Tân Thủ tướng Anh và “di sản đầy thách thức” về Brexit

Ngày 24/7, ngay sau khi có bài phát biểu đầu tiên bên ngoài số 10 phố Downing, tại London, trên cương vị Thủ tướng mới của nước Anh, ông Boris Johnson bắt đầu bổ nhiệm Nội các mới với hy vọng nhóm này sẽ giúp ông tiến hành Brexit đúng hạn chót 31/10 tới.


Tân Thủ tướng Anh Boris Johnson phát biểu tại số 10 phố Downing
ở thủ đô London ngày 24/7/2019. 
Ảnh: THX/ TTXVN.

Trong danh sách nội các mới của Chính phủ Anh, ông Johnson đã thay thế nhiều vị trí chủ chốt bằng những gương mặt mới. Phần lớn những bộ trưởng được ông lựa chọn đều có quan điểm ủng hộ Anh rời Liên hiệp châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit. Ông Dominic Raab thay thế Bộ trưởng Ngoại giao Jeremy Hunt, ông Sajid Javid thay thế Bộ trưởng Tài chính Philip Hammond, bà Priti Patel thay thế Bộ trưởng Nội vụ Sajid Javid, ông Ben Wallace thay thế Bộ trưởng Quốc phòng Penny Mordaunt, bà Liz Truss kế nhiệm Bộ trưởng Thương mại Liam Fox...

Một số bộ trưởng vẫn giữ nguyên vị trí là Bộ trưởng phụ trách vấn đề Brexit Stephen Barclay, Bộ trưởng Y tế Matt Hancock, Bộ trưởng Việc làm và Hưu trí Amber Rudd.

Trong bài phát biểu đầu tiên bên ngoài số 10 phố Downing sau khi chính thức tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng Anh, ông Johnson một lần nữa cam kết sẽ đưa Anh rời EU vào ngày 31/10/2019 và sẽ đạt được thỏa thuận mới với EU. Song, ông Johnson cũng cảnh báo nếu EU từ chối đàm phán với Anh thì có thể Brexit không thỏa thuận sẽ xảy ra. Ông cam kết sẽ đẩy nhanh công tác chuẩn bị cho kịch bản này dù thừa nhận rằng Anh không muốn rời EU theo cách như vậy.

Ngày 27/7, tân Thủ tướng Anh Boris Johnson đã nêu trở ngại lớn nhất trong tiến trình Brexit đó là việc loại bỏ điều khoản gây tranh cãi liên quan tới đường biên giới trên đảo Ireland trong thỏa thuận đã ký hồi năm 2018, đồng thời tuyên bố thêm rằng Anh EU sẽ chỉ có thể thúc đẩy Brexit vấn đề này được thực hiện.

Hiện dư luận đang trông đợi vào những hành động cụ thể của tân Thủ tướng Anh trong vòng 3 tháng tới, để có thể vượt qua những thách thức còn đang tồn tại, giúp chấm dứt cuộc khủng hoảng Brexit đã khiến chính trường Anh gặp nhiều sóng gió trong suốt 3 năm qua.

Hạ viện Mỹ lên án Trung Quốc vi phạm chủ quyền Việt Nam ở Biển Đông

Ngày 26/7, Hạ nghị sỹ Eliot L.Engel, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ đã ra tuyên bố về sự can thiệp của Trung Quốc vào vùng biển do Việt Nam kiểm soát.


Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ Eliot Engel (giữa) tại Washington DC
(Ảnh: AFP/TTXVN)

Tuyên bố nêu rõ, sự hung hăng gần đây của Trung Quốc ở Biển Đông là một minh chứng đáng lo ngại về việc một quốc gia công khai bỏ qua luật pháp quốc tế.

Theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, các hành động của Trung Quốc là một sự vi phạm chủ quyền của Việt Nam và các quyền hợp pháp của quốc gia này trong Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ).

Tuần trước, khi có các thông tin về các tàu thăm dò dầu khí của Trung Quốc vào vùng EEZ của Việt Nam, Hà Nội đã nhiều lần yêu cầu Trung Quốc rút tàu ra khỏi vùng EEZ của Việt Nam, nhưng Trung Quốc đã cố tình bỏ qua.

Hành vi gây rối này là một mối đe dọa đối với Việt Nam và là bằng chứng cho thấy Trung Quốc sẵn sàng bắt nạt các nước láng giềng.

Theo ông Eliot L.Engel, những sự việc như vậy chứng tỏ sự ngang nhiên coi thường luật pháp và ngoại giao quốc tế của Trung Quốc.

Trước đó, trên trang mạng xã hội Twitter cá nhân, Hạ nghị sỹ Mỹ Mike Gallagher thuộc đảng Cộng hòa cũng cho biết, ông ủng hộ Việt Nam và các đối tác khu vực của Mỹ để lên án hành động của Trung Quốc.

Cộng đồng quốc tế phải tiếp tục duy trì trật tự dựa trên luật lệ và luật pháp quốc tế. Ông kêu gọi Trung Quốc "ngay lập tức rút tất cả các tàu ra khỏi lãnh hải của các nước láng giềng và chấm dứt các chiến thuật 'bắt nạt' bất hợp pháp này”.

Hàn Quốc bắn cảnh cáo máy bay Nga và Trung Quốc

Bộ Quốc phòng Hàn Quốc ngày 23/7 cho biết ba máy bay quân sự Nga, bao gồm hai oanh tạc cơ Tu-95 và một máy bay cảnh báo sớm A-50, ban đầu tiến vào vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của nước này ở ngoài khơi bờ biển phía Đông, sau đó một trong các phi cơ đã xâm phạm không phận Hàn Quốc. Tiêm kích Hàn Quốc đã bắn vài phát đạn cảnh cáo, khiến máy bay Nga rời đi, nhưng 20 phút sau nó quay lại và tiến vào không phận Hàn Quốc lần nữa, buộc nước này phải tiếp tục bắn cảnh cáo.


Tiêm kích F-15 Hàn Quốc (Ảnh: Getty Images)

Ngay lập tức, vụ việc này đã khơi mào một cuộc tranh cãi 4 bên giữa Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và Nga.

Ngày 23/7, Tổng thư ký Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cho rằng, dựa trên lập trường của nước này về quần đảo tranh chấp mà Tokyo gọi là Takeshima, Seoul gọi là Dokdo thì “việc máy bay quân sự Hàn Quốc bắn cảnh cáo là việc hoàn toàn không thể chấp nhận được và cực kỳ đáng tiếc. Chúng tôi gửi phản đối mạnh mẽ đến Hàn Quốc và yêu cầu không để tái diễn hành động này”.

Trong khi đó, một quan chức của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc đã lên tiếng bảo vệ hành động của nước này và nói rằng đây là lần đầu tiên máy bay Nga vi phạm không phận của Hàn Quốc. 

Về phía Bộ Quốc phòng Nga nói rằng 2 máy bay ném bom chiến lược Tu-95 của họ đã triển khai hoạt động bay như kế hoạch, nhưng phủ nhận cáo buộc đã vi phạm không phận Hàn Quốc và nói họ không công nhận ADIZ do Hàn Quốc thiết lập. 

Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng vùng nhận dạng phòng không của Hàn Quốc không phải vùng không phận chủ quyền và mọi quốc gia đều có quyền di chuyển tự do. 

Các nhà quan sát cho rằng vụ việc liên quan đến cả Trung Quốc và Nhật Bản có thể làm phức tạp các mối quan hệ và gia tăng căng thẳng ở khu vực Đông Bắc Á vốn không yên ổn vì quan hệ căng thẳng dai dẳng suốt nhiều năm qua giữa Mỹ và Triều Tiên. 

Triều Tiên thông báo phóng vũ khí dẫn đường chiến thuật mới

Ngày 26/7, Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) đưa tin nước này đã phóng "vũ khí dẫn đường chiến thuật mới" theo sự chỉ đạo của nhà lãnh đạo Kim Jong-un.


Truyền thông Nhật Bản đưa tin về vụ phóng tên lửa của Triều Tiên.
(Ảnh cắt từ bản tin Mainichi/Kyodo)

Tuyên bố trên được đưa ra một ngày sau khi Bình Nhưỡng phóng 2 vật thể bay mà Hàn Quốc cho là tên lửa đạn đạo tầm ngắn hướng tới biển Nhật Bản trong một động thái khiến cộng đồng thế giới quan ngại.

Theo KCNA, những vụ phóng này nhằm gửi lời cảnh báo tới "những người theo chủ nghĩa quân phiệt" ở Hàn Quốc đang thúc đẩy triển khai các vũ khí mới trên lãnh thổ Hàn Quốc và tiến hành các cuộc tập trận quân sự. KCNA nêu rõ nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã nhấn mạnh Triều Tiên cần phát triển các hệ thống vũ khí siêu mạnh để loại bỏ các nguy cơ tiềm tàng và trực tiếp đe dọa an ninh của quốc gia này.

Trước đó cùng ngày, Phủ Tổng thống Hàn Quốc cho hay, những vật thể được phóng từ Bán đảo Hodo, gần thị trấn ven biển Wonsan của Triều Tiên, là một loại tên lửa đạn đạo tầm ngắn mới. Theo đó, một tên lửa đã bay được 690 km, trong khi tên lửa còn lại bay được 430 km.

Động thái trên diễn ra chưa đầy một tháng sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tổ chức cuộc gặp bất ngờ tại làng đình chiến Panmunjom. Tại đây, hai bên đã nhất trí nối lại các cuộc đàm phán hạt nhân cấp chuyên viên trong “một vài tuần tới”.

Trung Quốc công bố Sách Trắng quốc phòng

Ngày 24/7, Trung Quốc công bố Sách Trắng quốc phòng nhằm vạch ra chính sách quốc phòng của nước này trong thời kỳ mới, đồng thời đưa ra một bức tranh tổng quan để cộng đồng quốc tế hiểu rõ hơn về lĩnh vực quốc phòng của Trung Quốc.


Hãng thông tấn NHK của Nhật Bản đưa tin về lễ công bố Sách Trắng quốc phòng 
của Trung Quốc, ngày 24/7

Sách Trắng có tựa đề: “Quốc phòng của Trung Quốc trong thời kỳ mới”, gồm 27.000 chữ, do Văn phòng Thông tin Hội đồng nhà nước (Văn phòng Thông tin Chính phủ) Trung Quốc công bố.

Sách Trắng được chia làm 6 phần, gồm: Tình hình an ninh quốc tế; Chính sách quốc phòng mang tính phòng vệ của Trung Quốc trong thời kỳ mới; Thực hiện sứ mệnh và nhiệm vụ của các lực lượng vũ trang Trung Quốc trong thời kỳ mới; Cải cách quốc phòng và các lực lượng vũ trang Trung Quốc; Chi tiêu quốc phòng vừa phải và hợp lý; Chủ động đóng góp xây dựng một cộng đồng cùng một tương lai chung cho nhân loại.

Sách Trắng quốc phòng của Trung Quốc nêu rõ, “hợp tác cùng có lợi” vẫn duy trì là xu thế không thể đảo ngược của thời đại, đồng thời chỉ ra một số yếu tố bất ổn tiềm năng trong lĩnh vực an ninh quốc tế cũng như tình hình còn nhiều biến động trên thế giới.

Sách Trắng khẳng định, kiên quyết bảo vệ chủ quyền, an ninh và các lợi ích phát triển của Trung Quốc là mục tiêu cơ bản của quốc phòng Trung Quốc trong thời kỳ mới, với đặc điểm cơ bản là “không theo đuổi quyền bá chủ, bánh trướng hay mở rộng tầm ảnh hưởng”. Trung Quốc mạnh mẽ tin tưởng rằng, “tư tưởng bá quyền và bành trướng sẽ thất bại còn an ninh và thịnh vượng sẽ được chia sẻ”. Sách Trắng khẳng định Trung Quốc sẽ theo đuổi chính sách quốc phòng mang tính chất phòng vệ.

Nhiệt độ Trái đất cao chưa từng có trong 2.000 năm qua

Các nghiên cứu mới nhất vừa công bố ngày 24/7 cho thấy, nhiệt độ Trái đất chưa bao giờ tăng nhanh như hiện nay, lên tới mức đáng báo động.


Những gì còn lại của hồ Chilwa, hồ lớn thứ hai ở Malawi. (Ảnh: AFP)

Trong khi phần lớn châu Âu đang phải hứng chịu đợt nắng nóng thứ hai chỉ trong vòng một tháng, hai nghiên cứu riêng biệt phân tích 2.000 năm xu hướng trong lịch sử khí hậu gần đây của hành tinh chúng ta. Các nhà nghiên cứu đã sử dụng dữ liệu nhiệt độ được tổng hợp từ gần 700 chỉ số: vòng cây, lõi băng, trầm tích và san hô, và nhiệt kế hiện đại...

Nghiên cứu đầu tiên, được công bố trên tạp chí Nature, cho thấy trong "Kỷ băng hà nhỏ" (từ năm 1300 đến năm 1850), mặc dù trời lạnh bất thường ở châu Âu và Mỹ trong nhiều thế kỷ song nó không lạnh ở khắp mọi nơi trên hành tinh. "Khi chúng ta quay trở lại quá khứ, chúng ta tìm thấy các hiện tượng khu vực, nhưng không có gì là toàn cầu" – ông Nathan Steiger thuộc Đại học Columbia ở New York nhận định. "Trong khi đó, sự nóng lên xảy ra ở toàn cầu. 98% toàn cầu nóng lên sau cuộc cách mạng công nghiệp" – ông nói thêm.

Một nghiên cứu thứ hai trên tạp chí Nature Geoscience xem xét sự thay đổi nhiệt độ trung bình trong khoảng thời gian ngắn, khoảng vài thập kỷ. Kết luận của họ rất rõ ràng: Không có thời điểm nào kể từ đầu kỷ nguyên của chúng ta, nhiệt độ tăng nhanh và đều đặn như vào cuối thế kỷ XX: thời kỳ hậu chiến, sản xuất - được thúc đẩy bởi nhiên liệu hóa thạch - và tiêu thụ đạt mức chưa từng thấy. Kết quả này "làm nổi bật bản chất bất thường của hiện tượng biến đổi khí hậu hiện nay" – ông Raphael Neukom thuộc Đại học Bern ở Thụy Sĩ, đồng tác giả của nghiên cứu, cho biết.

Theo ông Mark Maslin thuộc Đại học College London, những nghiên cứu này "cuối cùng cũng ngăn chặn những người hoài nghi về khí hậu, những người cho rằng sự nóng lên toàn cầu gần đây là một phần của chu kỳ khí hậu tự nhiên".

Thiên tai, tai nạn tại một số nơi trên thế giới

* Một vụ hỏa hoạn nghiêm trọng đã xảy ra ở một trại thiếu nhi thuộc vùng lãnh thổ Khabarovsk (Nga) làm 1 người thiệt mạng và 12 người bị thương, trong đó có 7 trẻ em. Bộ Y tế Nga ngày 23/7 cho biết, hậu quả của vụ hỏa hoạn tại trại thiếu nhi ở gần khu định cư Holdali, thuộc vùng lãnh thổ Khabarovsk làm 12 người bị thương (bao gồm 7 trẻ em) và 1 em đã thiệt mạng.

*Cảnh sát Philippines cho biết đã có 5 người thiệt mạng và ít nhất 12 người bị thương khi hai trận động đất liên tiếp làm rung chuyển các đảo ở khu vực miền Bắc Philippines sáng 27/7. Hai trận động đất xảy ra tại tỉnh Batanes, nơi gồm một nhóm đảo có mật độ dân cư thưa thớt ở phía Bắc đảo Luzon. Hình ảnh trên truyền thông Philippines cho thấy có nhiều ngôi nhà bị sập và đường sá bị rạn nứt.

Tỉnh trưởng Batanes, Marilou Cayco cho biết trận động đất thứ nhất mạnh 5,4 độ, xảy ra lúc khoảng 4h16 (giờ địa phương) ở độ sâu 12 km. Trận động đất thứ hai mạnh 6,4 độ, ở độ sâu 43 km, xảy ra lúc7h38' (giờ địa phương).

* Ngày 26/7, các nhân viên cứu hộ của tổ chức Trăng lưỡi liềm Đỏ Libya cho biết đã vớt được thi thể của 62 người di cư ở vùng biển ngoài khơi Libya, một ngày sau vụ đắm tàu được cho là tồi tệ nhất tại Địa Trung Hải trong năm nay.

Trước đó, khoảng 145 người di cư đã được lực lượng bảo vệ bờ biển Libya giải cứu hôm 25/7 sau khi chiếc thuyền chở họ bị đắm vì quá tải tại vùng biển phía Đông thủ đô Tripoli, gần thành phố cảng Khoms (Khôm). Những người sống sót sau vụ chìm tàu cho biết có khoảng 400 người di cư ở trên tàu khi tàu rời bến. Các cơ quan cứu hộ lo ngại số người di cư bị chết đuối còn tiếp tục tăng cao, khi số người mất tích ban đầu là 110 người./.

PV (Tổng hợp)