Ngày 1/7, lễ kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc (1/7-1921 - 1/7/2021) đã diễn ra tại Quảng trường Thiên An Môn ở thủ đô Bắc Kinh.
Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quân ủy Trung ương Tập Cận Bình tham dự và có bài phát biểu quan trọng, nêu bật những thành tựu trong thế kỷ qua của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Trong bài phát biểu, Tổng Bí thư Tập Cận Bình khẳng định Trung Quốc đã hoàn thành mục tiêu “100 năm đầu tiên” là xây dựng xã hội toàn diện khá giả và đang tiến những bước hướng tới mục tiêu “100 năm thứ hai” là xây dựng Trung Quốc trở thành một nước xã hội chủ nghĩa hiện đại về mọi mặt.
Tổng Bí thư Tập Cận Bình đã tổng kết 4 thành tựu chính mà Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đạt được trong một thế kỷ qua, bao gồm: đoàn kết và lãnh đạo nhân dân Trung Quốc tiến hành công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc; đoàn kết và lãnh đạo nhân dân xây dựng một nước Trung Quốc mạnh hơn trên tinh thần tự lực, tự cường và đạt được thành tựu to lớn trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội; đoàn kết và lãnh đạo nhân dân Trung Quốc thực hiện công cuộc cải cách mở cửa và hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa; đoàn kết và lãnh đạo nhân dân Trung Quốc đẩy mạnh sự nghiệp vĩ đại, thực hiện đổi mới và đạt được thành tựu to lớn trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới.
Trong 100 năm qua, đặc biệt sau 40 năm cải cách mở cửa, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã lãnh đạo nhân dân Trung Quốc đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong các lĩnh vực kinh tế-xã hội, khoa học-công nghệ, giáo dục, văn hóa, thể thao.
Từ một nước gặp nhiều khó khăn vào năm 1949, đến nay, Trung Quốc đã vươn lên, trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới; vị thế quốc tế không ngừng được nâng cao; Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng trưởng 189 lần; tổng lượng thương mại đứng đầu thế giới; là đối tác thương mại lớn nhất của 130 nền kinh tế; đóng góp khoảng 30% cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu; GDP bình quân đầu người tăng hơn 70 lần.
Hiện Trung Quốc đã bắt tay thực hiện Quy hoạch 5 năm lần thứ 14 và Mục tiêu tầm nhìn tới năm 2035, hướng tới mục tiêu “100 năm” lần thứ hai là xây dựng Trung Quốc thành nước xã hội chủ nghĩa hiện đại, giàu mạnh, dân chủ, văn minh, hài hòa và tươi đẹp.
Hộ chiếu vaccine điện tử bắt đầu có hiệu lực tại châu Âu
|
Hộ chiếu vaccine điện tử. (Ảnh: veridos.com) |
Hộ chiếu vaccine điện tử của Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là chứng nhận EU Digital Covid Certificate (EUDCC), bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/7.
Chứng chỉ EUDCC cơ bản là một mã QR dạng số trên điện thoại thông minh hoặc bản cứng - sẽ thể hiện người mang thiết bị này đã được tiêm một trong các loại vaccine được EU chấp thuận hay chưa (gồm BioNTech/Pfizer, AstraZeneca, Moderna hoặc Johnson & Johnson), cũng như người đã hồi phục sau khi mắc COVID-19 hoặc có xét nghiệm âm tính trong vòng 72 giờ.
Theo luật của EU, người có chứng chỉ trên không cần thực hiện cách ly hoặc xét nghiệm thêm khi đi du lịch trong 27 nước thành viên của EU và 4 quốc gia liên kết (gồm Iceland, Na Uy, Thụy Sĩ và Liechtenstein).
Ủy viên Tư pháp EU Didier Reynders khuyến nghị tất cả các quốc gia thành viên của EU sử dụng một công cụ như vậy không chỉ để tự do đi lại mà còn sử dụng cho tất cả các mục đích khác ở mỗi nước như đi xem hòa nhạc, lễ hội, nhà hát, nhà hàng... Tính đến ngày 30/6, đã có 21 quốc gia thành viên EU chấp nhận chứng chỉ trên.
EU cũng đang nỗ lực để đảm bảo chứng nhận số của mình tương thích với các sản phẩm tương tự ở các quốc gia không thuộc Liên minh. Anh đã xây dựng ứng dụng riêng là NHS Covid Pass, trong khi Scotland và xứ Wales chưa cấp chứng nhận số và hiện dùng giấy xác nhận.
Các lực lượng nước ngoài rời khỏi căn cứ quân sự Bagram ở Afghanistan
|
Toàn cảnh căn cứ không quân Bagram. (Ảnh: AFP) |
Ngày 2/7, truyền thông Afghanistan dẫn lời quan chức giấu tên của Bộ Quốc phòng nước này cho biết toàn bộ binh sỹ Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã rời khỏi căn cứ không quân Bagram, gần thủ đô Kabul, đánh dấu việc sắp hoàn tất kế hoạch rút toàn bộ binh sỹ nước ngoài khỏi Afghanistan.
Quan chức trên cho hay, Các lực lượng An ninh và Quốc phòng Afghanistan (ANDSF) đã kiểm soát toàn bộ căn cứ quân sự trên sau 2 thập kỷ các lực lượng nước ngoài hiện diện tại đây.
Từ ngày 1/5 vừa qua, Mỹ đã bắt đầu rút quân khỏi Afghanistan, sau khi Tổng thống Joe Biden ra lệnh tất cả binh sỹ Mỹ rời khỏi nước này trước ngày 11/9. Theo kế hoạch, khoảng 3.500 binh sỹ Mỹ và 7.000 binh sỹ NATO sẽ rút khỏi Afghanistan vào mốc thời gian trên.
Các lực lượng liên minh được cho là đã chuyển giao gần hết 9 căn cứu quân sự trên khắp lãnh thổ Afghanistan cho lực lượng nước sở tại. Mỹ và NATO sẽ duy trì binh sỹ tại một căn cứ ở Kabul trước khi toàn bộ lực lượng nước ngoài rời khỏi nước này, song không rõ số lượng cụ thể.
Căn cứ quân sự Bagram được biết đến là nơi quân đội Mỹ thực hiện các cuộc không kích và hỗ trợ hậu cần để hỗ trợ cho sứ mệnh tại Afghanistan. Căn cứ này nằm cách thủ đô Kabul 60 km về phía Bắc. Việc Mỹ rút lực lượng khỏi Bagram được đánh giá là một diễn biến mang tính biểu tượng, khép lại cuộc chiến dài hơi nhất trong lịch sử Mỹ từ trước tới nay.
Hàng trăm người tử vong vì nắng nóng tại Mỹ, Canada
|
Trẻ em tránh nóng trong công viên nước tại Richmond, British Columbia, Canada,
ngày 29/6/2021. (Ảnh: AFP/Getty Images)
|
Đợt nắng nóng kỷ lục tại Tây Bắc Thái Bình Dương đã khiến hàng trăm người tử vong tại Mỹ và Canada, phần lớn là người cao tuổi.
Tại Tây Bắc nước Mỹ, hơn 4,5 triệu người dân tại bang Washington và Oregon đang phải trải qua đợt nắng nóng kỷ lục kéo dài. Nhà chức trách cho biết, chỉ riêng bang Oregon, có đã có hơn 60 người thiệt mạng vì nắng nóng, phần lớn là người ở quận Multnomah.
Trong khi đó, tại bang Washington có hơn 20 người tử vong liên quan đến nắng nóng. Nhiệt độ ở bang Washington và Oregon đã tăng cao trên 40 độ C vào cuối tuần trước. Thành phố Portland nằm ở cực bắc của vùng đông dân nhất Oregon đạt kỷ lục 47 độ C vào ngày 27/6.
Tại Canada, theo Cơ quan Điều tra những vụ chết bất thường tại tỉnh British Columbia (BC Coroners Service), tỉnh miền Tây này đã có 719 ca đột tử trong tuần qua. Bà Lisa Lapointe, người đứng đầu BC Coroners Service cho rằng có khả năng thời tiết khắc nghiệt mà British Columbia đã phải hứng chịu trong tuần qua là một yếu tố làm tăng đáng kể vào số người qua đời.
Số ca đột tử tăng mạnh sau một đợt nắng nóng nguy hiểm, phá vỡ các kỷ lục về nhiệt độ trên toàn tỉnh đông dân thứ ba Canada này. Cơ quan Điều tra những vụ chết bất thường tại tỉnh British Columbia đã nhận được một số lượng lớn chưa từng có các báo cáo về những trường hợp đột tử trên khắp tỉnh từ ngày 25/6. Trước đợt nắng nóng này, British Columbia chỉ ghi nhận 3 trường hợp tử vong liên quan đến nắng nóng trong vòng 3-5 năm qua. Đợt nắng nóng này khiến giới khoa học Canada bất ngờ khi diễn ra trong tháng 6. Trước đó, những đợt nóng thường đến vào cuối tháng 7 hoặc sang tháng 8.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã xác định biến đổi khí hậu là mối đe dọa lớn nhất đối với sức khỏe con người trong thế kỷ 21. Các nhà khoa học Canada dự đoán tỷ lệ nhập viện liên quan đến nắng nóng sẽ tăng ít nhất 20% vào giữa thế kỷ này. Trong một loạt kịch bản về biến đổi khí hậu, tốc độ nóng lên tại Canada được dự báo có thể cao gấp đôi so với mức trung bình trên toàn cầu. Về tình trạng nắng nóng hiện nay ở bờ Tây, các chuyên gia môi trường cảnh báo đây không phải là trạng thái bình thường mới, mà tình hình sẽ còn tồi tệ hơn trong những thập kỷ tới.
OPEC+, không đạt được thỏa thuận về hạn ngạch khai thác dầu
|
Cuộc họp của OPEC+ sẽ được hoãn sang ngày 5/7 do không đạt được thỏa thuận về hạn ngạch khai thác. (Ảnh: Reuters) |
Ngày 2/7, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các quốc gia sản xuất dầu liên minh, còn gọi là OPEC+, đã không đạt được thỏa thuận về hạn ngạch khai thác bắt đầu từ tháng 8 tới. Theo đó nhóm này cho biết cuộc thương lượng sẽ được hoãn sang ngày 5/7.
Trước đó cùng ngày, một người phát ngôn của Chính phủ Nga đã không bình luận khi được hỏi liệu sự bế tắc hiện nay có tạo ra cuộc khủng hoảng giống như từng xảy ra hồi tháng 3/2020 hay không.
Theo các nhà phân tích thuộc ngân hàng Deutsche, trở ngại trong các cuộc thảo luận hôm 1/7 của OPEC+ là "do Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đưa ra phản đối vào phút chót đối với thỏa thuận mà Nga và Saudi Arabia đạt được trước đó cùng ngày".
Ông Ole Hansen, chuyên gia thuộc Tập đoàn Saxo Bank cho hay, "UAE, nước tăng năng lực khai thác từ năm 2018 khi các giới hạn sản lượng của từng nước đã được ấn định, kiên quyết đòi nâng hạn ngạch của mình thêm 0,6 triệu thùng/ngày lên 3,8 triệu thùng/ngày, do đó cho phép UAE đơn phương tăng sản lượng trong khuôn khổ hạn ngạch hiện tại".
Chuyên gia phân tích thị trường dầu mỏ Louise Dickson thuộc hãng tư vấn năng lượng Rystad Energy (Na Uy) nhận định: "Cuộc thương lượng ... sẽ khó khăn do OPEC+ biết rằng nếu UAE được phép khai thác theo hạn ngạch riêng thì các thành viên khác cũng có thể phản đối"./.