Đây là kết quả cuộc khảo sát hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp Australia tại Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) được báo Australia đăng tải ngày 10/9.
Khảo sát Doanh nghiệp Australia 2017 tại ASEAN do Phòng thương mại Australia tại các nước ASEAN phối hợp thực hiện.
Theo đó, mặc dù còn một số khó khăn, các doanh nghiệp Australia vẫn tiếp tục hoạt động tốt ở ASEAN. 62% doanh nghiệp được hỏi đều cho biết đã mở rộng thương mại và đầu tư khu vực trong vòng 2 năm trở lại đây và trong khoảng thời gian này, chỉ 6% doanh nghiệp giảm sự hiện diện tại khu vực. Trong cuộc khảo sát năm ngoái, 60% doanh nghiệp cho biết họ đã mở rộng thương mại và đầu tư và 7% doanh nghiệp giảm sự hiện diện.
Ngoài ra, 86% doanh nghiệp Australia cho biết vẫn có kế hoạch tăng đầu tư tại ASEAN trong vòng 5 năm tới và chỉ có chưa đầy 2% doanh nghiệp lên kế hoạch cắt giảm sự hiện diện trong khu vực. Việt Nam đã vượt qua Myanmar trở thành thị trường phổ biến nhất cho việc mở rộng hoạt động của doanh nghiệp.
Theo kết quả khảo sát, 61% doanh nghiệp Australia xác định tiêu dùng ngày càng tăng ở các nước ASEAN là lý do hàng đầu cho hoạt động kinh doanh của họ trong khu vực, tiếp theo là yếu tố cơ sở hạ tầng (35%), tăng 5% so với khảo sát vào năm ngoái.
Hội nhập khu vực xếp cuối cùng trong nhóm 3 yếu tố ưu tiên hàng đầu cho việc mở rộng kinh doanh của các doanh nghiệp Australia tại khu vực này, với 36% doanh nghiệp chú trọng Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC).
Theo khảo sát, lý do hội nhập kinh tế đứng cuối là vì các doanh nghiệp Australia không được cung cấp đầy đủ thông tin cần thiết về hội nhập kinh tế ASEAN, trong khi ASEAN là một khu vực ưu tiên đối với nhiều doanh nghiệp Australia. Theo cuộc khảo sát, 17% doanh nghiệp đánh giá trụ sở chính của họ không hiểu rõ về khu vực này.
Theo ông Fraser Thomson, Chủ tịch Phòng thương mại Australia – ASEAN, các doanh nghiệp Australia muốn biết thêm thông tin để hiểu đúng hội nhập khu vực ASEAN có ý nghĩa thế nào đối với họ. Các lĩnh vực ưu tiên nhằm thúc đẩy hội nhập ASEAN bao gồm việc loại bỏ hoặc giảm các hạn chế đầu tư và dịch vụ, thực thi công bằng của pháp luật và cải thiện cơ sở hạ tầng.
BT