Thế giới tuần qua: Tiến tới một hành tinh khử carbon 

(ĐCSVN) – Hội nghị COP26 về biến đổi khí hậu; Các nước tham gia ký kết nhanh chóng phê chuẩn RCE; WHO cấp phép sử dụng vaccine thứ 8 ngừa COVID-19; OPEC+ nhất trí duy trì mức tăng sản lượng dầu mỏ; Hơn 200 người thương vong vì nổ xe bồn tại Sierra Leone;... là một số sự kiện quốc tế nổi bật trong tuần qua (31/10 – 7/11).
Thế giới tuần qua: Tiến tới một hành tinh khử carbon

Hội nghị COP26 về biến đổi khí hậu

Ngày 31/10, cuộc gặp thượng đỉnh của Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 26) đã khai mạc tại thành phố Glasgow (Vương quốc Anh) với sự tham gia của đại diện trên 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Hội nghị sẽ kéo dài đến ngày 12/11/2021.

 COP26 diễn ra tại Thành phố Glasgow, Scotland, Vương quốc Anh từ ngày 31/10-12/11/2021 (Ảnh: COP26)

Mặc dù, bị trì hoãn 1 năm do đại dịch COVID-19, nhưng COP26 là thời điểm để các quốc gia vạch ra giải pháp nhằm giảm lượng khí thải và tiến tới một hành tinh khử carbon. Đây là sự kiện quốc tế lớn quan trọng hàng đầu được cộng đồng quốc tế đặc biệt quan tâm trong bối cảnh biến đổi khí hậu (BĐKH) diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, tác động ngày càng trầm trọng trên phạm vi toàn cầu, đòi hỏi các quốc gia hành động khẩn trương và mạnh mẽ để có thể đạt được mục tiêu đề ra trong Thỏa thuận Paris là giữ nhiệt độ trung bình toàn cầu vào cuối thế kỷ này chỉ tăng dưới 2°C và nỗ lực để chỉ tăng 1,5°C so với thời kỳ tiền công nghiệp (hiện nhiệt độ đã tăng gần 1,2°C).

Trên cương vị Chủ tịch COP26 và là nước đăng cai tổ chức Hội nghị, Anh kỳ vọng và đang nỗ lực để Hội nghị đạt được thỏa thuận về một số mục tiêu chính: huy động đủ 100 tỉ USD/năm để tài trợ cho các hoạt động ứng phó với BĐKH tại các nước đang phát triển; nhất trí được về cách thức xác định trước năm 2025 mục tiêu tài chính mới cho giai đoạn sau năm 2025; về giảm phát thải khí nhà kính và thích ứng với BĐKH: xây dựng hướng dẫn thực hiện đối với một số điều khoản quan trọng còn lại của Thỏa thuận Paris....

Theo đó, Hội nghị COP26 lần này sẽ đàm phán, thảo luận xây dựng các quy định mang tính ràng buộc thực hiện theo quy định của Công ước, với 08 nội dung chính sau: Cơ chế thị trường và phi thị trường; Minh bạch trong ứng phó với BĐKH; Khung thời gian và mẫu báo cáo áp dụng chung; Thúc đẩy ứng phó với BĐKH: Mục tiêu thích ứng toàn cầu; Phương thức xác nhận nỗ lực thích ứng toàn cầu; Khuôn khổ thực hiện giảm rủi ro để giúp các quốc gia xây dựng các chiến lược rủi ro do BĐKH; Nguồn lực cho ứng phó BĐKH; Đánh giá nỗ lực của các quốc gia: Đánh giá mức độ thực hiện các cam kết về giảm phát thải khí nhà kính của các quốc gia phát triển cho giai đoạn trước năm 2020; Thúc đẩy các hành động khí hậu công bằng và bao trùm.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị COP26.  Đây là dịp để Việt Nam thể hiện mạnh mẽ thông điệp trách nhiệm, chủ động, tích cực trong tham gia xử lý thách thức chung toàn cầu về BĐKH; giúp cộng đồng quốc tế hiểu rõ chủ trương, quyết tâm và nỗ lực cũng như những khó khăn, thách thức của Việt Nam trong ứng phó với BĐKH.

Các nước tham gia ký kết nhanh chóng phê chuẩn RCE

RCEP là một Hiệp định thương mại tự do được ký kết vào tháng 11/2020 giữa 10 quốc gia thành viên ASEAN là Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam và 5 đối tác của ASEAN gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Australia, New Zealand và Hàn Quốc.

 RCEP được ký kết giữa 10 quốc gia ASEAN và 5 đối tác gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Australia, New Zealand và Hàn Quốc. (Ảnh: freshplaza.com)

RCEP sẽ tạo ra một thị trường thương mại và đầu tư lớn nhất thế giới, bao gồm 15 quốc gia với dân số gần 2,3 tỷ người và Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) là 28.500 tỷ USD trong năm 2020. Giá trị thương mại của các nước tham gia RCEP cũng đã đạt hơn 10.700 tỷ USD, tương đương 30,3% tổng giá trị thương mại trên toàn cầu vào năm ngoái. Theo quy định, Hiệp định này sẽ có hiệu lực 60 ngày sau khi được ít nhất 6 quốc gia thành viên ASEAN và 3 đối tác phê chuẩn.

Tính đến nay, Ban Thư ký Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã nhận được văn kiện phê chuẩn từ 6 quốc gia thành viên, bao gồm Brunei, Campuchia, Lào, Singapore, Thái Lan và Việt Nam cũng như từ 4 quốc gia ký kết là Australia, Trung Quốc, Nhật Bản và New Zealand. Điều này có nghĩa là Hiệp định RCEP sẽ chính thức có hiệu lực vào ngày 1/1/2022.

Trong một tuyên bố ngày 2/11, Tổng thư ký ASEAN Dato Lim Jock Hoi nhấn mạnh: “Quá trình phê chuẩn khẩn trương của các quốc gia ký kết phản ánh trung thực cam kết mạnh mẽ đối với hệ thống thương mại đa phương công bằng và cởi mở, vì lợi ích của người dân trong khu vực và trên thế giới. Việc thực thi RCEP bắt đầu từ ngày 1/1 năm tới sẽ tạo động lực to lớn cho các nỗ lực phục hồi kinh tế hậu đại dịch COVID-19”.

WHO cấp phép sử dụng vaccine thứ 8 ngừa COVID-19

Ngày 3/11, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thông báo đã cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine COVID-19 do công ty Bharat Biotech (Ấn Độ) phát triển có tên là Covaxin. Đây là vaccine thứ 8 được WHO phê chuẩn khẩn cấp, trong bối cảnh số ca nhiễm COVID-19 mới trên toàn cầu đang có dấu hiệu tăng trở lại.

Vaccine Covaxin của Ấn Độ vừa được WHO cấp phép sử dụng khẩn cấp. (Ảnh: financialexpress.com) 

Covaxin là vaccine đầu tiên do Ấn Độ sản xuất được đưa vào danh sách sử dụng khẩn cấp của WHO, mở đường cho hàng triệu người trên khắp thế giới được tiếp cận với vaccine, đặc biệt tại các nước nghèo. Việc Covaxin được WHO cấp phép cũng có nghĩa rằng hàng triệu người dân Ấn Độ đã được tiêm vaccine này sẽ có thể nhập cảnh vào nước ngoài một cách dễ dàng hơn.

Trước khi được WHO cấp phép sử dụng khẩn cấp, vaccine Covaxin đã được phê chuẩn tại Ấn Độ từ tháng 1/2021- thời điểm thử nghiệm lâm sàng vaccine đang được thực hiện ở giai đoạn 3. Bharat Biotech sau đó đã công bố các dữ liệu cho thấy vaccine Covaxin có hiệu quả khoảng 78% trong phòng ngừa virus SARS-CoV-2.

Tháng trước, vaccine Covaxin đã được Nhóm chuyên gia tư vấn chiến lược về tiêm chủng (SAGE) của WHO xem xét nhằm đưa ra các chính sách cụ thể và khuyến nghị sử dụng vaccine. Theo khuyến cáo của SAGE, vaccine Covaxin cần được tiêm 2 liều cách nhau bốn tuần, đối với nhóm tuổi trên 18.

Như vậy, Covaxin là vaccine phòng COVID-19 thứ 8 được WHO cấp phép sau các loại vaccine gồm: Pfizer/BioNTech, AstraZeneca của Oxford, AstraZeneca của Viện huyết thanh Ấn Độ, Janssen, Moderna, Sinopharm/BBIP và Sinovac. Việc WHO bổ sung thêm ứng cử viên vào danh sách các loại vaccine được sử dụng khẩn cấp cũng đồng nghĩa rằng thế giới được trao thêm công cụ trong cuộc chiến chống đại dịch.

OPEC+ nhất trí duy trì mức tăng sản lượng dầu mỏ

Ngày 4/11, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ cùng các đối tác (OPEC+), đã nhất trí tiếp tục duy trì mức tăng sản lượng dầu thô thêm 400.000 thùng/ngày kể từ tháng 12/2021.

Quyết định trên được OPEC+ đưa ra bất chấp sức ép của Mỹ, Ấn Độ và Nhật Bản kêu gọi tăng mạnh sản lượng nhằm đối phó với giá dầu đang tăng đe dọa đến sự phục hồi kinh tế toàn cầu. Quyết định này của OPEC+ đã đẩy giá dầu tăng lên mức 86 USD/thùng, mức cao nhất trong 3 năm qua.

 OPEC+ đã nhất trí tiếp tục duy trì mức tăng sản lượng dầu thô thêm 400.000 thùng/ngày kể từ tháng 12/2021. (Ảnh: Financial Times)

OPEC+ đã thực hiện các biện pháp mang tính lịch sử vào tháng 4/2020 khi cắt giảm sản lượng 9,7 triệu thùng/ngày trong một nỗ lực hỗ trợ giá dầu khi nhu cầu đối với các sản phẩm dầu mỏ giảm mạnh do tác động của đại dịch COVID-19. Kể từ đó, OPEC+ đã từ từ đưa sản lượng trở lại thị trường, đồng thời nhóm họp mỗi tháng để thảo luận về chính sách sản lượng trong thời gian tiếp theo.

Tháng 7 vừa qua, OPEC+ cho biết, 23 thành viên của nhóm đã nhất trí từ tháng 8 đến tháng 12 sẽ cung cấp cho thị trường thêm 2 triệu thùng/ngày, tức mỗi tháng sẽ tăng sản lượng thêm 400.000 thùng/ngày. Cùng với đó, thay vì kết thúc thỏa thuận cắt giảm chung vào tháng 4/2022 như dự kiến ban đầu, OPEC+ sẽ điều chỉnh kế hoạch cho tới tháng 12/2022 nhằm đề phòng nguy cơ dịch bệnh bùng phát trở lại.

Hơn 200 người thương vong vì nổ xe bồn tại Sierra Leone

Ảnh: Hiện trường vụ nổ ở Sierra Leone tối 5/11 (Ảnh: AFP/ TTXVN) 

Theo thông tin mới nhất do giới chức Sierra Leone thông báo ngày 6/11, số nạn nhân thương vong trong vụ cháy nổ xe bồn chở xăng, xảy ra một ngày trước đó ở ngoại ô thủ đô Freetown của nước này, đã lên tới hơn 200 người, trong đó có ít nhất 99 người đã thiệt mạng. 

Thảm họa xảy ra tối 5/11 khi xe chở nhiên liệu này va chạm với một xe tải và phát nổ sau đó, gây cháy lớn lan sang nhiều phương tiện và cửa hàng gần đó. Người đứng đầu Cơ quan Xử lý thảm họa quốc gia Sierra Leone đánh giá vụ cháy nổ xe bồn lần này gây ra hậu quả khủng khiếp. 
Trong khi đó, bất chấp lực lượng cảnh sát và cứu hộ giải tán đám đông người tập trung tại hiện trường, nhiều người dân vẫn đổ xô tới khu vực xảy ra tai nạn do hiếu kỳ. 

Trong tuyên bố chia sẻ nỗi đau và mất mát với gia đình các nạn nhân, Tổng thống Sierra Leone Julius Maada Bio cam kết chính phủ sẽ có biện pháp hỗ trợ kịp thời./.

 

 
 
PV (tổng hợp)
351 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 991
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 991
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87037909