Thế giới tuần qua: Nỗ lực ứng phó với nhiều thách thức 

(ĐCSVN) – Thế giới tuần qua (8 – 14/11) bên cạnh không ít xung đột và bất đồng, cũng đã chứng kiến nhiều nỗ lực của các quốc gia nhằm tháo gỡ vướng mắc, ứng phó với những biến động kinh tế-xã hội cũng như diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19.
Thế giới tuần qua: Nỗ lực ứng phó với nhiều thách thức

Tuần lễ cấp cao APEC lần thứ 28 đã khép lại sau 5 ngày hoạt động (8 - 12/11) theo hình thức trực tuyến. New Zealand đã hoàn thành nhiệm kỳ Chủ tịch APEC năm 2021 và chuyển giao trọng trách trong năm 2022 cho Thái Lan.

Chủ đề của Hội nghị cấp cao APEC năm nay là “Hợp tác APEC nhằm đẩy mạnh phục hồi kinh tế hậu COVID-19; Các cơ hội và thách thức chủ yếu trong thế giới hậu COVID-19 và làm thế nào để đảm bảo các thành quả được chia sẻ đồng đều tới toàn bộ người dân trong hiện tại và tương lai”. Các nhà lãnh đạo đã tập trung thảo luận các biện pháp nhằm ứng phó với đại dịch, đẩy nhanh tốc độ phục hồi kinh tế, khơi dậy động lực mới hướng tới tăng trưởng sáng tạo, bền vững và bao trùm.

Các nhà lãnh đạo tái khẳng định cam kết duy trì và củng cố vai trò của APEC là diễn đàn hàng đầu khu vực về hợp tác và liên kết kinh tế, tiên phong trong các nỗ lực ứng phó với các thách thức toàn cầu, hướng tới một khu vực châu Á - Thái Bình Dương hòa bình, mở, thịnh vượng và tự cường.

Theo đó, APEC ủng hộ nỗ lực toàn cầu về chia sẻ và tiếp cận bình đẳng vaccine, mở rộng sản xuất và cung ứng vaccine, tăng cường năng lực của hệ thống y tế. Bên cạnh đó, APEC cũng thúc đẩy phục hồi kinh tế thông qua các công cụ chính sách, ủng hộ hệ thống thương mại đa phương dựa trên luật lệ, cải cách Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), thúc đẩy liên kết kinh tế, kết nối khu vực, phát triển kinh tế số, phối hợp trong mở cửa đi lại qua biên giới và bảo đảm phòng chống dịch.

Các nhà lãnh đạo cũng khẳng định quyết tâm thúc đẩy tăng trưởng bền vững và bao trùm, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm an sinh xã hội và đem lại cơ hội phát triển cho mọi người dân, đặc biệt là phụ nữ và các nhóm yếu thế khác.

Tham dự các sự kiện trong khuôn khổ Tuần lễ cấp cao APEC, đoàn Việt Nam do Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu tiếp tục khẳng định chủ trương chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương.

Trong các phát biểu tại Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC lần thứ 28, Phiên đối thoại giữa các nhà lãnh đạo APEC với ABAC, Hội nghị thượng đỉnh doanh nghiệp APEC 2021, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, để đưa các nền kinh tế trở lại quỹ đạo phát triển bền vững, cần có nhận thức mới và tư duy mới trên cơ sở tổng hòa các yếu tố kinh tế, môi trường, xã hội cũng như cân bằng lợi ích của tất cả các bên, đòi hỏi các thành viên APEC vượt qua khác biệt để “chung tư duy, cùng hành động” vì lợi ích của mỗi nền kinh tế và của cả cộng đồng.

Chủ tịch nước đã đưa ra 3 đề xuất đối với tương lai APEC, tập trung vào hợp tác để kiểm soát đại dịch; APEC phát huy vai trò là động lực tăng trưởng kinh tế khu vực và toàn cầu cũng như đi đầu xây dựng hình mẫu châu Á-Thái Bình Dương tăng trưởng xanh và bao trùm để hiện thực hóa Tầm nhìn Putrajaya 2040.

Đảng Cộng sản Trung Quốc thông qua Nghị quyết mang tính lịch sử

 Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch Tập Cận Bình (Ảnh: Xinhua)

Ngày 11/11, Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa XIX diễn ra tại thủ đô Bắc Kinh đã bế mạc và thông qua một nghị quyết mang tính bước ngoặt lịch sử.

Theo thông cáo chung của Hội nghị, Nghị quyết đã được hội nghị xem xét, đánh giá và nhất trí thông qua. Thay mặt Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch Tập Cận Bình đã có bài diễn văn quan trọng trước toàn thể Hội nghị.

Theo truyền thông Trung Quốc, Nghị quyết này đã đúc kết kinh nghiệm lịch sử và vạch ra con đường cho tương lai của Trung Quốc.  

Đây là Nghị quyết về lịch sử thứ 3 của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Trước đây, đảng này từng ra hai nghị quyết lịch sử có ảnh hưởng to lớn vào các năm 1945 và 1981.

Cũng tại Hội nghị lần này, một nghị quyết quan trọng khác về Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 20 Ðảng Cộng sản Trung Quốc đã được thông qua. Theo đó, kỳ đại hội này sẽ được tổ chức trong nửa cuối năm 2022 tại Bắc Kinh.

Nga khẳng định thực hiện cam kết cung cấp khí đốt cho châu Âu

Một nhà máy lọc dầu tại Gubkinsky, Nga (Ảnh: AFP/TTXVN) 

Ngày 12/11, Điện Kremlin tuyên bố Nga sẽ tiếp tục cung cấp khí đốt cho châu Âu.

Phát biểu với báo giới, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov khẳng định: "Nga đã, đang và sẽ là nước thực hiện đầy đủ toàn bộ cam kết cung cấp khí đốt cho người tiêu dùng châu Âu". Ông nhấn mạnh Moskva là nhà xuất khẩu khí đốt tự nhiên chính sang châu Âu thông qua Belarus, do đó, nước này không muốn có bất kỳ sự gián đoạn nào.

Người phát ngôn Điện Kremlin đưa ra tuyên bố trên trong bối cảnh trước đó một ngày, Tổng thống Belarus Aleksandr Lukashenko cảnh báo sẽ ngừng vận chuyển khí đốt sang châu Âu qua đường ống dẫn khí đốt xuyên quốc gia Yamal-Europe nếu Liên minh châu Âu (EU) gia tăng các biện pháp trừng phạt chống lại Minsk. Ông nhấn mạnh việc ngừng vận chuyển khí đốt là biện pháp đáp trả cứng rắn đối với các gói trừng phạt của EU.

Châu Âu đang đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng kéo dài khi giá khí đốt đã tăng vọt trong những tháng gần đây do lượng dự trữ thấp và nhu cầu phục hồi sau đại dịch tăng cao. Điều này đã ảnh hưởng đến các hoạt động công nghiệp phụ thuộc vào năng lượng trong khi người tiêu dùng cũng đối mặt với những hóa đơn tăng vọt giữa lúc mùa đông đến gần.

Một số nghị sĩ châu Âu cáo buộc Nga đang làm tồi tệ thêm cuộc khủng hoảng khí đốt để gia tăng sức ép với các nhà chức trách châu Âu nhằm thúc đẩy việc thông qua đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc 2.

Châu Âu trở thành tâm điểm của đại dịch COVID-19

 
 
Châu Âu một lần nữa trở thành tâm dịch khiến một số chính phủ cân nhắc tái áp đặt các biện pháp phong toả trong thời gian tới.

Theo thống kê của hãng tin AFP, số ca nhiễm trung bình mỗi tuần tại châu Âu, tăng trở lại từ đầu tháng 10, nay đã lên đến mức cao nhất kể từ khi bùng phát đại dịch COVID-19. Cụ thể, trong 7 ngày qua, tổng cộng đã có thêm 2.125.775 ca nhiễm được ghi nhận, tức là tăng 13% so với tuần trước đó. 5 nước có số ca nhiễm mới tăng nhiều nhất là: Nga, Anh, Đức, Thổ Nhĩ Kỳ và Ukraina.

Cơ quan kiểm soát dịch bệnh châu Âu, ngày 12/11, phát đi cảnh báo số ca lây nhiễm COVID-19 vẫn tiếp tục tăng rất nhanh, tỷ lệ tử vong tuy thấp nhưng vẫn tăng, dự báo số ca nghiêm trọng phải nhập viện và số tử vong sẽ còn tăng trong ít nhất là 2 tuần nữa. Trong số 27 nước thành viên Liên Âu, cơ quan này xếp vào loại đáng quan ngại nhất các nước Ba Lan, Bulgaria, Croatia, Cộng hòa Séc, Estonia, Hy Lạp, Hungari, Slovenia, Bỉ và Hà Lan.  Riêng tại Hà Lan, dịch COVID-19 bùng phát  trở lại mạnh đến mức chính phủ của Thủ tướng Mark Rutte phải ban hành trở lại các biện pháp hạn chế.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), số ca tử vong do COVID-19 tại châu Âu tăng 10% trong tuần qua. Khu vực này một lần nữa trở thành “tâm dịch của thế giới”, đặc biệt là ở Đông Âu, nơi tỷ lệ tiêm vaccine còn thấp. Tuy vậy, một số nước Tây Âu như Đức và Anh cũng đang nằm trong danh sách quốc gia có số ca mắc mới trong ngày cao nhất thế giới. 

Làn sóng dịch hiện nay được cho là chủ yếu đến từ việc nhiều người chưa tiêm vaccine phòng COVID-19 và nới lỏng các biện pháp hạn chế, cũng như sự suy giảm miễn dịch ở những người được tiêm từ nhiều tháng trước.

Theo dự báo mới nhất, số ca mắc và tử vong dự kiến sẽ tăng khoảng 50% trong hai tuần tới, đạt tỷ lệ hàng tuần là 300 ca mắc mới và 2,7 ca tử vong/100.000 dân.

Vàng thế giới ghi nhận tuần tăng giá mạnh nhất trong 6 tháng

Vàng thế giới ghi nhận tuần tăng giá tốt nhất trong 6 tháng qua. (Ảnh: quai-des-entrepreneurs.com)

Vàng thế giới ghi nhận tuần tăng giá tốt nhất trong 6 tháng qua, khi sức hấp dẫn của vàng được củng cố nhờ vai trò như một hàng rào chống lạm phát, giữa bối cảnh giá cả tiêu dùng tại Mỹ tăng cao.

Ngay trong phiên giao dịch đầu tuần (ngày 8/11), giá vàng thế giới đã leo lên mức cao nhất trong 2 tháng trước đà giảm của đồng USD và mối lo ngại dai dẳng về lạm phát sau khi các ngân hàng trung ương lớn quyết định giữ nguyên mức lãi suất thấp trong thời gian tới.

Trong phiên giao dịch cuối tuần ngày 12/11, mặc dù giá vàng giảm gần 1% vào đầu phiên, song mối quan ngại dai dẳng về lạm phát vẫn giúp mặt hàng kim loại quý này duy trì đà tăng vào cuối phiên. Kết thúc phiên này, giá vàng giao ngay tăng 0,3%, lên 1.866,87 USD/ounce.

Tính chung cả tuần, giá vàng giao ngay tăng 2,8%. Trong khi đó, giá vàng giao kỳ hạn cũng tăng 0,3%, lên 1.868,5 USD/ounce.

Giá vàng đã tăng tới 110 USD/ounce kể từ ngày 3/11/2021, thúc đẩy bởi lo ngại lạm phát gia tăng và cam đoan từ các ngân hàng trung ương rằng lãi suất vẫn sẽ ở mức thấp trong thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, vàng cũng chịu áp lực từ xu hướng mạnh lên của đồng USD trong tuần này, khi dữ liệu cho thấy CPI của Mỹ trong tháng 10 tăng vọt. Đồng USD mạnh hơn thường làm giảm nhu cầu vàng đối với người mua đang nắm giữ những đồng tiền khác.

Các chuyên gia phân tích của Societe Generale dự báo giá vàng sẽ đạt trung bình 1,950 USD/ounce trong quý đầu tiên của năm 2022./.

 
PV (Tổng hợp)
93 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1329
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1329
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87168982