Ngày 9/11, các hãng dược phẩm Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức) thông báo thử nghiệm thành công giai đoạn 3 trên người một loại vaccine phòng COVID-19, với hiệu quả lên tới hơn 90%, vaccine Sputnik V của Nga cũng được công bố có hiệu quả tương tự. Đây là những thông tin tốt lành trong cuộc chiến đẩy lùi đại dịch COVID-19...
Ngày 9/11, đại diện của Bộ Y tế Nga Oksana Drapkina dẫn dữ liệu tổng hợp từ các hoạt động tiêm chủng trên diện rộng tuyên bố vaccine ngừa COVID-19 của nước này có hiệu quả lên tới hơn 90%. Tuyên bố của bà Drapkina – giám đốc của một viện nghiên cứu thuộc sự quản lý của Bộ Y tế Nga nêu rõ: “Chúng tôi chịu trách nhiệm giám sát hiệu quả của vaccine Sputnik V trong các công dân, những người đã được tiêm loại vaccine này trong một phần của chương trình tiêm chủng đại trà. Dựa trên các hoạt động giám sát của chúng tôi, vaccine cũng có hiệu quả lên đến 90%. Sự xuất hiện của các loại vaccine hiệu quả khác là tin tức tức tốt lành cho mọi người”.
Trước đó cùng ngày, các hãng dược phẩm Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức) thông báo thử nghiệm thành công giai đoạn 3 trên người một loại vaccine phòng COVID-19, với hiệu quả lên tới hơn 90%. Pfizer và BioNTech hi vọng loại vaccine trên sẽ được các nhà chức trách cấp phép “sử dụng khẩn cấp” trên quy mô rộng cho những người 16-85 tuổi. Để làm được điều đó, các hãng này cần cung cấp các dữ liệu chứng minh vaccine an toàn với ít nhất 50% trong tổng số 43.000 tình nguyện viên tham gia. Nếu được cấp phép, hai hãng này khẳng định đủ sức sản xuất 50 triệu liều vaccine trước cuối năm nay và 1,3 tỉ liều trong năm 2021.
Theo trang thống kê trực tuyến worldometers.info, tính đến sáng ngày 15/11 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận có tổng cộng 54.292.410 ca nhiễm dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19), trong đó 1.317.239 ca tử vong và 37.807.723 ca phục hồi. Trong 24 giờ qua, thế giới có thêm 555.583 ca mắc mới và 98.648 ca tử vong vì đại dịch.
ASEAN nỗ lực giữ vững đà hợp tác và liên kết khu vực
|
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì điều hành Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 với sự tham dự của Lãnh đạo các nước ASEAN và Tổng Thư ký ASEAN . |
Ngày 12/11, lễ khai mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các Hội nghị cấp cao liên quan, đợt hoạt động quan trọng nhất của năm ASEAN đã diễn ra tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế ở Hà Nội. Đây là Hội nghị cấp cao cuối cùng của năm ASEAN do Việt Nam chủ trì tổ chức trong nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2020.
Sự kiện được tổ chức theo hình thức trực tuyến với sự tham gia của lãnh đạo cấp cao 10 nước thành viên ASEAN, Tổng Thư ký ASEAN, đại diện đoàn ngoại giao các nước, các tổ chức quốc tế tại Hà Nội…Đây cũng là dịp để các nước ASEAN đánh giá những kết quả hợp tác trong cả năm, trong cả công tác hoạt động nội khối cũng như với các đối tác và đề ra những định hướng ưu tiên cho giai đoạn tiếp theo.
Dự kiến, sự kiện sẽ có khoảng 20 hoạt động cấp cao liên quan. Đây là dịp duy nhất trong năm mà lãnh đạo ASEAN họp với lãnh đạo hầu hết các đối tác quan trọng của ASEAN như các hội nghị cấp cao ASEAN+1 với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Mỹ, Liên hợp quốc, Australia và cấp cao kỷ niệm 45 năm quan hệ đối tác ASEAN - New Zeland, Hội nghị cấp cao ASEAN+3 lần thứ 23, Hội nghị cấp cao Mekong - Nhật Bản và Mekong - Hàn Quốc.
Tại các Hội nghị cấp cao ASEAN và với các đối tác, các nhà lãnh đạo sẽ tập trung trao đổi bốn nội dung chính: Một là, về đẩy mạnh xây dựng Cộng đồng, giữ vững đà hợp tác ASEAN, vượt qua khó khăn, thách thức. Hai là, việc mở rộng và làm sâu sắc quan hệ giữa ASEAN và các đối tác, phát huy vai trò trung tâm của ASEAN và nâng tầm vị thế quốc tế của ASEAN. Ba là, kiểm soát hiệu quả và từng bước đẩy lùi dịch COVID-19, tích cực khắc phục hậu quả dịch bệnh và thúc đẩy phục hồi. Thứ tư, trao đổi vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm.
Tại Hội nghị lần này, các nhà lãnh đạo dự kiến thông qua ghi nhận và công bố hơn 80 văn kiện - số lượng văn kiện nhiều nhất từ trước tới nay. Trong đó, ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) là một trong các kết quả được kỳ vọng nhất tại ASEAN 37 lần này.
Các bên ký thỏa thuận chấm dứt xung đột tại Nagorny - Karabakh
|
Xung đột tiếp diễn hơn 1 tháng qua ở Nagorny - Karabakh đã khiến hơn 1.000 người thiệt mạng. (Ảnh: AFP) |
Rạng sáng 10/11 (giờ Việt Nam), Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan, Tổng thống Azerbaijan Nikol Pashinyan và người đồng nhiệm Nga Vladimir Putin đã ký một thỏa thuận chấm dứt xung đột quân sự tại khu vực Nagorny-Karabakh sau hơn một tháng xảy ra giao tranh đẫm máu.
Thỏa thuận mới này được các nhà lãnh đạo Armenia, Azerbaijan và Nga đưa ra trong bối cảnh cục diện cuộc xung đột ở Nagorny – Karabakh đã có những thay đổi sau khi một số quan chức Armenia thông tin về việc thành phố quan trọng Shusha (hay còn gọi là Shushi) đã bị các lực lượng Azerbaijan giành quyền kiểm soát. Ngày 9/11, phía Azerbaijan khẳng định họ đã nắm ưu thế tại một số khu định cư khác ở Nagorny – Karabakh.
Chỉ vài giờ trước khi thỏa thuận được ký kết, Azerbaijan đã xin lỗi và đề nghị bồi thường cho Nga sau khi thừa nhận đã vô tình bắn hạ một trực thăng Mi-24 của Nga bên trong lãnh thổ Armenia. Vụ việc đã khiến 2 phi hành đoàn thiệt mạng và 1 người khác bị thương.
Trước đó, Armenia và Azerbaijan đã ký kết 3 thỏa thuận ngừng bắn ở khu vực tranh chấp, song tất cả đều đổ vỡ khi còn chưa ráo mực. Theo số liệu thống kê, chiến sự bùng phát trở lại ở Nagorny – Karabakh từ cuối tháng 9/2020 cho tới nay đã khiến ít nhất 1.000 người phải bỏ mạng.
Palestine sẵn sàng nối lại hòa đàm với Israel
|
Người phát ngôn Tổng thống Palestine Nabil Abu Rudeineh. (Ảnh: Flash90) |
Ngày 11/11, hãng thông tấn WAFA dẫn lời người phát ngôn Tổng thống Palestine Nabil Abu Rudeineh cho biết nước này sẵn sàng nối lại hòa đàm với Israel dựa trên luật pháp quốc tế.
Ông Abu Rudeineh khẳng định lãnh đạo Palestine “sẵn sàng trở lại bàn đàm phám dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế, xuất phát điểm từ cuộc đàm phán đã chấm dứt và cam kết của Israel đối với các thỏa thuận đã ký kết.”
Động thái trên được đưa ra sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Israel Benny Gantz phát biểu trước Quốc hội nước này rằng lãnh đạo Palestine nên quay lại bàn đàm phán hòa bình mà không có lời biện hộ nào và cùng tìm kiếm giải pháp cho các xung đột.
Các cuộc hòa đàm cuối cùng giữa Israel và Palestine đã dừng lại từ năm 2014. Palestine không chấp nhận việc Mỹ là trung gian hòa giải trong việc giải quyết xung đột với Israel do Washington coi Jerusalem là thủ đô của Israel.
Bầu cử Myanmar: Đảng cầm quyền giành đủ số ghế để thành lập chính phủ mới
|
Đảng của bà Aung San Suu Kyi đã vượt qua ngưỡng 322 ghế để tiếp tục
nắm quyền. (Ảnh: Reuters)
|
Ủy ban bầu cử Liên bang Myanmar ngày 13/11 đã công bố kết quả chính thức của cuộc tổng tuyển cử tại nước này, theo đó Đảng Liên đoàn quốc gia vì dân chủ (NLD) cầm quyền của nhà lãnh đạo Aung San Suu Kyi đã giành được đủ số ghế trong Quốc hội để thành lập chính phủ tiếp theo.
Theo kết quả bầu cử ngày 8/11, Đảng NLD đã giành được 346/412 ghế trong cơ quan lập pháp lưỡng viện, trong khi số ghế mà đảng này cần để giữ đa số tại Quốc hội là 322 ghế. Hiện 64 ghế còn lại vẫn đang phân định và chưa được công bố.
Đây là cuộc tổng tuyển cử lần thứ 3 ở Myanmar trong vòng 60 năm qua, và có hơn 37 triệu cử tri đủ tư cách bỏ phiếu. Cuộc bầu cử Hạ viện có 330 đơn vị bầu cử và cuộc bầu cử Thượng viện có 168 đơn vị bầu cử.
Bầu cử nghị viện cấp bang và cấp vùng có 644 đơn vị bầu cử và 29 địa điểm bầu cử cho các sắc tộc thiểu số.
Chính quyền D.Trump vẫn chưa kích hoạt chuyển giao quyền lực
|
Tổng thống D.Trump lần đầu xuất hiện trước công chúng tại Vườn Hồng, Nhà Trắng ngày 13/11 sau khi truyền thông công bố ông J.Biden đắc cử Tổng thống Mỹ năm nay. (Ảnh: CNN) |
Cho đến thời điểm hiện tại, chính quyền của Tổng thống đương nhiệm Donald Trump vẫn chưa chính thức kích hoạt quá trình chuyển giao quyền lực cho ứng cử viên Tổng thống của đảng Dân chủ Joe Biden, sau khi các hãng truyền thông lớn của Mỹ thông báo ông Joe Biden đắc cử Tổng thống thứ 46 của Mỹ.
Trong nhiều ngày qua, ông D.Trump cáo buộc cuộc bầu cử có nhiều gian lận, sai phạm và đã kiện lên toà án ở một số bang. Tuy nhiên, các quan chức bầu cử cấp cao liên bang và cấp bang của Mỹ đã lên tiếng khẳng định "không có bằng chứng" cho thấy các phiếu bầu bị thất lạc, bị thay đổi hay hệ thống bầu cử bị can thiệp trong cuộc tổng tuyển cử diễn ra ngày 3/11 vừa qua”
Ngày 13/11, trong một diễn biến tích cực, Tổng thống D.Trump lần đầu tiên có bài phát trước công chúng về vấn đề vaccine ngừa COVID-19 tại Vườn Hồng, Nhà Trắng kể từ ngày 5/11. Trong lời phát biểu, Tổng thống D.Trump cũng lần đầu ngầm thừa nhận khả năng chính quyền Biden sắp được thành lập. Tuy nhiên, ông D.Trump không thừa nhận thất bại trong cuộc bầu cử và không nhắc tên đối thủ từ đảng Dân chủ.
“Lý tưởng nhất là chúng ta sẽ không phong tỏa. Tôi sẽ không phong tỏa – Chính quyền này sẽ không phong tỏa”, ông D.Trump cho hay. “Hy vọng rằng, bất cứ điều gì xảy ra trong tương lai, ai biết được đó sẽ là chính quyền nào. Tôi đoán rằng thời gian sẽ trả lời. Nhưng tôi có thể nói với các bạn rằng Chính quyền này sẽ không phong tỏa”, Tổng thống D.Trump nhấn mạnh.
Trước đó ngày 7/11, với chiến thắng tại bang chiến địa Pennsylvania, ứng cử viên Joe Biden đã vượt qua cột mốc 270 phiếu đại cử tri cần thiết để trở thành Tổng thống thứ 46 của Hoa Kỳ. Ông Joe Biden đã giành chiến thắng trước Tổng thống đương nhiệm Donald Trump với tỷ lệ phiếu 273 – 213./.
PV (tổng hợp)