Thế giới tuần qua: Thiên tai liên tiếp tại nhiều nước 

(ĐCSVN) – Tuần qua, trong khi dịch COVID-19 vẫn tiếp tục lây lan thì nhiều nước lại phải đối mặt với những khó khăn mới do thiên tai gây ra. Bên cạnh đó, Nga tiến hành sửa đổi Hiến pháp, Mỹ phản đối Trung Quốc tập trận trên Biển Đông,…cũng là một số sự kiện đáng chú ý tuần qua.
Thế giới tuần qua: Thiên tai liên tiếp tại nhiều nước

Dịch COVID-19 tiếp tục lây lan nhanh chóng

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 6h sáng ngày 5/7 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 11.365.168 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó 532.694 ca tử vong. Mỹ vẫn là nước có nhiều bệnh nhân nhất thế giới với 2.934.176 ca, và nhiều ca tử vong nhất với 132.302 ca. Tiếp theo đó là Brazil với 1.577.004 ca nhiễm và 64.265 ca tử vong.

 Lực lượng quân đội Brazil tham gia khử trùng  một sân bay quốc tế ở Sao Paulo

(Ảnh: The Guardian)

Trước diễn biến dịch bệnh phức tạp, ngày 4/7, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã hối thúc các nước ảnh hưởng dịch phải tỉnh táo, nhận thức đúng đắn về mức độ nguy hiểm và diễn biến thực tế của dịch bệnh để từ đó kiểm soát được đại dịch. Giám đốc Chương trình Y tế khẩn cấp WHO, ông Michael Ryan nhấn mạnh các số liệu không thể nói dối và tình hình thực tế dịch bệnh là hết sức rõ ràng, đáng quan ngại là hiện có quá nhiều nước phớt lờ các dữ liệu thực tế.

 Quan chức WHO chia sẻ chính phủ các nước hoàn toàn có lý do chính đáng để từng bước nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch bệnh, từng bước vận hành trở lại nền kinh tế bị thiệt hại nặng nề trong đại dịch. Tuy nhiên, điều quan trọng là các hoạt động này cần được thực hiện song song với đảm bảo an toàn dịch tễ, đảm bảo giãn cách xã hội để ngăn chặn virus SARS-CoV-2 gây bệnh lây lan.

 Theo ông Ryan, dịch bệnh COVID-19 không thể biến mất một cách thần kỳ và nếu chính phủ các nước quá tập trung khôi phục trạng thái bình thường mà lơ là việc phòng dịch, nguy cơ dịch bệnh tái bùng phát với số bệnh nhân tăng mạnh là điều tất yếu. Khi hệ thống y tế bị quá tải và sụp đổ, sẽ có thêm nhiều người tử vong.

Nga sửa đổi Hiến pháp lớn nhất trong lịch sử

 
 Tổng thống Putin cảm ơn người dân Nga vì ủng hộ sửa đổi Hiến pháp (Ảnh: TASS)

Ngày 4/7, cổng công báo chính thức của Liên bang Nga đã đăng tải nội dung bản Hiến pháp sửa đổi được thông qua sau cuộc bỏ phiếu của cử tri Nga trên toàn quốc hôm 1/7 vừa qua.

Bản Hiến pháp, được thông qua lần đầu trong cuộc bỏ phiếu toàn dân ngày 12/12/1993, có tổng cộng 206 sửa đổi, trong đó có những nội dung chính liên quan đến các vấn đề xã hội, bao gồm những đảm bảo bảo vệ phẩm giá công dân và tôn trọng người lao động, lập chỉ mục lương hưu ít nhất một lần trong năm và đảm bảo thực hiện các nguyên tắc hợp tác xã hội trong lao động. Thêm vào đó, luật cơ bản sửa đổi của Nga cũng đề cập đến khả năng tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng với giá thành phù hợp, nhà nước đảm bảo ưu tiên giáo dục gia đình và trách nhiệm của cha mẹ đối với những trẻ em không được chăm sóc.
 
Hiến pháp sửa đổi cấm bầu công dân Nga đang hoặc từng là công dân của quốc gia khác hoặc có quyền định cư ở nước ngoài làm tổng thống. Điều này cũng áp dụng với các thượng nghị sĩ, hạ nghị sĩ, quan chức cấp cao khu vực, người đứng đầu các cơ quan liên bang, ủy viên nhân quyền, thẩm phán, công tố viên… Luật Cơ bản mới được ưu tiên hơn luật quốc tế, theo đó, Tòa án Hiến pháp Nga có quyền không thi hành quyết định của các cơ quan quốc tế nếu chúng mâu thuẫn với Luật Cơ bản.
 
Hiến pháp sửa đổi cũng tăng thêm quyền hạn cho Duma Quốc gia (Hạ viện) và Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga. Điều khoản quy định số lượng nhiệm kỳ của Tổng thống Nga hiện đã bỏ xóa bỏ từ “liên tục”, đồng thời bổ sung điều khoản không tính đến số lượng nhiệm kỳ mà Tổng thống đã đảm nhiệm tính đến thời điểm những nội dung sửa đổi Hiến pháp có hiệu lực.
 
Kể từ khi Hiến pháp nước Nga đương đại được thông qua năm 1993, trong vòng 27 năm, Luật cơ bản của Nga được sửa đổi 3 lần, nhưng đây là lần sửa đổi có quy mô lớn nhất. Việc sửa đổi Hiến pháp này sẽ làm thay đổi đáng kể cấu trúc quyền lực nhà nước Nga hiện nay, tạo ra một nền tảng mới về chất cho quá trình phát triển của cả một giai đoạn dài sắp tới.

Mỹ phản đối việc Trung Quốc tập trận trên Biển Đông

Ngày 2/7, Bộ Quốc phòng Mỹ đã ra tuyên bố phản đối cuộc tập trận quân sự của Trung Quốc trên Biển Đông.

 
Bộ Quốc phòng Mỹ ra tuyên bố nêu rõ, hành động của Trung Quốc sẽ làm bất ổn thêm tình hình tại Biển Đông. (Ảnh minh họa, nguồn: baoquocte.vn).
 

Tuyên bố của Bộ Quốc phòng Mỹ khẳng định, cơ quan này rất lo ngại việc Trung Quốc quyết định tiến hành tập trận quanh quần đảo Hoàng Sa ở Biển Đông ngày 1 - 5/7. Việc tiến hành các cuộc tập trận quân sự tại Biển Đông là phản tác dụng trước các nỗ lực hạ nhiệt căng thẳng và duy trì ổn định. Hành động của Trung Quốc sẽ tiếp tục gây bất ổn tình hình trên Biển Đông. Những cuộc tập trận tương tự cũng vi phạm cam kết của Trung Quốc trong Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) năm 2002 về tránh các hành động làm phức tạp hoặc gia tăng tranh chấp, cũng như ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định.

Bộ Quốc phòng Mỹ cho rằng, cuộc tập trận quân sự này là diễn biến mới nhất trong một loạt hành động của Trung Quốc nhằm khẳng định tuyên bố lãnh hải bất hợp pháp, gây tổn hại đến các nước láng giềng Đông Nam Á trên Biển Đông. Hành động của Trung Quốc đi ngược cam kết không quân sự hóa Biển Đông cũng như tầm nhìn của Mỹ về một khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và rộng mở, trong đó, tất cả các quốc gia, dù lớn hay nhỏ đều được bảo đảm về chủ quyền, không bị ép buộc và có thể theo đuổi tăng trưởng kinh tế phù hợp với luật pháp và thông lệ quốc tế.

Tuyên bố khẳng định, Bộ Quốc phòng Mỹ sẽ tiếp tục theo sát tình hình, với hy vọng Trung Quốc sẽ hạn chế các hành vi quân sự hóa và ép buộc các nước láng giềng trên Biển Đông. Bộ Quốc phòng Mỹ kêu gọi tất cả các bên kiềm chế và không thực hiện các hành động quân sự có thể làm trầm trọng thêm tranh chấp ở Biển Đông.

Mưa lũ nghiêm trọng tại nhiều nước

Đợt mưa lũ nghiêm trọng kéo dài ở miền Nam Trung Quốc từ đầu tháng 6 đến nay đã gây ngập lụt và thiệt hại nghiêm trọng cho nhiều khu vực ở nước này. Theo số liệu mới nhất của nhà chức trách Trung Quốc, đợt mưa lũ lịch sử này ảnh hưởng đến gần 20 triệu người.

Nhà cửa bị nước lũ nhấn chìm ở Kumamoto, Nhật Bản  ngày 4/7 (Ảnh: TTXVN) 

Ngày 3/7, Ban Chỉ huy phòng chống lũ lụt và hạn hán quốc gia Trung Quốc cho biết hiện cả hai miền Nam và Bắc Trung Quốc đều đã bước vào mùa lũ chính. Từ đầu năm đến nay, Trung Quốc đã phải hứng chịu nhiều đợt mưa lũ với lượng mưa nhiều, có nơi cường độ mạnh, một số huyện thị vượt mức kỷ lục trong lịch sử. Tính đến nay, đợt mưa lũ lần này đã làm 19.380.000 người thuộc 26 tỉnh, thành và khu tự trị ở Trung Quốc bị ảnh hưởng, trong đó có 875.000 người phải di dời khẩn cấp, 235.000 ngôi nhà bị sập hoặc hư hỏng, 1.560.000 hécta hoa màu bị tàn phá. Ước tính, thiệt hại kinh tế trực tiếp do đợt thiên tai này đã lên tới gần 6 tỷ USD.

 Nhà chức trách Trung Quốc cho biết đợt mưa lũ lần này đã khiến cho mực nước của 277 con sông trên cả nước vượt mức báo động, trong đó 11 con sông vượt kỷ lục trong lịch sử, đe dọa một số hồ đập chứa nước.

Trong khi đó, các nhà chức trách Nhật Bản cho biết mưa lớn ở các tỉnh miền Nam Kumamoto và Kagoshima đã gây lụt lội trong ngày 4/7, làm 9 người mất tích và 15 người thiệt mạng. Khoảng 203.200 người đã được yêu cầu sơ tán.

Cơ quan Khí tượng Nhật Bản đã lần đầu tiên nâng cảnh báo mưa lớn ở nhiều nơi trong hai tỉnh trên lên mức cao nhất. Chính quyền tỉnh đã đề nghị triển khai Lực lượng Phòng vệ mặt đất (GSDF) hỗ trợ công tác cứu hộ thiên tai. Trước đó, trong cuộc họp nội các khẩn cấp, Thủ tướng Shinzo Abe đã ra lệnh cho 10.000 binh sỹ sẵn sàng tham gia vào công tác cứu hộ, cứu nạn. Ngoài ra, ông cũng chỉ đạo cơ quan chức năng nhanh chóng chuyển hàng cứu trợ tới người dân vùng thiên tai.

Lở đất gây thương vong lớn ở Myanmar

Số người thiệt mạng trong vụ lở đất ở mỏ ngọc bích thuộc thị trấn Hpakant, bang Kachin, miền Bắc Myanmar đã lên tới con số 162 người. Con số thương vong được sự báo sẽ tiếp tục tăng lên.

 Ít nhất 162 người đã thiệt mạng trong vụ lở đất ở bang Kachin, Myanmar ngày 2/7 (Ảnh: AP)

Vụ việc xảy ra vào khoảng 8 giờ sáng ngày 2/7. Các nạn nhân đều là người lao động tại khu mỏ này. Nguyên nhân vụ lở đất được cho là do mưa lớn kéo dài nhiều ngày. Hiện công tác tìm kiếm những người mất tích vẫn đang được tiếp tục.

Trước việc mưa lớn nhiều ngày gây sạt lở mỏ khai thác ngọc tại bang Kachin gây thương vong lớn, theo đề xuất của Việt Nam với tư cách Chủ tịch ASEAN, ngày 04/07/2020, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đã ra tuyên bố bày tỏ cảm thông và chia buồn sâu sắc tới chính phủ và nhân dân Myanmar.

Các vụ lở đất gây chết người thường xuyên xảy ra tại bang Kachin, đặc biệt là khu mỏ Hpakant, phần lớn là do tình trạng bị sập từng phần của các đống phế thải quặng và các đập ngăn nước. Trước vụ lở đất nói trên, hồi cuối năm 2015 cũng tại Hpakant đã xảy ra một vụ lở đất tương tự làm ít nhất 116 người chết./.

 

 
PV (tổng hợp)
343 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1176
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1176
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87153935