Thế giới tuần qua: Tôn vinh những nhà báo đích thực 

(ĐCSVN) – Tuần qua (3-10/10), bên cạnh những diễn biến bất ổn tại Afghanistan và thị trường dầu mỏ, thế giới chứng kiến nhiều sự kiện đang chú ý, trong đó có việc công bố giải Nobel Hòa bình 2021, WHO nhận định tích cực về tình hình dịch bệnh COVID-19, dấu hiệu hạ nhiệt trong quan hệ các nước lớn và ông Kishida nhậm chức Thủ tướng Nhật Bản với kỳ vọng mang lại thay đổi cho nền kinh tế thứ 3 thế giới.
Thế giới tuần qua: Tôn vinh những nhà báo đích thực

Giải Nobel Hòa bình 2021: Tôn vinh những nhà báo đích  thực

Hai đồng chủ nhân Giải Nobel Hòa bình năm 2021. (Ảnh: nobelprize.org)  

Chiều 8/10 (giờ Việt Nam), Ủy ban giải Nobel tại Oslo (Na Uy) đã công bố giải Nobel Hòa bình 2021 thuộc về nhà báo điều tra người Mỹ gốc Philippines Maria Ressa và nhà báo Nga Dmitry Muratov vì nỗ lực đấu tranh cho tự do ngôn luận, được đánh giá là điều kiện tiên quyết cho nền dân chủ và hòa bình lâu dài.

"Tôi tin rằng việc trao giải Nobel hòa bình cho hai nhà báo can đảm và xuất chúng này giúp định nghĩa như thế nào là nhà báo đích thực" - bà Berrit Reiss-Andersen, Chủ tịch Ủy ban Nobel Na Uy (đơn vị trao giải Nobel hòa bình), chia sẻ tại buổi thông báo giải thưởng ở Oslo ngày 8/10.

Maria Angelita Ressa, sinh năm 1963, đồng sáng lập và là Giám đốc điều hành tờ Rappler, trong khi Dmitry Muratov là chủ bút tờ báo tiếng Nga Novaya Gazeta (Báo Mới).

Nobel Hòa bình là giải thứ 5 được công bố trong mùa giải Nobel năm 2021.

Năm ngoái, giải Nobel Hòa bình đã được trao cho Chương trình Lương thực thế giới (WFP) của Liên hợp quốc (LHQ) nhằm vinh danh những nỗ lực chống nạn đói cũng như những đóng góp trong việc thúc đẩy hòa bình trên thế giới.

Mùa giải Nobel 2021 sẽ khép lại vào ngày 11/10 tới khi chủ nhân giải thưởng cuối cùng là Nobel Kinh tế được xướng tên.

WHO: Đại dịch COVID-19 tiếp tục suy giảm trên thế giới

 Người dân Thái Lan xếp hàng chờ tiêm vaccine COVID-19, ngày 8/10. (Ảnh: Xinhua)

Đầu tuần qua, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xác nhận sự cải thiện của đại dịch COVID-19 trên thế giới. Tỷ lệ mắc bệnh tiếp tục giảm và số ca nhiễm mới đã giảm 9% trong 7 ngày, trong khi số ca tử vong giảm 4%.

Bản cập nhật dịch tễ học hàng tuần của WHO lưu ý: “Đây là một xu hướng đã được quan sát thấy từ tháng 8. Hơn 3,1 triệu trường hợp mắc mới và chỉ hơn 54.000 trường hợp tử vong mới đã được báo cáo trong tuần từ ngày 27/9 – 3/10/2021”. Theo thống kê từ tổ chức này, 3.118.410 ca nhiễm và 54.221 ca tử vong đã được ghi nhận trong đúng 7 ngày, lần lượt ít hơn 9% và 4% so với tuần trước.

Tất cả các khu vực đều báo cáo số ca mắc mới giảm trong tuần này, ngoại trừ Khu vực châu Âu báo cáo một con số tương tự như tuần trước. Ở châu Âu, tỷ lệ mắc bệnh tăng 5%.

Hơn nữa, phân tích dữ liệu cho thấy lục địa châu Âu đã báo cáo tỷ lệ mắc hàng tuần cao nhất trên 100.000 dân. Châu Âu báo cáo 123,1 ca nhiễm mới trên 100.000 dân, tiếp theo là châu Mỹ (109,5 ca mới trên 100.000 dân).

Tuy nhiên, WHO cũng ghi nhận sự sụt giảm đáng kể nhất về số ca nhiễm mới hàng tuần ở châu Phi (43%). Số ca mắc mới hàng tuần giảm nhiều nhất khác là ở Đông Địa Trung Hải (21%), Đông Nam Á (19%), Tây Thái Bình Dương (12%) và Mỹ (12%).

Những mối quan hệ đang dần hạ nhiệt

 Ngoại trưởng Mỹ gặp Tổng thống Pháp giữa lúc quan hệ song phương căng thẳng. Ảnh: Reuters 

* Hôm 5/10, Mỹ và Pháp đã tiến gần hơn đến bình thường hóa quan hệ, sau một thời gian căng thẳng, liên quan đến Tuyên bố thiết lập quan hệ đối tác an ninh ba bên Mỹ-Anh-Australia (AUKUS) ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, trong đó có hợp đồng mua bán tàu ngầm giữa Mỹ, Anh và Australia. Trong chuyến thăm và làm việc tại Pháp, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã gặp Tổng thống Pháp Emmanuel Macron để thảo luận về các cách thức thúc đẩy quan hệ song phương thời gian tới, bao gồm khả năng hợp tác Mỹ - Pháp ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và các khu vực khác.

Cuộc gặp riêng giữa Tổng thống Macron và Ngoại trưởng Blinken kéo dài khoảng 40 phút tại Điện Élyseé, được quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ mô tả là “rất hiệu quả” và “nghiêm túc”. Tại cuộc gặp, hai bên đã nhất trí cần phải làm nhiều hơn để hàn gắn mối quan hệ song phương.

* Ngày 6/10, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan đánh giá cuộc hội đàm giữa ông và Ủy viên Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Dương Khiết Trì đã có cuộc hội đàm kín kéo dài 6 tiếng đồng hồ tại một khách sạn ở Zurich, Thụy Sĩ. Cùng với kiện tương tự diễn ra ở Alaska hồi tháng 3/2021, cuộc gặp trực tiếp giữa ông Sullivan và ông Dương Khiết Trì được kỳ vọng sẽ mở ra một giai đoạn ít đối đầu hơn giữa hai cường quốc. Sau sự kiện này, tờ Bloomberg và tờ The Wall Street Journal đưa tin Tổng thống Mỹ J.Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang lên kế hoạch gặp gỡ trực tuyến, đánh dấu vòng thảo luận thứ 3 giữa hai nhà lãnh đạo trong năm 2021.

Cũng trong quần qua, quan hệ Mỹ - Trung tiếp tục chứng kiến một diễn biến hạ nhiệt sau khi hãng tin Tân Hoa Xã dẫn lời Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc hôm 9/10 cho biết, Trung Quốc đang đàm phán với Mỹ nhằm hủy bỏ các loại thuế quan và các biện pháp trừng phạt thương mại mà 2 nước áp đặt với nhau. Thông tin được đưa ra chỉ ít giờ sau cuộc điện đàm giữa ông Lưu Hạc với đại diện thương mại Mỹ Katherine Tai. Đây là cuộc điện đàm thứ hai giữa bà Katherine Tai và ông Lưu Hạc.

Tân Thủ tướng Nhật Bản quyết tâm thúc đẩy một xã hội mới vì nhân dân

 Ông Kishida phát biểu ngày 8/10. Ảnh: Nikkei

Đầu tuần qua, ông Fumio Kishida chính thức được bầu làm thủ tướng thứ 100 của Nhật Bản, sau khi giành được đa số phiếu trong cuộc bỏ phiếu ở cả hai viện thuộc quốc hội. Tân Thủ tướng Kishida Fumio cũng đã công bố danh sách Nội các mới gồm 21 thành viên, với quyết tâm cải tổ, thúc đẩy một xã hội mới vì nhân dân.

Trong bài phát biểu chính sách đầu tiên trên cương vị Thủ tướng, ông Kishida cam kết thúc đẩy mạnh mẽ khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và mở bằng cách hợp tác với các đồng minh và thông qua "Bộ tứ". Ông nhấn mạnh cốt lõi của các chính sách đối ngoại và an ninh của Tokyo là liên minh Nhật - Mỹ. Đồng thời, ông cũng thừa nhận Nhật Bản tìm kiếm mối quan hệ ổn định với Trung Quốc.

Về các vấn đề trong nước, ông Kishida sẽ thúc đẩy "chính sách tiền tệ táo bạo, chính sách tài chính mau lẹ và rót các khoản chi cần thiết để đối phó với khủng hoảng mà không do dự", xây dựng một chuỗi cung ứng mạnh mẽ và dự thảo thúc đẩy an ninh kinh tế, đảm bảo quyền tiêm phòng vaccine cho tất cả người dân…

Giới phân tích nhận định, sau khi nhậm chức, tân Thủ tướng Kishida sẽ phải giải quyết hàng loạt thách thức, đây cũng là những phép thử lớn đối với chính trị gia này trên cương vị mới. Thách thức lớn nhất trong ngắn hạn là làm thế nào để giúp Đảng LDP giành đa số ghế tại Hạ viện trong cuộc bầu cử dự kiến diễn ra vào cuối tháng này.

Taliban đàm phán, song không đồng ý cùng Mỹ chống IS

 Binh sĩ Taliban canh gác tại Kabul - Ảnh: Reuters

Trước thềm hội đàm với Mỹ, người phát ngôn chính trị cho lực lượng Taliban Suhail Shaheen ngày 9/10 được truyền thông Mỹ đặt câu hỏi về khả năng bắt tay cùng Washington đối phó lực lượng chân rết của nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Afghanistan. Tuy nhiên, phát ngôn này tuyên bố Taliban sẽ không bắt tay Mỹ chống IS vì đủ sức tự làm việc này.

Trong khuôn khổ vòng đối thoại kéo dài 2 ngày ở thủ đô Doha (Qatar), các đại diện Mỹ và Taliaban sẽ thảo luận về nhiều nội dung, gồm việc sơ tán công dân nước ngoài khỏi Afghanistan và kiểm soát lực lượng cực đoan. Mỹ nhấn mạnh loạt đối thoại không đồng nghĩa Washington công nhận vị thế mới của Taliban.

Nhóm khủng bố trung thành với IS ở vùng Khorasan (IS-K) đang ngày càng manh động với nhiều vụ tấn công nhắm vào dân thường lẫn Taliban. Chiều 8/10, một kẻ đánh bom liều chết của IS-K đã kích nổ một chiếc áo gi lê gắn bom giữa một đám đông đang tụ tập bên trong nhà thờ Hồi giáo Gozar-e-Sayed Abad ở Kunduz khiến 46 người đã thiệt mạng và 143 người khác bị thương. Đây là vụ tấn công là vụ mới nhất trong một loạt các vụ đánh bom và xả súng của IS nhằm vào các nhà cầm quyền Taliban, cũng như các tổ chức tôn giáo và thành viên của người Shia thiểu số ở Afghanistan.

Trước đó, ngày 310, một quả bom phát nổ ở lối vào nhà thờ Hồi giáo Eid Gah ở Kabul, khiến ít nhất 12 người thiệt mạng và hơn 30 người bị thương. Các cuộc tấn công xảy ra liên tiếp cho thấy Taliban còn nhiều thách thức về an ninh phải giải quyết, chưa kể đến các vấn đề khác như dịch bệnh và khủng hoảng kinh tế.

Giá dầu thế giới tăng lên mức cao nhất trong 7 năm qua

 Tại một trạm bán xăng ở Plano, bang Texas, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN

Giá dầu thế giới tăng lên mức cao nhất trong vòng 7 năm qua sau khi Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và đối tác (OPEC+) đã nhất trí duy trì mức tăng sản lượng dầu thô như thỏa thuận đạt được trước đó đến tháng 11 tới, bất chấp lời kêu gọi tăng sản lượng từ phía Nhà Trắng nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 5/10, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 1,31 USD (1,7%) lên 78,93 USD/thùng, mức cao nhất kể từ tháng 11/2014. Trong khi đó, giá dầu Brent Biển Bắc tăng 1,6 USD (1,6%) lên 82,56 USD/thùng, mức cao nhất trong 3 năm qua.

Hiện, châu Âu và châu Á đang bị ảnh hưởng bởi sự thắt chặt nguồn cung đã đẩy giá khí đốt tự nhiên và giá than lên mức cao nhất trong lịch sử, trong khi giá dầu tăng ổn định trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang phục hồi sau đại dịch.

Ngày 4/10, OPEC+, bao gồm cả Nga, đã nhất trí tiếp tục duy trì mức tăng sản lượng dầu thô 400.000 thùng/ngày như đã thống nhất trước đó sau cuộc họp trực tuyến của các Bộ trưởng Năng lượng.

Tuy nhiên, quyết định của OPEC+ có thể làm gia tăng căng thẳng giữa các nước tiêu thụ năng lượng lớn như Mỹ, châu Âu và Trung Quốc, các quốc gia vốn lo ngại lạm phát chi phí năng lượng có thể sẽ làm ảnh hưởng đến sự phục hồi kinh tế của họ, các quốc gia vốn chiếm hơn 50% nguồn cung dầu toàn cầu./.

 
PV (tổng hợp)
391 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 492
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 492
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 88313890