Thế giới tuần qua: Tăng cường phối hợp giải quyết các thách thức chung 

(ĐCSVN) – Tham dự phiên thảo luận mở cấp cao của HĐBA LHQ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có bài phát biểu quan trọng cùng những đề xuất thiết thực để ứng phó hiệu quả với các thách thức an ninh biển – một vấn đề quan trọng của khu vực và thế giới hiện nay. Bên cạnh đó, mối lo ngại từ biến thể mới Lambda; tình hình căng thẳng ở Afghanistan; sự nóng lên toàn cầu đang tăng lên với tốc độ chưa từng có; IEA hạ dự báo nhu cầu dầu mỏ toàn cầu năm 2021… là những sự kiện đáng chú ý của thế giới tuần qua (9-15/8).
Thế giới tuần qua: Tăng cường phối hợp giải quyết các thách thức chung

An ninh biển – vấn đề quan trọng của khu vực và thế giới hiện nay

Ngày 9/8, phiên thảo luận mở cấp cao với chủ đề “Tăng cường an ninh biển - Một lĩnh vực hợp tác quốc tế” đã diễn ra theo hình thức trực tuyến. Đây là lần đầu tiên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) tổ chức một cuộc họp chính thức riêng về chủ đề an ninh biển, trong bối cảnh có nhiều thách thức gia tăng đối với an ninh biển trên thế giới và ở các khu vực.

 Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên thảo luận mở cấp cao của HĐBA LHQ
về Tăng cường an ninh biển vào tối 9/8. (Nguồn: TTXVN) 

Tham dự sự kiện này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có bài phát biểu quan trọng cùng những đề xuất thiết thực để ứng phó hiệu quả với các thách thức an ninh biển. Trong bài phát biểu, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề cập đến những chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước Việt Nam về biển, trong đó có Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam; đề nghị tăng cường hợp tác quốc tế để giải quyết các thách thức chung về an ninh biển, thúc đẩy việc tôn trọng, tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 và bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của các quốc gia ven biển; qua đó thể hiện vai trò, đóng góp trách nhiệm của Việt Nam đối với công việc của Hội đồng Bảo an nói riêng và định hướng quá trình thảo luận về biển tại các diễn đàn đa phương nói chung.

Bài phát biểu của nhà lãnh đạo Việt Nam đã được các nước, giới chuyên gia, học giả, bạn bè quốc tế đánh giá tích cực. Nhiều ý kiến khẳng định bài phát biểu và những đề xuất của Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận được sự ủng hộ của nhiều nước vì đề cao luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, và thiết thực với mỗi quốc gia. Qua đây cũng cho thấy quyết tâm của Việt Nam cùng cộng đồng quốc tế xây dựng một trật tự công bằng, khuyến khích sự phát triển và hợp tác trên biển cũng như duy trì an ninh trên biển.

Sau phiên thảo luận do Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, Chủ tịch luân phiên của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc chủ trì, Ấn Độ cho rằng 3 đề xuất mà Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ra trong bài phát biểu đã góp phần tạo nên sự thành công lớn cho sự kiện này.

Với sự tham gia chủ động, tích cực và xây dựng, Việt Nam tiếp tục đóng góp vào nỗ lực chung để bảo vệ và tăng cường an ninh biển vì hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực và trên thế giới, đồng thời cũng khẳng định rõ vai trò và nâng tầm vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Mối lo ngại từ biến thể mới Lambda

Trong khi cả thế giới vẫn đang vật lộn với cuộc chiến chống đại dịch COVID-19, đặc biệt với sự hoành hành của biến thể Delta thì sự xuất hiện của biến thể mới Lambda đã làm dấy thêm những lo ngại về diễn biến phức tạp của dịch bệnh.

Sự xuất hiện của biến thể Lambda khiến cuộc chiến chống dịch COVID-19 trên thế giới trở nên phức tạp hơn (Ảnh minh họa: The Quint)

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), biến thể Lambda được phát hiện đầu tiên ở Lima (Peru) vào tháng 8/2020. Từ ngày 14/6, biến thể Lambda đã được WHO xếp vào danh mục biến thể cần chú ý (VOI), mức thấp hơn các biến thể cần quan tâm (VOC) như biến thể Delta. Đến cuối tháng 6, biến thể Lambda xuất hiện ở gần 30 nước. Tuy nhiên, trong thời gian ngắn, Lambda đã nhanh chóng trở thành biến thể chủ đạo tại các quốc gia Mỹ Latinh. Theo thống kê của WHO, khoảng 81% người nhiễm COVID-19 ở Peru kể từ tháng 4/2021 đến nay là nhiễm biến thể Lambda. Hiện biến thể Lambda đã có mặt ở ít nhất 41 quốc gia.

Mặc dù đến nay chưa thể xác định liệu biến thể Lambda có nguy hiểm hơn biến thể Delta hay không, nhưng một số nhà nghiên cứu cảnh báo, biến thể Lambda có thể trở thành mối đe dọa tiềm tàng với xã hội loài người. Biến thể này đang có nhiều biến đổi bất thường và có khả năng kháng vaccine.

Tuy nhiên, hiện vẫn còn quá sớm để xác định liệu biến thể Lambda có dẫn đến nguy cơ bệnh nặng hoặc tử vong cao hơn, hay có thể trở thành biến thể chủ đạo hay không. Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến khó lường, việc khống chế dịch song song với tiêm vaccine phòng COVID-19 là những  biện pháp hữu hiệu nhất góp phần ngăn chặn sự xuất hiện của những biến thể mới khác của virus SARS-CoV-2.

Trước biến thể Lambda, có 4 biến thể SARS-CoV-2 được WHO xếp vào nhóm đáng lo ngại bao gồm: Alpha, Beta, Gamma và Delta được phát hiện lần đầu tại Anh, Nam Phi, Brazil và Ấn Độ. Trong đó, biến thể Delta được coi là nguy hiểm nhất, là chủng lây nhiễm chủ đạo trên toàn cầu.

Trang thống kê trực tuyến worldometers.info tiếp tục cập nhật các số liệu mới nhất tính đến sáng 15/8 cho thấy, tổng cố ca mắc COVID-19 trên toàn thế giới là 207.446.049 ca, trong đó 4.365.961 ca đã tử vong và 185.974.289 ca đã được chữa khỏi. Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, các nước đang đẩy nhanh chương trình tiêm chủng vaccine để sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường.

Tình hình căng thẳng ở Afghanistan

Trong những tuần gần đây, nhiều thành phố và một nửa trong số 34 tỉnh của đất nước Afghanistan đã chứng kiến các cuộc giao tranh ác liệt giữa Taliban và lực lượng an ninh Afghanistan.

 Các tay súng Taliban sau khi chiếm được thành phố Kandahar, Afghanistan ngày 13/8/2021. (Ảnh: PM News/TTXVN)

Mới đây nhất, người đứng đầu hội đồng tỉnh - ông Bakhtiar Gul Zadran ngày 14/8 cho biết các tay súng thuộc lực lượng Taliban đã kiểm soát thành phố Sharan, nằm ở phía Đông của tỉnh Paktika. Trước đó vài giờ, hãng tin AP của Mỹ dẫn các nguồn tin địa phương cho biết các nhóm thuộc lực lượng Taliban đã giành kiểm soát tỉnh Logar, nằm ở phía Đông Nam thủ đô Kabul. Theo một nghị sỹ người Afghanistan, các tay súng của Taliban đã thiết lập kiểm soát trên toàn tỉnh, bao gồm cả tỉnh lỵ. Hiện Taliban chỉ còn cách thủ đô Kabul chưa đầy 80km

Từ đầu tháng 5 vừa qua, Taliban đã phát động một cuộc tấn công quy mô lớn chống chính phủ Afghanistan, trong bối cảnh các lực lượng quốc tế tiến hành chiến dịch rút quân khỏi nước này, dự kiến kết thúc vào cuối tháng 8. Trong bối cảnh đó, nhiều nước đã đóng cửa Đại sứ quán và bắt đầu xúc tiến kế hoạch đưa công dân về nước.

Taliban đang dùng biện pháp quân sự để khôi phục quyền lực bị lật đổ 20 năm trước, sau chiến dịch can thiệp quân sự của Mỹ. Sau khi Mỹ và các lực lượng nước ngoài bắt đầu rút quân khỏi Afghanistan hồi tháng 5 vừa qua, Taliban liên tục tiến công nhiều khu vực và hiện kiểm soát hơn 65% lãnh thổ Afghanistan. Tình trạng bạo lực gia tăng đang đẩy Afghanistan lún sâu vào vòng xoáy bất ổn, gây nhiều thương vong cho dân thường

Sự nóng lên toàn cầu đang tăng lên với tốc độ chưa từng có

Theo báo cáo mới nhất vừa được Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC) công bố ngày 9/8, biến đổi khí hậu đang diễn ra phổ biến, ngày càng gia tăng và mạnh mẽ, vì vậy một số tác động này hiện nay là không thể đảo ngược, ít nhất là vào thời điểm hiện tại. Theo IPCC, biến đổi khí hậu do con người gây ra đã và đang ảnh hưởng đến nhiều hiện tượng thời tiết và khí hậu cực đoan ở tất cả các khu vực trên thế giới.

 Nhiệt độ trái đất đang tiếp tục gia tăng. (Ảnh minh họa: Khánh Linh)

Báo cáo được tổng hợp bởi 234 nhà khoa học từ 66 quốc gia, chỉ ra rằng ảnh hưởng của con người đã làm khí hậu nóng lên với tốc độ chưa từng có trong ít nhất 2.000 năm. Báo cáo chỉ ra rằng lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính do các hoạt động của con người là nguyên nhân gây ra hiện tượng ấm lên khoảng 1,1°C trong khoảng thời gian từ năm 1850 – 1900. Nghiên cứu cho thấy rằng, trung bình trong 20 năm tới, nhiệt độ toàn cầu sẽ đạt hoặc vượt quá 1,5°C.

Theo đó, trái đất nóng lên 1,5°C sẽ gây ra các đợt nắng nóng, mùa nóng kéo dài hơn và mùa lạnh ngắn ngày càng thường xuyên hơn. Ở mức 2°C của hiện tượng ấm lên toàn cầu, nhiệt độ cực cao có nhiều khả năng đạt đến ngưỡng dung sai quan trọng đối với nông nghiệp và sức khỏe.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia IPCC, vẫn còn thời gian để hạn chế biến đổi khí hậu. Việc giảm phát thải CO2 và các khí nhà kính khác một cách mạnh mẽ và lâu dài có thể nhanh chóng cải thiện chất lượng không khí và trong vòng 20 – 30 năm, nhiệt độ toàn cầu có thể ổn định.

IEA hạ dự báo nhu cầu dầu mỏ toàn cầu năm 2021

Ngày 12/8, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) có trụ sở tại Paris (Pháp) dự báo, nhu cầu dầu mỏ toàn cầu từ nay đến cuối năm sẽ giảm “đáng kể” trong bối cảnh các quốc gia trên thế giới buộc phải áp đặt các biện pháp hạn chế nhằm ngăn chặn sự lây lan do biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 gây ra.

 Giá dầu thế giới đã giảm 6% trong tháng này do biến thể Delta đang lây lan nhanh chóng tại các nền kinh tế quan trọng tại châu Á. (Ảnh: AFP) 

Theo báo cáo hàng tháng của IEA, cơ quan này dự đoán rằng việc sử dụng nhiên liệu trên thế giới sẽ tăng thêm 5,3 triệu thùng/ngày lên trung bình 96,2 triệu thùng/ngày trong nửa cuối năm 2021, giảm 500.000 thùng/ngày so với mức dự báo trước đó do diễn biến xấu của dịch bệnh. Trước khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát, nhu cầu dầu mỏ thế giới đạt mức 100 triệu thùng/ngày.

“Tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ trong nửa cuối năm 2021 sẽ giảm đáng kể do các biện pháp hạn chế được áp đặt tại một số thị trường tiêu thụ nhiều dầu mỏ, đặc biệt tại châu Á”, báo cáo nêu rõ.

IEA cũng cho biết sản lượng khai thác dầu toàn cầu dự kiến tiếp tục tăng sau khi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (OPEC+) nhất trí tăng sản lượng. Ngày 18/7 vừa qua, OPEC+ cho biết, 23 thành viên của nhóm đã nhất trí từ tháng 8 đến tháng 12 sẽ cung cấp cho thị trường thêm 2 triệu thùng/ngày, tức mỗi tháng sẽ tăng sản lượng thêm 400.000 thùng/ngày.

Giá dầu thế giới đã giảm 6% trong tháng này do biến thể Delta đang lây lan nhanh chóng tại các nền kinh tế quan trọng tại châu Á. Giá dầu thô Brent hiện đang giao dịch quanh ngưỡng 71 USD/thùng sau khi chạm mức kỷ lục trong vòng 2 năm khi giao dịch ở mức 78 USD/thùng vào đầu tháng 7.

OPEC+ đã thực hiện các biện pháp mang tính lịch sử vào tháng 4/2020 khi cắt giảm sản lượng 9,7 triệu thùng/ngày trong một nỗ lực hỗ trợ giá dầu khi nhu cầu đối với các sản phẩm dầu mỏ giảm mạnh do tác động của đại dịch COVID-19. Kể từ đó, OPEC+ đã từ từ đưa sản lượng trở lại thị trường, đồng thời nhóm họp mỗi tháng để thảo luận về chính sách sản lượng trong thời gian tiếp theo./.

 
PV (tổng hợp)
73 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 497
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 497
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 77995468