Thị ủy Đông Hà lãnh đạo nhân dân chiến đấu giải phóng quê hương 

(QT) - Sau thắng lợi chiến dịch Đường 9 - Nam Lào (1971) và đấu tranh trên mặt trận chính trị, ngoại giao, tương quan lực lượng và cục diện chiến trường đều có sự thay đổi theo hướng có lợi cho cách mạng miền Nam. Trước tình hình đó, Quân ủy Trung ương thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Chính trị mở cuộc tiến công chiến lược 1972, trong đó hướng tiến công chủ yếu là chiến trường Trị Thiên. Ngày 13/3/1972, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng quyết định thành lập Bộ Tư lệnh chiến dịch Trị Thiên lấy tên là Bộ Tư lệnh 702 do tướng Lê Trọng Tấn, Phó Tổng tham mưu trưởng làm Tư lệnh; tướng Lê Quang Đạo, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị làm Chính ủy kiêm Bí thư Đảng ủy.

Với nhiệm vụ “tiến hành chiến dịch tổng hợp, hợp đồng binh chủng, tấn công vào tuyến phòng ngự của địch ở Trị Thiên; phối hợp giữa đòn tấn công của chủ lực với phong trào nổi dậy của quần chúng, giải phóng Quảng Trị, tạo điều kiện, nắm thời cơ có lợi giải phóng hoàn toàn Trị Thiên - Huế phối hợp với các chiến trường bạn làm thay đổi cục diện chiến trường”. Về lực lượng địch, chúng xác định chi khu quân sự Đông Hà là vị trí tiền đồn để Mỹ - ngụy thiết lập căn cứ chỉ huy, trung tâm hành quân, cơ quan đầu não của địch được xây dựng với một lực lượng và tiềm lực quân sự mạnh, bộ máy kìm kẹp với đủ sắc lính: cảnh sát, mật vụ, an ninh quân đội, biệt động quân, thủy quân lục chiến đến bảo an, địa phương quân.

 

Hội đồng liên quân Mỹ và Bộ tổng tham mưu ngụy và tư lệnh vùng I chiến thuật coi Đông Hà là một căn cứ quân sự nằm ở đầu mối quan trọng trên tuyến hành lang chiến lược đường 9 - Nam Lào mà còn là hậu cứ vững chắc để thực thi các chiến dịch “Tìm diệt”, “Bình định” của Mỹ - ngụy. Với diện tích khoảng 73 km2 chiều dài từ km0 đến km 6 đường 9, địch bố trí ở đây 4 trận địa pháo 175 li; 1 quân cảng rộng lớn 4 ha; 3 chi đoàn thiết giáp 147, 269, 312; 1 lữ đoàn thủy quân lục chiến; lực lượng bộ binh có lúc địch huy động tương đương với 4 trung đoàn; 6 đại đội bảo an cùng với 1 lực lượng mật vụ, cảnh sát, bình định nông thôn, dân vệ…với hệ thống đồn bốt, hầm ngầm, căn cứ kiên cố, bố trí trên các vị trí trọng yếu từ Ngã Tư Sòng đến cầu Lai Phước, địch coi đây là một trong những “lá chắn thép” “bất khả xâm phạm”.

 

Đây là một trong những nơi kẻ địch thử nghiệm các chiến lược chiến tranh, các phương tiện vũ khí, khí tài tối tân nhất, là một trong những chiến trường diễn ra nhiều trận đánh ác liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam (1955 - 1975). Đúng 11 giờ 30 phút ngày 30/3/1972, Tư lệnh chiến dịch phát lệnh tấn công đồng loạt ở tất cả các cánh quân trên toàn mặt trận từ Bái Sơn, Động Toàn, Ba Hồ, Đồi Tròn, Động Mã, Phu Lơ, Cồn Tiên, Dốc Miếu, Tân Lâm đến Quán Ngang, Đông Hà. Sau 3 ngày chiến đấu dũng cảm quân giải phóng đã đồng loạt dội bão lửa vào các cứ điểm của địch.

 

Các sư đoàn 308, 320B, 324, 315, 304, lữ 126, cùng các đơn vị binh chủng đặc công, pháo binh, tăng thiết giáp đã đập tan hệ thống phòng ngự vòng ngoài được mệnh danh là “lá chắn thép” của địch từ Cửa Việt - Quán Ngang - Bái Sơn - Cồn Tiên - Dốc Miếu. Cứ điểm Mai Lộc, Tân Tường, Chi khu Cam Lộ, Động Toàn, Tân Điềm, Ba Tum, Đầu Mầu, Núi Kiếm, Tân Lâm bị tiêu diệt và phá hủy, san bằng hàng rào điện tử Mc.Namara cùng các cao điểm 241, 367, 554, 322, 288... Ngày 2/4/1972, Gio Linh, Cam Lộ hoàn toàn giải phóng. Quân ta đã hình thành thế bao vây cụm cứ điểm Đông Hà, Lai Phước đến đồi Quai Vạc từ 3 hướng: Đông Bắc, Đông Nam, Tây Nam. Sau đợt tấn công thứ nhất, thực hiện chủ trương của Tư lệnh chiến dịch, từ ngày mồng 10 đến 25/4/1972 tất cả các cánh quân ở các hướng chuẩn bị lực lượng, cơ sở vật chất kỹ thuật và tổ chức những trận đánh nhỏ, đánh vừa nhằm tiêu hao sinh lực và làm cho chúng hoang mang, dao động.

 

Quân ta giữ vững vị trí đứng chân chuẩn bị cho đợt đánh lớn. Đúng 5 giờ 15 phút ngày 28/4/1972, cuộc tấn công quy mô, toàn diện và quyết định vào cụm cứ điểm Đông Hà đã bắt đầu với sự tham gia của sư đoàn chủ lực 308, tiểu đoàn 3 bộ đội địa phương và sự phối hợp của các đơn vị bạn, các đội biệt động của Thị đội Quảng Hà, lực lượng du kích các xã Cam Giang, Cam Thanh, Triệu Lương, Triệu Lễ, vạn Đông Hà, vạn Trọng Đức, vạn Gia Độ tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu đã đồng loạt mở màn trận đánh quyết định này. Pháo binh 130 li, 122 li, ĐKZ 74, hoả tiễn A12…của bộ đội ta nã cấp tập vào các mục tiêu trọng yếu của địch, chọc thủng tuyến phòng thủ dự bị từ đường số 9 về Cảng Cửa Việt tấn công tiêu diệt và làm chủ các vị trí Quán Ngang, Ngã Tư Sòng, làng Tây Trì, Tịnh xá Ngọc Hà giao chiến quyết liệt phía Bắc cầu Đông Hà. Bên trong, Thị ủy Quảng Hà lãnh đạo quần chúng nhân dân sẵn sàng nổi dậy làm chủ thị xã. Đúng 5 giờ 30 phút, các đơn vị bộ binh, xe tăng và các lực lượng bộ đội địa phương, du kích đồng loạt tiến công theo các hướng vào giải phóng thị xã.

 

Đến 15 giờ ngày 28/4/1972, tất cả các cứ điểm cùng toàn bộ binh lính quân đội Sài Gòn ở Đông Hà bị tiêu diệt hoàn toàn. Quân giải phóng làm chủ chiến trường, cờ giải phóng tung bay trên nóc lô cốt ngã ba thị xã. Đông Hà hoàn toàn giải phóng. Qua gần 1 tháng chiến đấu anh dũng, ngoan cường, mưu trí và quyết tâm, quân và dân Đông Hà đã phối hợp tích cực, chủ động cùng bộ đội chủ lực của các sư đoàn 308, 320B, 324, lữ 126 cùng các đơn vị tham gia chiến dịch đã giải phóng một vùng đất đai rộng73 km2 , dân cư rộng lớn và một loạt cứ điểm trọng yếu có ý nghĩa chiến lược trong chiến dịch giải phóng Thành Cổ 1/5/1972. Thắng lợi của quân và dân Đông Hà có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

 

Từ đây Đông Hà trở thành hậu phương của chiến trường miền Nam, là nơi tiếp nhận và cung cấp vũ khí, trang thiết bị, lương thực, thực phẩm cho chiến trường góp phần cùng cả nước đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta chuyển sang giai đoạn có tính chất quyết định - Tổng tiến công và nổi dậy giải phóng hoàn toàn miền Nam 1975, kết thúc chiến tranh, thống nhất Tổ quốc. Đông Hà được giải phóng là hậu cứ trực tiếp của cuộc chiến đấu lịch sử, kiên cường 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị, góp phần cùng các mặt trận Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Khu V, Điện Biên Phủ trên không tạo thế trên chiến trường, buộc Hoa Kỳ phải trở lại bàn đàm phán ký Hiệp định Paris ngày 27/1/1973.

 

Đông Hà là đô thị đầu tiên của miền Nam được giải phóng, quân giải phóng đã làm chủ và thành lập ủy ban quân quản để quản lý xã hội (Đồng chí Nguyễn Hiền, Phó Chính ủy Sư đoàn 308 làm Chủ tịch Ủy ban quân quản thị xã Đông Hà). Đây là mô hình để năm 1975 áp dụng cho toàn miền Nam sau ngày giải phóng rất có hiệu quả. Từ những kinh nghiệm có được của Ủy ban quân quản Đông Hà, chúng ta đã thiết lập được trật tự, kỷ cương ngay từ những ngày đầu miền Nam hoàn toàn giải phóng. Đây là thắng lợi của nghệ thuật quân sự, của sự chấp hành triệt để chủ trương của Quân ủy Trung ương từ việc chuyển hướng mặt trận Trị Thiên từ hướng phối hợp quan trọng sang hướng chiến lược chủ yếu, từ quyết định tạm dừng chiến dịch lại 20 ngày để làm tốt công tác chuẩn bị đến việc quyết định không đánh ồ ạt, chớp nhoáng sang đánh nhiều đòn làm rạn vỡ từng mảng, từng đoạn tiến tới đập tan bằng một đòn quyết định ở các cụm cứ điểm Đông Hà.

 

Trong chiến dịch giải phóng Đông Hà chúng ta đã đánh tập trung, hiệp đồng binh chủng quy mô lớn; phát huy uy lực của binh khí kỹ thuật, đồng thời coi trọng vừa đánh nhỏ, đánh sâu, đánh hiểm bằng các lực lượng tinh nhuệ của bộ đội chủ lực; lực lượng biệt động của địa phương hỗ trợ nổi dậy giành chính quyền làm chủ nhân dân. Thị xã Đông Hà, đô thị đầu tiên của miền Nam được hoàn toàn giải phóng, là bài học về sự phối hợp nhịp nhàng trên toàn tuyến giữa tiến công và nổi dậy đồng loạt của 3 mũi giáp công của một khí thế vũ bão, tinh thần quật khởi của đường lối chiến tranh nhân dân.

 

Cấp ủy đảng đã huy động một cách triệt để lực lượng quần chúng tham gia chiến dịch từ lực lượng du kích trực tiếp tham gia dẫn đường, chiến đấu, luồn lách qua các trận địa mai phục, bố phòng của địch đến lực lượng mang vác vận chuyển phục vụ chiến đấu, chở từng trung đoàn bộ đội qua sông Hiếu để tiến hành chiến dịch. Tất cả các xã Cam Giang, Cam Thanh, Triệu Lương, Triệu Lễ, thôn Thiết Tràng, các vạn Đông Hà, vạn Trọng Đức… tham gia chiến dịch với khí thế sục sôi. Sức mạnh quần chúng được ấp ủ từ lòng căm thù, uất hận quân cướp nước và lũ bán nước được dịp òa vỡ trong dòng thác lũ của chiến tranh nhân dân.

 

Lê Quang Thẹ

 
 
771 Go top

Sự kiện nổi bật

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 814
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 814
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87057502