-6 được vận hành với công suất mỗi máy là 10 SWU.

Các bên phản ứng sau bước đi mới nhất của Iran

Nhân viên kỹ thuật Iran làm việc tại cơ sở làm giàu urani Isfahan ở cách thủ đô Tehran 420km về phía Nam, ngày 3/2/2007. (Ảnh: PressTV)

Ngay lập tức, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus đã ra tuyên bố lên án việc Iran nối lại chu trình làm giàu urani tại cơ sở hạt nhân Fordow nằm ở miền Trung nước này và xem đây là “một bước đi sai lầm lớn”. Mỹ sẽ tiếp tục theo đuổi các biện pháp gây sức ép tối đa nhằm vào Iran cho tới khi nào nước Cộng hòa Hồi giáo này từ bỏ lối hành xử gây bất ổn.

Ngày 5/11, Liên minh châu Âu (EU) đã bày tỏ quan ngại về bước cắt giảm cam kết mới nhất của Iran, đồng thời cảnh báo về nguy cơ đổ vỡ của bản thỏa thuận hạt nhân lịch sử. Người phát ngôn EU Maja Kocijancic cho rằng, hiện những nỗ lực nhằm cứu vãn JCPOA đang ngày trở nên khó khăn. EU vẫn cam kết tôn trọng bản thỏa thuận, song điều này còn tùy thuộc vào sự “tuân thủ đầy đủ” của phía Iran.

“Chúng tôi quan ngại về tuyên bố do Tổng thống Rouhani đưa ra ngày hôm nay về việc tiếp tục cắt giảm các cam kết của Iran trong JCPOA…Chúng tôi kêu gọi Iran đảo ngược mọi hoạt động trái với tinh thần của JCPOA, đồng thời kiềm chế thực hiện các bước đi tiếp theo có nguy cơ gây tổn hại đến việc bảo toàn và triển khai đầy đủ bản thỏa thuận hạt nhân lịch sử” – bà Kocijancic nói.

Trong tuyên bố cùng ngày, phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov cũng tỏ rõ sự lưu tâm tới các bước đi của Iran, song nhấn mạnh lập trường của Moscow tiếp tục mong muốn bảo toàn bản thỏa thuận hạt nhân lịch sử. Ông Peskov cho biết Nga đang “giám sát các diễn biến với một sự quan ngại”, đồng thời bày tỏ thêm rằng, Moscow “thấu hiểu được những mối quan ngại” của Iran khi phải đối mặt với những biện pháp trừng phạt “phi pháp và chưa từng có tiền lệ”.

Đại sứ Nga tại các tổ chức quốc tế tại Vienna - ông Mikhail Ulyanov cũng cho rằng, những diễn biến mới xung quanh chương trình phát triển hạt nhân của Iran là “có thể đoán định được”. Đề cập tới giải pháp để cứu vãn JCPOA, nhà ngoại giao này kêu gọi tất cả các bên tham gia cần tuân thủ các cam kết đưa ra. Về phía Mỹ cũng cần thực hiện các bước đi tối thiểu là chấm dứt việc cam thiệp phi pháp thông qua việc áp đặt lệnh cấm vận dầu mỏ lên Iran.

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Pháp cũng vừa ra tuyên bố kêu gọi Iran đảo ngược quyết định nối lại các hoạt động làm giàu urani vì lo ngại động thái này sẽ khiến JCPOA bị đổ vỡ. Bộ Ngoại giao Pháp bày tỏ “sự quan ngại sâu sắc” trước các bước đi mới nhất của Iran và cho biết sẽ chờ đợi các bản báo cáo từ cơ quan giám sát hạt nhân của Liên hợp quốc. Pháp cam kết theo đuổi các nỗ lực để hạ nhiệt căng thẳng và coi việc tuân thủ đầy đủ bản thỏa thuận chính là một trong những mục tiêu chủ chốt của tiến trình này./.

Thu Lan (Theo báo chí nước ngoài)