Thế giới tuần qua: thúc đẩy hợp tác ASEAN – Liên hợp quốc 

(ĐCSVN) – Bên cạnh những diễn biến đáng quan ngại của đại dịch COVID-19, thế giới tuần qua (23-29/11) đón nhận những thông tin đáng chú ý liên quan tới thúc đẩy hợp tác ASEAN – Liên hợp quốc; tình hình Trung Đông; cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ; và sự ra đi của huyền thoại bóng đá Maradona.
Thế giới tuần qua: thúc đẩy hợp tác ASEAN – Liên hợp quốc

Đại hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua nghị quyết hợp tác ASEAN – Liên hợp quốc

Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua nghị quyết hợp tác ASEAN - Liên hợp quốc ngày 23/11 (giờ New York, Mỹ). Đây là nghị quyết do Việt Nam thay mặt ASEAN chủ trì đề xuất.

Thông báo của Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết ngày 23/11, Đại hội đồng khóa 75 đã thảo luận và thông qua bằng đồng thuận nghị quyết về hợp tác ASEAN - Liên hợp quốc với 110 nước đồng bảo trợ. Đây là kỷ lục về số nước đồng bảo trợ kể từ khi nghị quyết về hợp tác ASEAN - Liên hợp quốc được đưa ra lần đầu tiên tại Đại hội đồng Liên hợp quốc năm 2002.

So với nghị quyết được thông qua gần nhất năm 2018, nghị quyết lần này đã cập nhật các kết quả hợp tác nổi bật giữa Liên hợp quốc và ASEAN từ năm 2018 đến nay như thành tựu thực hiện Kế hoạch hành động ASEAN - Liên hợp quốc 2016-2020, việc Hội đồng Bảo an lần đầu tiên tổ chức thảo luận về vai trò của ASEAN trong duy trì hòa bình và an ninh quốc tế trong tháng chủ tịch Hội đồng Bảo an của Việt Nam, và việc thông qua Kế hoạch hành động ASEAN - Liên hợp quốc giai đoạn 2021-2025.

"Các nỗ lực của ASEAN trong xây dựng cộng đồng và ứng phó với đại dịch COVID-19 cũng được nêu đậm. Nhiều nội dung hợp tác giữa Liên hợp quốc và ASEAN được bổ sung hoặc làm đậm như tăng cường quan hệ đối tác và hợp tác gìn giữ, xây dựng và duy trì hòa bình; giảm thiểu rủi ro thiên tai và tăng cường phản ứng trong các trường hợp khẩn cấp; đa dạng sinh học và các biện pháp thực hiện thập kỷ hành động thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững 2030", Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết.

Số ca nhiễm COVID-19 trên thế giới vượt cột mốc mới

Kenya đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân về phòng chống dịch COVID-19 thông qua những bức tranh vẽ trên tường  (Ảnh: AFP)  

Hơn một năm kể từ khi xuất hiện, số ca nhiễm COVID-19 không ngừng tăng và đã vượt con số 60 triệu trong tuần qua. Mọi hy vọng giờ trông chờ ở những tiến bộ về phát triển vaccine.

Tính đến sáng hôm nay (29/11), thế giới ghi nhận 62.548.937 ca nhiễm và 1.457.399 ca tử vong vì COVID-19. Dịch bệnh hiện đã lan ra 218 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Trong những ngày qua, tình hình dịch bệnh tại Mỹ đã chuyển biến xấu hơn, với số ca mắc COVID-19 gia tăng nhanh chóng và hiện đã tiến tới 13.607.974  trường hợp, tiếp tục là vùng dịch lớn nhất thế giới. Tình hình được dự báo là sẽ còn diễn biến nghiêm trọng nếu như các nhà chức trách không thực hiện các biện pháp phù hợp do nhu cầu đi lại của người dân đang gia tăng vào thời điểm ngày Lễ tạ ơn, Noel và năm mới… đang tới gần.

Sự bùng phát chưa có điểm dừng của đại dịch COVID-19 trên quy mô toàn thế giới đã kéo theo một cuộc đua phát triển vaccine ngừa COVID-19 giữa các nước ở mức độ nhanh chóng được đánh giá là “chưa từng có tiền lệ”. Hiện vaccine của Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức) và vaccine của Moderna (Mỹ), đều được phát triển bằng công nghệ RNA thông tin (mRNA), có hiệu quả thử nghiệm lần lượt là 95% và 94,5%, mở ra hi vọng chấm dứt đại dịch cho tới nay đã giết chết hơn 1,4 triệu người và tàn phá các nền kinh tế trên thế giới.

Chính phủ Donald Trump bắt đầu chuyển giao quyền lực

Tổng thống D.Trump (bên phải) tuyên bố cho phép người đứng đầu GSA bắt đầu quá trình chuyển giao quyền lực sang chính quyền của ông J.Biden. Nguồn: AFP. 

Cơ quan Dịch vụ Tổng hợp (GSA) hôm 23/11 thông báo: Chính phủ của Tổng thống Donald Trump sẵn sàng bắt đầu tiến trình chuyển giao quyền lực chính thức, trong một động thái nhằm “bật đèn xanh” cho cơ quan này hỗ trợ các quan chức trong chính phủ của Tổng thống Donald Trump phối hợp cùng đội ngũ của ông Joe Biden trong việc chuyển giao quyền lực giữa hai đời tổng thống, đồng thời giải ngân hàng triệu USD ngân sách nhằm hỗ trợ thực hiện quá trình này.

Quyết định của GSA được đưa ra trong bối cảnh các đồng minh đã bắt đầu quay lưng với Tổng thống D.Trump, trong khi đội ngũ pháp lý của ông D.Trump liên tiếp thất bại. Trong dòng chia sẻ trên Twitter đêm 23/11, Tổng thống D.Trump xác nhận bắt đầu tiến trình chuyển giao quyền lực tổng thống. “Vì lợi ích cao nhất của đất nước, tôi đã đề nghị Emily Murphy (Người đứng đầu Cơ quan Dịch vụ Tổng hợp) và đội ngũ của bà làm những gì cần làm trong phạm vi quy chuẩn ban đầu, tôi đã yêu cầu đội ngũ của mình làm điều tương tự”, ông D.Trump viết trên Twitter.

Thông tin về chuyển giao quyền lực tại Mỹ đã tác động tích cực đến thị trường tài chính khi các chỉ số chứng khoán thiết lập kỷ lục mới trong phiên giao dịch ngày 24/11. Điều này cho thấy tâm lý giới đầu tư đã được cải thiện khi biến động chính trị lắng dịu, đi kèm theo đó là niềm tin vào sự phục hồi của nền kinh tế số 1 thế giới trong năm sau bầu cử.

Liên hợp quốc kêu gọi kiềm chế sau vụ nhà khoa học Iran bị sát hại

Nhà khoa học hạt nhân Mohsen Fakhrizadeh của Iran vừa bị ám sát. (Ảnh: JNS.org)

Ngày 28/11, Liên hợp quốc (LHQ) đã kêu gọi kiềm chế sau khi căng thẳng gia tăng ở Trung Đông liên quan vụ việc nhà khoa học hạt nhân Mohsen Fakhrizadeh  của Iran bị ám sát. "Chúng tôi hối thúc kiềm chế và cần phải tránh bất cứ hành động nào có thể dẫn tới căng thẳng gia tăng trong khu vực. Chúng tôi cũng lên án bất cứ vụ ám sát hay sát hại mà không qua xét xử" - người phát ngôn Liên hợp quốc nói.

Cùng ngày, Đức hối thúc tất cả các bên kiềm chế, tránh leo thang căng thẳng có thể ảnh hưởng tới đàm phán về chương trình hạt nhân của Iran. Theo Bộ Ngoại giao Đức, điều quan trọng là duy trì cơ hội đàm phán nhằm giải quyết tranh cãi thông qua thương lượng. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Syria gọi vụ sát hại nhà khoa học hạt nhân Iran là một “hành động khủng bố”, đồng thời cảnh báo vụ việc có thể làm gia tăng căng thẳng trong khu vực. Bộ Ngoại giao Qatar cũng lên án vụ sát hại nhà khoa học Iran và kêu gọi các bên kiềm chế.

Theo truyền thông Iran, nhà khoa học hạt nhân hàng đầu của nước này là Mohsen Fakhrizadeh bị ám sát trong một vụ tấn công bằng bom xe và xả súng ở thành phố Absard thuộc khu vực Damavand, miền Đông Iran ngày 27/11. Đại giáo chủ Iran Ali Khamenei tuyên bố nước này sẽ có hành động đáp trả, đồng thời khẳng định công trình nghiên cứu của ông Fakhrizadeh sẽ tiếp tục được thực hiện. Hiện chưa có thông tin về nhóm tay súng gây ra vụ tấn công, song Iran đã nhiều lần cáo buộc phương Tây và Israel đứng sau hàng loạt vụ ám sát các nhà khoa học hạt nhân của nước này.

Huyền thoại bóng đá Diego Maradona qua đời

Maradona đã ra đi ở tuổi 60 (ảnh: skysports) 

Huyền thoại thoại bóng đá thế giới Diego Maradona đã trút hơi thở cuối cùng ở tuổi 60 vào ngày 24/11/2020 sau một cơn đau tim đột ngột. Ông vừa mới ra viện cách đây 3 tuần sau một ca phẫu thuật não khẩn cấp để loại bỏ cục máu đông.

Bệnh viện đã cử tới 9 xe cứu thương tới nhà của Diego Maradona sau khi nhận được yêu cầu cấp cứu vào giữa trưa. Tuy nhiên, không ai có thể kịp thời cứu Maradona khỏi cơn đau tim đột ngột.

Sự ra đi của một trong những cầu thủ bóng đá vĩ đại nhất trong thế kỷ 20 đã khiến người hâm mộ trên toàn thế giới bàng hoàng và thương tiếc. Tổng thống Argentina, ông Alberto Fernandez, tuyên bố quốc tang 3 ngày để tưởng nhớ Maradona. Để tri ân những cống hiến của huyền thoại bóng đá đối với đất nước.

20 giờ ngày 26/11 (giờ địa phương), thi hài Maradona đã được an táng tại nghĩa trang Bella Vista trong nghi thức tang lễ trang trọng có sự tham gia của người thân và bạn bè của gia đình ông./.

 
PV (tổng hợp)
212 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 615
    • Thành viên Thành viên 1
    • Tổng Tổng 616
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87018892