Thiếu lao động lành nghề là vấn đề lớn đối với nền kinh tế Đức hiện nay. Để khắc phục tình trạng này, Chính phủ Đức đang nỗ lực thúc đẩy việc tuyển dụng lao động từ các quốc gia khác.
Phát biểu trên truyền thông ngày 3/6, Bộ trưởng Nội vụ liên bang Nancy Faeser đã công bố việc ký kết các thỏa thuận hợp tác về di cư với những quốc gia khác.
Theo Bộ trưởng Faeser, ngoài sự hợp tác vừa được thống nhất với Gruzia, Morocco và Colombia, Đức sẽ sớm ký kết các thỏa thuận di cư tiếp theo, trong đó trước hết là thỏa thuận với Moldova và Kenya.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Faeser cho biết các kế hoạch thiết lập thỏa thuận hợp tác với Kyrgyzstan, Philippines, Uzbekistan cũng đang được thúc đẩy, với trọng tâm là tuyển dụng lao động lành nghề để bổ sung cho nền kinh tế đầu tàu châu Âu.
Bà nhấn mạnh các thỏa thuận di cư là "chìa khóa quan trọng" để đưa lao động lành nghề đến Đức một cách nhanh hơn, đồng thời giảm tình trạng di cư bất hợp pháp thông qua việc hồi hương những người không được phép ở lại Đức.
Thời gian qua, Chính phủ Đức đã cố gắng thiết lập các thỏa thuận di cư với nhiều quốc gia khác. Tháng 12/2022, Đức đã ký kết thỏa thuận song phương toàn diện đầu tiên về vấn đề di cư với Ấn Độ. Berlin cho rằng nếu không hợp tác chặt chẽ với quốc gia xuất xứ thì rất khó để chống lại tình trạng nhập cư bất hợp pháp và thúc đẩy tuyển dụng lao động lành nghề.
Do nhu cầu lớn về lao động trong nhiều ngành công nghiệp và dịch vụ, Chính phủ Đức đã xây dựng luật mới về nhập cư lao động lành nghề nhằm tạo điều kiện tốt hơn cho việc thu hút lao động đến Đức làm việc. Luật mới có hiệu lực từ ngày 1/6.
Bộ trưởng Faeser nhấn mạnh với luật mới này, nhà nước Đức đảm bảo rằng những người có trình độ cao và lao động lành nghề mà nền kinh tế Đức đang rất cần có thể đến Đức một cách dễ dàng hơn.
Ngoài luật nhập cư mới, Chính phủ Đức cũng cải cách luật quốc tịch nhằm tạo điều kiện dễ dàng hơn cho quy chế hai quốc tịch và việc nhập tịch đối với công dân ngoài Liên minh châu Âu (EU).
Theo luật quốc tịch mới, những người nhập cư hợp pháp ở Đức sẽ được phép nộp đơn xin quốc tịch sau 5 năm, thay vì 8 năm như hiện tại. Nếu người nộp đơn xin quốc tịch có những thành tích xuất sắc, thời gian này có thể giảm xuống chỉ còn 3 năm.
Tất cả những quy định mới đều hướng tới việc thu hút nhiều hơn và nhanh hơn lao động lành nghề từ nước ngoài, nhằm đáp ứng lao động ngày càng cao của nền kinh tế lớn thứ ba thế giới./.
Với việc khoảng 700.000 vị trí việc làm cần tuyển dụng còn trống, tiềm năng tăng trưởng kinh tế của Đức đã giảm xuống 0,7% từ mức khoảng 2% trong những năm 1980 và có thể tiếp tục giảm xuống 0,5%.